Báo Vietnamnet
Cập nhật 31/10/2011 03:06:20 PM (GMT+7)
Cập nhật 31/10/2011 01:00:00 PM (GMT+7)
Go.vn

Lối nào cho trẻ lớp 1 không mang cặp tới trường?

- Học sinh tiểu học chạy đua với chương trình và gồng mình thi với học. Còn học viên sau đại học - bậc học rất cao đòi hỏi học hành, nghiên cứu nghiêm túc để có thêm tri thức phục vụ đất nước - thì đang học theo kiểu “dật dờ”, chiếu lệ. Nghịch lý càng lên cao càng học nhãn nhã đang là vấn đề bất cập trong hệ thống giáo dục Việt Nam. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, TTN&NĐ của Quốc hội đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề này.

 

Những thạc sĩ có "mũ" nhưng đầu rỗng
Việc học và thi ở bậc cao học ở một số trường hiện nay khá nhàn nhã, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
 
Mẹ thạc sĩ xót xa cảnh con lớp 1
Đây là tâm sự của một bà mẹ ở quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là học viên cao học đồng thời có con trai vừa bước chân vào lớp 1 cách đây chưa đầy 2 tháng.

Nghịch lý ở Việt Nam hay ở Mỹ?
Ở Mỹ, nếu cuối năm trẻ học lớp một tuyên bố thích đi học, đó chính là thành công của giáo viên trong cả năm.
 
Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
 
Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”.

 

“Bố mẹ gồng lưng học thay con”

- Có một thực tế là hiện nay, nhiều học sinh tiểu học ở các thành phố đã và đang phải chạy đua rất căng thẳng để hướng tới trường “top” ở những cấp học trên, trong khi đó ở bậc cao học thì việc thi diễn ra khá nhẹ nhàng và học thì nhàn nhã, như “cưỡi ngựa xem hoa” , ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

 


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh. Ngọc Trang
Đúng là đang có tình trạng học phổ thông vất vả hơn đại học, học sau đại học còn nhàn nhã hơn đại học; và tuyển sinh vào trường mầm non, trường tiểu học “điểm” có sự cạnh tranh lớn gấp nhiều lần tuyển vào cao học. Dĩ nhiên, ai cũng thấy như vậy là ngược đời.

 

- Nguyên nhân sâu xa nhất của sự ngược đời này là gì, thưa ông?

Tôi nghĩ, nguyên nhân dễ nhận ra nhất nằm ở hai chữ “cạnh tranh”.

Bậc học mầm non có số trẻ cần được đến trường đông nhất nhưng lại ít trường nhất; trường tốt lại càng ít. Chính vì vậy mà cha mẹ học sinh ở một số thành phố lớn phải xếp hàng chầu chực suốt đêm để nộp đơn cho con vào trường. Ở bậc học tiểu học, cha mẹ nói chung đều muốn cho con vào “trường điểm” nên tình hình “tuyển sinh lớp 1” của các trường này cũng diễn ra tương tự. Thời buổi cạnh tranh, “người khôn của khó” (kiếm chỗ học chỗ làm khó), nên suốt từ khi con vào lớp 1 cho đến hết phổ thông, cha mẹ “ốp” con học ngày học đêm để vào được những trường đầu bảng ở cấp học tiếp theo, để đủ tiêu chuẩn đi du học, để thành ông nọ bà kia... Kết quả là các em không còn thời gian để ngủ nghỉ hay chơi những trò mà tuổi thơ các em phải được chơi.

- Đúng như ông nói, trẻ em thì mất tuổi thơ, nhưng những sinh viên cần trau dồi kiến thức nhất thì lại đang phởn phơ với việc học?

Vâng. Lên đến cao học, nghiên cứu sinh thì số người muốn theo học càng ít, mà chỗ học thì nhiều. Có những ngành cao học chỉ tiêu tuyển còn nhiều hơn số thí sinh đăng ký. Đây là các trình độ đào tạo yêu cầu tự giác cao. Nhưng nếu không tự giác nghiên cứu, học hỏi thì vẫn có thể hoàn thành chương trình. Các thầy nể nhau và thương học trò nên gần như ai vào thì người đó ra, khiến học trò cảm thấy học quá dễ, học thế nào cũng xong. Mà như thế thì rất khó sàng lọc, khó đảm bảo chất lượng.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở chương trình và phương pháp dạy học.

