(GDVN) - 0h ngày 31/10, dân số thế giới chính thức cán mốc 7 tỷ người. Điều đó mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhân loại.
Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), 0h hôm nay (31/10), công dân thứ 7 tỷ đã chào đời. Điều đó đánh dấu cột mốc kỷ lục của dân số thế giới.
UNFPA đã đưa ra hai kịch bản đối lập mà con số 7 tỷ người đem lại: chúng ta sẽ có một tương lai bền vững, thịnh vượng hay một tương lai với những bất bình đẳng, suy thoái về môi trường và tụt hậu về kinh tế?
Theo UNFPA, với tốc độ tăng dân số hiện tại, mỗi năm thế giới tăng thêm 78 triệu người. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, dân số toàn cầu sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2043.
Tuy nhiên, Báo cáo về Tình trạng dân số thế giới cũng chỉ ra những thách thức của các quốc gia khi dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỉ người, đó là: khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng, đối mặt với mất an ninh lương thực, thiếu nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Dân số sinh sôi quá nhanh, đặc biệt ở những vùng kém phát triển như Ấn Độ, Châu Phi đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sự phát triển. Trong khi đó, các nước giàu có và các nước có thu nhập trung bình lại đang lo lắng về tỷ lệ sinh thấp, suy giảm dân số và già hóa dân số, môi trường.
Riêng đối với VN, trong bối cảnh thế giới 7 tỷ người, nước ta sẽ phải chịu thách thức lớn về vấn đề về đói nghèo và bình đẳng; phụ nữ và trẻ em gái; thanh niên, sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản; môi trường; già hóa dân số và đô thị hóa.
Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam có nhiều tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn còn cao, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Tôi cho rằng, đói nghèo không đơn thuần là thiếu ăn mà cả những hạn chế về giáo dục, y tế, nhà ở, dịch vụ xã hội… Do vậy, giảm nghèo bằng cách nâng cao thu nhập và chú trọng đầu tư vào y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, nếu Việt Nam không có giải pháp để ứng phó với biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường bằng việc “sản xuất xanh” thì có thể cản trở những nỗ lực chống đói nghèo.”
|
Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn về dân số. |
Điều đáng lo nữa là VN hiện có 20% người dân rất giàu và 20% rất nghèo, chênh lệch giàu nghèo năm 2010 là 9,2 lần, cao hơn các nước có GDP lớn hơn VN. Nạn bạo lực gia đình vẫn đang diễn ra nhức nhối với 31,5 % bé gái từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của vấn nạn này.
Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA tại VN cho rằng: “Trong khi thời kỳ dân số vàng tiếp tục duy trì, VN có thể được hưởng lợi từ nguồn nhân lực dồi dào này, giúp họ chuẩn bị tốt hơn để có thể đóng góp đáng kể tới tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo giữa các nhóm dân số dễ bị tổn thương (như các nhóm dân tộc thiểu số bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái) lại giảm không đáng kể đang đặt ra thách thức lớn cho cả quốc gia”.