Thứ hai, 31/10/2011, 14:31 GMT+7

'TP HCM sẽ lụt như Bangkok nếu phát triển như hiện nay'

So sánh nhiều điểm tương đồng từ trận lụt ở Bangkok, PGS. TS Hồ Long Phi - Phó ban điều phối chương trình chống ngập TP HCM dự đoán, không sớm thì muộn trận "đại hồng thủy" ở Bangkok sẽ tái diễn nếu TP HCM cứ phát triển như hiện nay.
> Toàn cảnh trận lụt lịch sử ở Thái Lan

- Thái Lan đang trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử, ông so sánh gì với tình hình hiện nay ở TP HCM?

- Nếu TP HCM và các khu vực chung quanh cứ tiếp tục phát triển như hiện nay thì sớm muộn gì trận "đại hồng thủy" ở Bangkok sẽ tái diễn ở TP HCM.

Nếu xảy ra những biến cố thời tiết lịch sử tương tự như Bangkok thì mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn có thể sẽ đạt đến 1,7 m hoặc cao hơn. Khoảng 60.000 ha thuộc các khu vực trũng thấp như Củ Chi, Bình Chánh, quận 2, quận 6, quận 7, quận 8, Bình Thạnh, Nhà Bè, Thủ Đức sẽ bị đe dọa. Ngoài ra hệ thống kiểm soát triều của TP HCM chưa được hoàn thiện, dòng chảy sẽ nhanh chóng tràn bờ.

Với các khu vực nội thành, nếu xảy ra các trận mưa lớn có vũ lượng trên 100 mm, trùng với khi mực nước dâng cao thì việc ngập kéo dài trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, có thể nói địa hình (cao độ, độ dốc) của đa phần khu vực đã phát triển của TP HCM là khá thuận lợi về mặt thoát nước so với Bangkok. Do đó nếu được chuẩn bị ứng phó tốt thì tình hình ngập ở TP HCM khi xảy ra những thiên tai lớn sẽ có thể được giảm nhẹ.

Người dân Thái bám vào dây thừng để chống chọi nước lũ hôm 25/10. Ảnh: nationmultimedia.com.

- Nguyên nhân dẫn đến trận lụt tồi tệ ở Thái Lan là khai thác nước ngầm, xây dựng tràn lan làm Bangkok lún, mưa to kéo dài ở thượng nguồn và nước biển dâng. Vậy nguyên nhân gây ngập ở TP HCM là gì?

- Kết quả nghiên cứu gần đây của một số chuyên gia cho thấy tốc độ lún hàng năm ở thành phố có thể đến 2-3 cm tại một số khu vực. Hiện chưa có nghiên cứu chi tiết nào về cơ chế và nguyên nhân của hiện tượng lún tại TP HCM. Tuy nhiên theo những kết quả nghiên cứu đối với Jakarta, Bangkok, Thượng Hải…, vấn đề khai thác nước ngầm, nhà cao tầng và hiện tượng nền đất yếu đều có thể góp phần vào việc gây ra hiện tượng lún cục bộ và trên diện rộng.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị không được kiểm soát tốt trong suốt vài thập niên qua đã vượt xa so với tốc độ nâng cấp hệ thống thoát nước. Hệ quả là tình trạng ngập ở TP HCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Khoảng 10 năm gần đây nỗ lực của thành phố trong việc xóa giảm ngập chỉ là để khắc phục hậu quả của việc thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước. Tình trạng này đang xuất hiện ngày càng trầm trọng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt… và hàng chục đô thị lớn trong cả nước không loại trừ vùng ven biển, đồng bằng hay cao nguyên. Bài học của TP HCM đang lặp lại ở các đô thị trên cả nước.

Ngoài ra, mực nước biển dâng cũng khiến tình trạng mực nước sông dâng cao. Tuy nhiên tốc độ dâng của mực nước biển tại Vũng Tàu trong vài thập niên qua chỉ vào khoảng 0,5 cm/năm, bằng khoảng 1/3 tốc độ dâng của mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn. Việc quản lý các hồ chứa trên thượng nguồn chưa được chú trọng đúng mức đến công tác phòng lũ mà chủ yếu vẫn thể hiện mong muốn cực đại hóa lợi nhuận ngành. Cũng như vậy, việc phá hủy diện tích lớn rừng phòng hộ có thể mang lại lợi ích cục bộ cho từng địa phương nhưng lại dẫn đến lũ ngày càng hung hãn.