Nguyên nhân chính dẫn đến quá tải là chương trình thiếu tính tích hợp và được thiết kế thời gian lên lớp quá chặt chẽ. Ví dụ, học sinh tiểu học phải học đến 9 môn, trong khi hoàn toàn có thể nhập các môn Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử, Địa lý, Khoa học với nhau để giảm giờ học và để các mảng kiến thức liên kết với nhau, tạo ra năng lực chung cho học sinh. Thời khoá biểu sắp xếp quá chặt chẽ cũng khiến giáo viên khó có thể tổ chức các hoạt động vừa học vừa chơi trên lớp hoặc đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại.

Thêm vào đó, do áp lực xã hội, ngành giáo dục phải thường xuyên bổ sung quá nhiều nội dung vào chương trình, như: phòng chống HIV, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống tham nhũng, giáo dục giới tính, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống… Điều này làm cho việc học càng thêm căng thẳng.

Nguyên nhân thứ ba, theo tôi, là ở các nhà giáo. Qua một số ý kiến thầy, cô gần đây về giảm tải, tôi thấy nhiều thầy, cô không nắm được chương trình. Đó là chưa kể một số thầy, cô vì mục đích dạy thêm đã nhồi nhét kiến thức cho học sinh sau giờ học chính khóa càng khiến các em bị quá tải.

Hãy để các em có một tuổi thơ trọn vẹn!

- Theo ông, liều thuốc cấp cứu và dài hạn cho tình trạng đang gây bức xúc trong xã hội này là gì?

Ở bậc đại học, cao học thì phải học thật, thi thật. Thậm chí, trong thời gian chấn chỉnh việc đào tạo, có thể phải nghĩ đến chuyện quy định tỷ lệ tốt nghiệp để lọc được những người thực sự có năng lực. Nhưng để người học ở các trình độ này nâng cao tính tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu thì không gì tốt hơn là có sức ép từ chính sách nhân lực đúng đắn và sự sàng lọc của một thị trường lao động lành mạnh.

 


Học sinh trường Tiểu Học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh. Bảo Anh

 

Ở trường phổ thông: Cần tích hợp các môn học để giảm tải môn học và thời lượng học cho học sinh. Cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo ở trường sư phạm và công tác bồi dưỡng giáo viên. Đây là yêu cầu rất quan trọng vì thầy, cô có tâm có tài thì dạy chương trình, SGK nào cũng dạy tốt và đào tạo được những thế hệ học sinh có đầy đủ năng lực và phẩm chất mong muốn.

Còn về phía cha mẹ học sinh, cha mẹ thường xuyên quan tâm đến việc học của con là đúng nhưng cần cho con nghỉ ngơi sau một ngày đi học ở trường, không nên ép con học, thậm chí “gà” bài trước khiến con chủ quan, đến lớp không chăm chú học bài. Cha mẹ dạy thay giáo viên thì chẳng khác gì tự bốc thuốc chữa bệnh cho con thay bác sĩ.

Về kinh tế - xã hội , Nhà nước cần đổi mới cơ cấu kinh tế và chính sách nhân lực. Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách khuyến khích kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao phần “hành” cho học sinh.

- Mới đây nhất, một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tiến hành thí điểm việc không cho học sinh lớp 1 mang cặp sách về nhà, sau 1 ngày học, tất cả sách vở đều để lại lớp và chỉ đi người không về, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Tôi rất hoan nghênh giải pháp này và đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu, nhân rộng sáng kiến ấy. Người lớn chúng ta hãy để cho các em được sống một tuổi thơ trọn vẹn. Những năm đầu đi học, cần tạo cho các em tâm lý yêu trường, yêu bạn và ham đến lớp thay vì phải gồng mình với những lớp học thêm, những bài tập nâng cao chưa thực sự cần thiết. Chính sự quá tải này có tác dụng ngược khiến các em chán nản, giảm đi niềm say mê với việc học.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Trang (thực hiện)

Gửi ý kiến phản hồi

Tin mới nhất


Các tin khác


Liên hệ quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.