- Thưa luật sư, gần đây nhà cung cấp viễn thông Beeline đã tung ra gói cước tỷ phú với mức khuyến mại "khủng" nhất từ trước đến nay. Sự kiện này gây ra nhiều tranh cãi trong giới viễn thông Việt Nam. Theo luật sư, vì sao một chương trình khuyến mãi được đông đảo khách hàng hưởng ứng lại bị cơ quan chủ quản“tuýt” còi?
|
Luật sư Nguyễn Văn Tú |
LS Nguyễn Văn Tú: Theo thông tin mà tôi nhận được cũng như qua theo dõi gói cước này, tôi nhận thấy, sim tỷ phú của Beeline được bán với giá 20 nghìn đồng x 12 tháng x 10 năm = 2,4 triệu đồng. Khách hàng thanh toán cho Beeline theo tiến độ thanh toán là 120 lần (vì mỗi tháng nộp 20 nghìn đồng). Lợi ích khách hàng nhận được là gói dịch vụ viễn thông có giá trị 1 tỷ đồng.
Như vậy, bản chất là Beeline bán thuê bao. Thuê bao di động một dữ liệu thuộc kho số và thuộc tài nguyên viễn thông của quốc gia mà nhà nước dành cho Beeline. Beeline bán với giá 2,4 triệu đồng cho khách hàng thanh toán 120 lần (tháng 1 lần tương đương với trong 10 năm) có khuyến mại giá trị tiền cước sử dụng dịch vụ viễn thông của Beeline là 1 tỷ đồng.
Theo đó, số tiền khuyến mại (cước dịch vụ viễn thông của Beeline) mà người mua được hưởng (1 tỷ đồng) cao hơn giá trị số thuê bao mà khách hàng phải bỏ tiền ra mua (2,4 triệu) là 416,67 lần (1 tỷ : 2,4 triệu = 416,67).
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2006 ngày 4/4/2006 về xúc tiến thương mại, giá trị một đơn vị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị của một đơn vị hàng hóa hoặc dịch vụ được khuyến mại. Như vậy, Beeline đã vi phạm quy định này của pháp luật thương mại
.
- Được biết, chỉ cơ quan nhà nước mới thực hiện các tháng, các mùa khuyến mại cũng như áp dụng cho các doanh nghiệp cùng kinh doanh tham gia. Nhưng Beeline thực hiện hẳn một chương trình khuyến mại trong mười năm, như vậy có vi phạm luật canh tranh không, thưa ông? LS Nguyễn Văn Tú: Dùng kỹ thuật kéo dài thời hạn thanh toán và thời hạn giải ngân khoản tiền cước dịch vụ 1 tỷ được khuyến mãi (120 lần/120 tháng) nhằm duy trì thời gian sống của mỗi thuê bao. Việc kéo dài thời gian thanh toán khoản tiền mua số thuê bao thì không sao nhưng kéo dài thời hạn khách hàng được hưởng khuyến mãi lên tới 10 năm cho một chương trình khuyến mại thì vi phạm tinh thần của pháp luật thương mại.
Việc đăng ký một chương trình khuyến mại phải có thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình. Thường thì chỉ có các cơ quan nhà nước mới thực hiện các tháng, các mùa khuyến mại và những chương trình lớn như này thường phải huy động và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh cùng một loại hàng hóa dịch vụ.
Tôi có thể lấy dẫn chứng như chương trình du lịch quốc gia mà Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch thực hiện năm 2008-2009. Khi có khủng hoảng kinh tế cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Bộ đã phát động chương trình giảm giá các tour du lịch từ 30 đến 50% áp dụng cho tất cả các công ty du lịch.
Trong điều kiện như hiện nay mà Beeline thực hiện khuyến mại không phải là tháng, là mùa mà là năm, thậm chí lên đến 10 năm thì quả là trái với tinh thần cạnh tranh lành mạnh và thương mại.
- Vậy xét cho cùng, Beeline được và mất những gì với chương trình khuyến mại "khủng" này? Phải chăng Beeline chưa tính kỹ đến khả năng bị “tuýt còi” khi tung ra gói cước tỷ phú? LS Nguyễn Văn Tú: Với chương trình khuyến mại này, rõ ràng bộ phận marketing của Beeline đã có những tính toán cho một giá trị hình ảnh nào đó hoặc là muốn gây dựng một hệ thống khách hàng (số thuê bao bán được và cột họ chung sống tối thiểu 10 năm).
Tuy nhiên, thực chất nếu làm phép cộng giá trị khuyến mại thì các hãng khác như Viettel, Vinaphone, Mobifone hay một số hãng khác còn khuyến mãi lớn hơn nhiều so với chương trình này của Beeline nhưng họ đã có tư vấn pháp luật tốt nên vừa không trái luật vừa đạt được mục tiêu marketing của họ đối với hệ thống khách hàng.
Qua khuyến mại lần này có thể thấy, Beeline chưa có tư vấn pháp luật tốt nhất để vượt qua các quy định pháp lý của nước ta hiện nay, các điều lê khuyến mãi chưa thực sự chặt chẽ mà lại không giành được thị phần đáng kể về thuê bao.
- Xin cảm ơn luật sư!