Việt Nam nghĩ gì từ thành công của "Trí tuệ Hàn Quốc"?

01/11/2011 14:15:25

- Dự án  Brain Korea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc 21) đã đưa giáo dục đại học Hàn Quốc lên một tầm cao hơn. Đọc chuyện người lại nghĩ đến ta, đang có tham vọng xây dựng một vài trường đại học đẳng cấp quốc tế, GS Nguyễn Văn Tuấn, Australia cho rằng, có tiền và nhân sự vẫn chưa đủ.

TIN LIÊN QUAN

Các nước Á châu cạnh tranh quyết liệt trong việc xây dựng những đại học đẳng cấp quốc tế. Trung Quốc có Project 985, Nhật (dù đã có nhiều đại học đẳng cấp quốc tế) nhưng vẫn có chương trình trung tâm xuất sắc và Hàn Quốc có dự án Brain Korea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc 21). Dự án BK21 thành công ngoạn mục và đưa giáo dục đại học Hàn Quốc lên một tầm cao hơn.

Dự án BK21 ra đời nhằm vào năm 1999, với mục tiêu chính là xây dựng những đại học đẳng cấp quốc tế qua các chương trình tài trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học. Dự án được thực thi trong hai giai đoạn: giai đoạn I kéo dài 7 năm từ 1999 đến 2005, và giai đoạn II từ 2006 đến 2012. Trong giai đoạn I, Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 1.4 tỉ USD để thiết lập những chương trình nghiên cứu đặc biệt.

Số tiền này chủ yếu phân phối cho các đại học "tinh hoa" (elite) của Hàn Quốc để nâng cao số ấn phẩm khoa học và qua đó thiết lập các đại học đẳng cấp quốc tế. Để nhận số tiền này, các đại học phải đáp ứng yêu cầu của chính phủ, như phải cải tổ cách tuyển sinh, tiêu chuẩn khoa bảng, cách đánh giá các giáo sư và giảng viên... theo các chuẩn mực quốc tế (chứ không phải chuẩn mực địa phương). Một số đại học sau khi qua tái thẩm định bị loại bỏ khỏi Dự án BK21 vì không đạt tiêu chuẩn và mục tiêu của chính phủ.

Đại học Quốc gia Seoul
Đại học Quốc gia Seoul đạt năng suất khoa học ngang các trường hàng đầu của Mỹ


Cách thức Dự án BK21 tài trợ nghiên cứu là theo chương trình nghiên cứu (program grant), chứ không phải theo dự án nghiên cứu (project grant). Program grant có nghĩa là một nhóm nhà nghiên cứu từ nhiều đại học hợp lực để xây dựng nên một chương trình nghiên cứu. Còn Project grant thì có thể chỉ một nhóm nghiên cứu của một đại học có thể xin tài trợ.

Có lẽ ý định của BK21 khi tài trợ cho các program grant là cách thức buộc các nhà khoa học phải hợp tác với nhau và làm việc theo nhóm. Tính tổng cộng, Dự án BK21 tài trợ cho 263 chương trình nghiên cứu. Trong số 1.4 tỉ USD, 20% về tay Đại học Quốc gia Seoul (nhóm S1), và 40% về các đại học thuộc nhóm S2 và S3. Điều đáng chú ý là gần 20% tổng số tiền tài trợ dành cho các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Chỉ tiêu chính để đánh giá thành công của Dự án BK21 là số ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế. Theo chỉ tiêu này thì có thể nói rằng Dự án BK21 đã thành công. Có thể lấy trường hợp Đại học Quốc gia Seoul (SNU) làm ví dụ. Năm 1998 (trước khi Dự án khởi động), SNU công bố được khoảng 500 bài báo kfhoa học, nhưng đến năm 2005 con số bài báo khoa học đã tăng vọt lên trên 4000 bài.

Với con số lớn hơn 4000 bài, SNU đạt gần năng suất khoa học của các trường hàng đầu của Mỹ như Johns Hopkins, Stanford, UC Berkeley, nhưng vẫn còn thấp hơn Harvard, UCLA, Tokyo, và Kyoto. Năng suất khoa học của nhóm S2 như Viện công nghệ KAIST và POSTTECH cũng tương đương với Đại học Yale và Stanford, với mỗi giáo sư công bố được 4-5 công trình mỗi năm. Ngoài ra, Dự án BK21 cũng hoặc đào tạo hoặc tạo cơ hội cho 9716 tiến sĩ và hậu tiến sĩ trong thời gian 1999-2005. Đó cũng là một thành tựu đáng kể.

Nhưng ở đây cũng nên ghi nhận rằng số giảng viên và giáo sư của các đại học hàng đầu Hàn Quốc như SNU vẫn còn ít hơn so với các đại học bên Mỹ Chẳng hạn như Harvard, UCLA và UC Berkeley có khoảng 3000 giảng viên và giáo sư, nhưng SNU (đại học lớn nhất của Hàn Quốc) có không đầy 2000 giảng viên và giáo sư.

Đọc chuyện người lại nghĩ đến ta. Việt Nam cũng có tham vọng xây dựng một vài đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 10 năm. Nhưng nếu không có đầu tư dồi dào và nhân sự khoa bảng tốt thì e rằng rất khó đạt mục tiêu đầy tham vọng đó.

Hiện nay, hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM mỗi năm công bố chưa đầy 200 bài báo khoa học, thì con đường lên đẳng cấp quốc tế còn xa diệu vợi. Ngay cả có tiền và nhân sự, nếu không cải cách về đầu vào nghiên cứu sinh, chuẩn mực khoa học, và cải cách chương trình tài trợ cho khoa học thì cũng rất khó tạo nên một sự “phát triển đột biến” như SNU của Hàn Quốc.

Tham khảo: JC Shin. Building world-class research university: The Brain Korea 21 project. High Educ 2009;58:669-688

Nguyễn Văn Tuấn

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.