Từ đó có thể kết luận rằng tình trạng ngập triều gia tăng tại TP HCM là hệ quả tổng hợp của các yếu tố xả lũ từ các hồ chứa thượng nguồn, san lấp lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng đối phó, chống ngập của TP HCM?

- Trên thực tế, tình trạng ngập ở khu vực nội thành TP HCM đã bắt đầu giảm dần từ 2007 về số vị trí ngập, số lần ngập cũng như thời gian kéo dài nhờ vào những nỗ lực đầu tư của TP HCM trong suốt thập niên vừa qua. Số vị trí ngập hiện tại, kể cả phát sinh mới chỉ vào khoảng 40, tức là đã giảm được hơn 50%. Sau khi các dự án ODA hoàn tất (dự kiến trong khoảng 2012-2013) thì có thể làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập trong khu vực nội thành.

Tuy nhiên tình trạng xuất hiện những vị trí ngập mới lại bắt đầu diễn ra ở các khu vực mới phát triển chung quanh thành phố. Đây mới là điều đáng ngại. Nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư thích đáng cho công tác xóa giảm ngập thì khoảng chừng một thập niên nữa tình trạng "100 điểm ngập" có thể lại tái diễn.

Việc xả lũ với lưu lượng lớn từ các hồ chứa thượng nguồn chắc chắn có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với TP HCM. Nếu xảy ra những trận bão lớn vào cuối mùa mưa trên lưu vực thì sẽ cực kỳ nguy hiểm vì khi đó các hồ hầu như đã tích đầy nước và không còn khả năng cắt lũ. Tôi cho rằng TP HCM nên sớm có kiến nghị với trung ương để khẳng định lại vai trò cắt lũ của các hồ chứa gần với TP HCM như Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa.

- TP HCM rút ra những bài học gì sau trận lụt lịch sử ở Bangkok?

- Chúng ta có 5 bài học kinh nghiệm có thể rút ra. Thứ nhất là vai trò điều tiết lũ của các hồ chứa thượng nguồn. Khi xảy ra mưa lớn trên toàn khu vực, các hồ chứa ở thượng nguồn Bangkok đều hầu như đã đầy nước và không còn khả năng cắt lũ. Việc tiến hành xả lũ lại khá chậm chạp và thiếu kiên quyết, vừa xả vừa tiếc, với hy vọng mưa sẽ dứt.

Bài học thứ hai về việc tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống đê bao cộng với hàng trăm trạm bơm chung quanh Bangkok trị giá hàng tỷ USD. Tất cả các công trình đều có năng lực thiết kế của nó. Các thông số thiết kế đều chỉ dựa vào số liệu quá khứ và dự đoán cho tương lai. Tuy nhiên đối với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng rõ nét thì việc dựa vào các giải pháp truyền thống sẽ dẫn đến những nguy cơ rất cao.

Tiếp đó là bài học về việc thiếu hệ thống điều tiết tại chỗ và phân lũ cho khu vực thượng nguồn. Khi các khu vực nằm ở thượng nguồn Bangkok đều đã được đô thị hóa, các diện tích trữ nước trước đây dần biến mất.

Tiếp nữa là việc "bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ". Một hệ thống đê bao có quy mô lớn, chỉ cần một chỗ bị hỏng là toàn bộ khu vực bên trong sẽ bị đe dọa.

Cuối cùng là bài học về việc đối kháng trực tiếp đối với thiên nhiên. Trong các quy hoạch phát triển không gian đô thị hiện nay của chúng ta, không gian cần thiết dành cho nước lại ít được quan tâm, mà chủ yếu dựa vào lòng "hảo tâm" của các nhà đầu tư phát triển địa ốc.

Người dân TP HCM phải sống trong biển nước mỗi khi có mưa lớn, triều cường. Ảnh: Hữu Công.
Người dân TP HCM phải sống trong biển nước mỗi khi có mưa lớn, triều cường. Ảnh: Hữu Công.

Từ đó, theo tôi, chúng ta nhất thiết phải rà soát lại các quy hoạch chống ngập cho thành phố toàn diện và bổ sung các biện pháp giảm nhẹ, thích nghi chứ không nên tin tưởng tuyệt đối vào các giải pháp công trình.

Quan điểm hiện đại về phòng chống thiên tai cho rằng, giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra ngập lụt là điều quan trọng không kém việc đầu tư cho công trình chống ngập. Một hệ thống cảnh báo sớm, một cơ chế điều hành hiệu quả và có đủ thẩm quyền cùng chiến lược ứng phó đúng đắn là những điều mà chúng ta đang cần.

