Sự ngừng trệ đột ngột ấy ảnh hưởng tới cả một hệ thống, đẩy công nhân vào cảnh không có lương, đắp chiếu hàng loạt cỗ máy hạng nặng và kéo lùi những kế hoạch phát triển tàu đầu đạn từng được hy vọng sẽ dẫn đường cho cả tương lai đất nước.
Ảnh: smartplanet. |
Trên cánh đồng của Ba Châu, các cột trụ chưa hoàn thành, những máy trộn xi măng đứng yên lặng dọc theo con đường ngổn ngang cát sỏi từng được thiết kế để trở thành đường giao kết chính trong mạng lưới cao tốc, nối Thiên Tân với Bảo Định ở phía đông bắc. Giờ đây, nó là một trong hàng chục dự án đường sắt lớn bị dừng lại sau vụ tai nạn hồi tháng 7 làm 40 người chết ở gần thành phố Ôn Châu. Vụ tai nạn cho thấy Trung Quốc phải "rẽ ngang" thế nào trong tham vọng xây dựng hệ thống tàu đầu đạn lớn nhất thế giới.
“Mọi thứ đều gặp rất nhiều khó khăn. Không có tiền, nên chúng tôi thậm chí không thể trả lương cho công nhân. Kiểm tra chất lượng giờ đây rất ngặt nghèo", một người phụ trách Tập đoàn công nghệ đường sắt Trung Quốc nói.
Ở bối cảnh lớn hơn khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại, chính phủ Trung Quốc đã bóng gió tới việc có thể khởi động lại một số kế hoạch đầu tư bị đình trệ như là cách để kích thích tăng trưởng. Hiện tại, so với lúc đỉnh điểm có khoảng hơn 600 công nhân, một nhóm gồm 20 người vẫn ở lại công trường Ba Châu, làm một con đường phục vụ thi công chạy dọc tuyến đường sắt tương lai. Đây là phần duy nhất của dự án được phê chuẩn.
Vương Mạnh Thụ, phó kỹ sư trưởng Tập đoàn đường hầm đường sắt Trung Quốc tuần trước nói với báo chí rằng, việc thiếu kinh phí đã dẫn tới sự đình trệ xây dựng hơn 10.000km đường ray trong phạm vi cả nước. Nếu không được phục hồi, khoảng 6 triệu công nhân làm việc trong ngành công nghiệp đường sắt sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng, Vương nhấn mạnh.
Sau nhiều năm được nhận dòng tiền lớn của chính phủ, việc thiếu kinh phí đột ngột là tình huống mới và khó chịu với ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc. Trước vụ tai nạn Ôn Châu, đường sắt cao tốc luôn là niềm tự hào của Trung Quốc. Con tàu đầu đạn đầu tiên của nước này chỉ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2007, nhưng chỉ trong vòng bốn năm, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Sự bùng nổ này được cho là sẽ tiếp tục diễn ra trong ít nhất một thập niên nữa, với kế hoạch tăng gấp đôi chiều dài đường sắt cao tốc vào năm 2020. Nhưng sự tự tin đã xẹp lại.
“Chúng tôi cần kiểm tra nghiêm túc mọi thiết kế từ lúc ban đầu và tìm ra các lỗ hổng. Suy cho cùng, đường sắt cao tốc là một điều mới mẻ", Hoàng Chí Nghị, giám đốc Viện kỹ thuật vận tải Đại học Chiết Giang - một trung tâm nghiên cứu và phát triển trong ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc - nói.
Mức chi tiêu cho các dự án cao tốc từng giảm dần sau sự tăng vọt từ tiền kích cầu năm 2009 nhưng sự sụt giảm kể từ vụ tai nạn Ôn Châu mới thực sự đáng kể. Đầu tư vào đường sắt và vận chuyển tăng 7% nửa đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước, nhưng cuối tháng 9, con số này giảm 19%.
Có rất ít cơ hội để quay lại thời kỳ hoàng kim trong xây dựng của 5 năm qua, nhưng dường như chính phủ Trung Quốc đang dần chú ý lại với các kế hoạch đường sắt cao tốc. Việc khởi động lại đầu tư sẽ tạo ra cú hích ngay lập tức cho nền kinh tế. Lâu dài hơn, việc này được mong đợi sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, mở mang thị trường nội địa giúp tăng trưởng bền vững hơn.
Nhiệm vụ đầu tiên của Bắc Kinh là xoa dịu các nhà đầu tư. Đó là những lo ngại về khoản nợ ngày một lớn của Bộ Đường sắt (330 tỉ USD), những điều kiện thắt chặt tiền tệ kết hợp với các vụ tai nạn chết người...
Để phá vỡ sự bế tắc, Bộ Tài chính Trung Quốc tháng này đã tuyên bố sẽ giảm thuế một nửa với lợi nhuận thu được từ trái phiếu đường sắt phát hành từ nay tới 2013. Cùng lúc đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng mở rộng các khoản vay với Bộ Đường sắt. Nhưng Bắc Kinh cũng phải giải quyết những mối quan tâm trong số hành khách đi tàu. Số lượng hành khách đã giảm mạnh kể từ vụ tai nạn Ôn Châu. Khoảng 151 triệu lượt khách đã đi tàu trong tháng 9, ít hơn gần 30 triệu lượt so với tháng 7.
Thái An (theo FT)