(GDVN) - Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện trên cả nước, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn không công bố dịch và đẩy lỗi trách nhiệm về phía các cơ quan báo chí.
Tại cuộc họp báo liên quan đến các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ Y tế đã đổ lỗi cho các cơ quan truyền thông. Theo Bộ này thì nguyên nhân của tình hình bệnh chưa giảm là “do cơ quan tuyên truyền chưa hiệu quả”.
Gần 80 nghìn trường hợp nhiễm bệnh
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện và ghi nhận 77.895 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, đã có 137 trường hợp tử vong tại 27 tỉnh, thành phố. Riêng trong tuần qua, có thêm gần 3.000 ca bệnh và thêm 7 người chết vì bệnh này.
Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung ở miền Nam, chiếm 65,1% số mắc và 89,1% số tử vong của cả nước. Tuy nhiên từ tuần thứ 29 đến nay, số ca mắc tại miền Nam có xu hướng giảm dần, trong khi đó các ca măc tại các tỉnh, thành miền Bắc có xu hướng tăng; nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Yên Bái, Hải Dương và thành phố Hà Nội.
|
Việc phòng ngừa bênh lây lan là thường xuyên hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, rửa sạch tay chân. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng chưa cần công bố dịch. “Tôi không công bố dịch nhưng tôi nói có dịch tay chân miệng đang xảy ra. Công bố dịch có nghĩa là lực lượng Công an, Bộ đội, Hải quan, Du lịch đều phải vào cuộc. Bệnh này nó lây từ phân sang miệng. Nếu bây giờ công bố dịch thì tất cả trẻ con, người lớn đi, đến từ vùng dịch đều phải kiểm tra bệnh phẩm là phân thì rất phức tạp. Tôi khẳng định lại là chưa đến mức độ phải công bố dịch”, bà Tiến nói.
Lỗi là do báo chí?
Cũng tại buổi trao đổi này, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y Tế đã đổ lỗi cho các cơ quan truyền thông là tuyên truyền chưa hiệu quả nên dịch bệnh tay chân miệng chưa giảm.
Ông nói: “Chúng tôi nói rằng hiện nay truyền thông chưa trúng đích, chúng tôi đề nghị cơ quan báo chí, khi đưa tin chỉ nên tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch; không đưa tin về tình hình diễn biến dịch bệnh vì có nhiều thông tin mà chúng ta đưa ra thì nhân dân lại hoang mang và dẫn đến quá tải không cần thiết trong các cơ sở khám chữa bệnh”.
Qua điều tra của Viện Pasteur TP. HCM 100 trường hợp trẻ mắc TCM có xét nghiệm dương tính tại 5 tỉnh thành (gồm TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre) cho thấy tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học là 76,92%; đi nhà trẻ công lập 19,66%; đi nhà trẻ tư nhân 1,71%; nhóm trẻ gia đình 0,85%, học phổ thông cơ sở 0,85%.
Tại Long An, tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học chiếm đến 80% số ca mắc trong khi trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo 20%. Còn tại Vĩnh Long, trẻ ở nhà không đi học mắc bệnh chiếm 69%; Quảng Ngãi là 83,4%...
Theo ông Long, cha mẹ và người chăm sóc trẻ chưa tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh phòng bệnh như: rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cho trẻ ăn và đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh; thường xuyên khử trùng môi trường và đồ dùng chăm sóc trẻ nhỏ bằng dung dịch sát khuẩn.
Dư luận cho rằng, Bộ Y tế chưa kịp thời công bố dịch tay chân miệng là chưa nhận rõ trách nhiệm của mình một cách thẳng thắn. Vì, dịch bệnh nguy hiểm này đã và đang lây lan ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước và số người chết do bệnh chân tay miệng đang ngày càng nhiều lên. Không biết đến khi nào thì dịch bệnh này được khống chế? Người dân cả nước đang mong chờ ngành y tế trả lời cầu hỏi này.