Sau 3 tháng chìm trong cơn lũ lịch sử, Thái Lan đã phải chịu hậu quả nặng nề và mọi con số thống kê chỉ là ước tính ban đầu. Thủ tướng Yingluck hôm 17/10 cho biết quá trình tái thiết sau lũ lụt có thể tiêu tốn của Thái Lan khoảng 3,3 tỷ USD, trong khi ước tính thiệt hại kinh tế bước đầu vào khoảng 4,9 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,3 tới 1,5% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.

Ít nhất 381 người đã thiệt mạng trong cơn "đại hồng thủy", trong khi đời sống của khoảng 2,3 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt. Khoảng 113.000 người dân hiện phải sống trong 1.700 khu sơ tán được lập nên khắp Thái Lan. Trận lũ lịch sử gây ảnh hưởng trực tiếp tới một phần ba số tỉnh và ba phần tư diện tích Thái Lan, trong đó có 300.000 ha đất nông nghiệp.

Tá Lâm thực hiện

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

CẢNH BÁO

Hảy nhìn Bangkok mà lo đi các vị ạ. Thuỷ điện đầu nguồn, phá rừng tràn lan . Viễn cảnh TP. Hồ Chí Minh sẽ tồi tệ hơn nữa. Đừng vì lợi ích nhóm mà mang lại nỗi khổ cho nhân dân.Tỉnh dậy, tỉnh dậy!!!

( Luân Phạm )


Đừng nên chỉ nhìn và nói suông

Nhìn những cảnh lụt lội khủng khiếp ở Thái Lan, tôi lại càng lo sợ hơn cho cuộc sống của gia đình. Tôi hiện đang sống ở Bình Thạnh, khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa, nơi mà những ngày qua có 1 đơn vị đang thi công sửa đường lập lô cốt, lô cốt bắt đầu từ ngày 25 tháng 9, thi công và sữa chữa đến hết ngày 26 tháng 10 (phần này có ghi ngay trên bảng thông báo công trường) nhưng nay lại di dời thời điểm hoàn thành công trình đến hết ngày 26 tháng 11. Tuyến đường này từ 3 năm nay liên tục sửa chữa và liên tục ngập lụt. Làm mãi mà vẫn ngập nước. Nếu vậy thì xin hỏi các vị có trách nhiệm quản lý, 3 năm qua các vị đã làm được gì, nâng cấp cải thiện được gì ? Còn nếu không làm được thì cứ để yên như thế cho dân đỡ phải chịu ngày ngày kẹt xe vì lô cốt. Cám ơn quý báo.

( VuQuang )


Có còn cứu được con sông?

Quả thực, tôi cũng không rõ chủ trương xây dựng thế nào, mà nhiều con sông, rạch đã ngang nhiên được lấp thành đường đi, nhà ở. Một ví dụ điển hình là cây cầu kênh tẻ, bắt qua con sông, hình như gọi là sông Ông Lớn. Bên 1 mé bờ sông, đất còn mênh mông chưa thấy xây dựng gì. Ấy vậy mà nay đi từ quận 4 sang quận 7, qua cây cầu kênh tẻ, ngắm nhìn con sông ấy mà đau lòng. Con sông xanh biết ngày nào nay biến thành con rạch nhỏ xíu quặn quại uốn mình theo dòng nước. Người ta đã cho lấp đất, cơi bờ cho thêm phần rộng rãi, để làm gì?? Vẫn chưa biết !. Chỉ biết rằng khu đó tất đất là tất vàng thì làm sao con sông còn nguyên vẹn được! Thật là đau lòng!!! Ai ơi, có cứu được con sông này không?

( dan den )


Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Không biết có nên quy hoạch lại: - Khu vực Nhà Bè - rừng Sác.. làm hồ chứa nước cho triều cường lên - Còn khu vực Củ Chi làm hồ chứa cho nước lũ từ thượng nguồn đổ về (hoặc nâng cao thành hồ Dầu Tiếng để tăng khả năng tích nước

( Trần Đình Sơn )


Nhờ báo cứu

Nhìn cảnh lụt lội ở thái lan thì quá xa, tôi thấy con đường An Dương Vương nối liền 3 Quận từ Lý Chiêu Hoàng Q6 ra đến đại lộ VÕ VĂN KIỆT trong mấy ngày nay lúc nào cũng ngập 0.6 đến 0.7m mà không thấy ai đứng ra để giải quyết. Cám ơn quý báo.

( hailuakinhongco )

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
 
 
 
 
 
Lien he quang cao