Vụ nổ gas: Vì sao không thể đưa 2 cháu bé ra sớm hơn?

Thứ sáu 04/11/2011 06:42
(GDVN) - Cái chết oan uổng của hai cháu bé trong vụ nổ gas khiến dư luận càng thêm đau xót bởi công tác cứu hộ quá chậm chạp.

Sự việc thương tâm xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 ngày 3/11 tại số nhà 29, ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – gia đình anh Trần Nhật Minh và chị Nguyễn Thị Thu Ngân. Vụ tai nạn thương tâm đã khiến hai cháu Trần Ngọc Tâm và cháu Trần Duy Anh tử vong, vợ chồng anh Minh và chị Ngân thì bị bỏng khá nặng. 

Lực lượng cứu hộ phải dùng đến bình nệm cao su và bơm hơi để nâng tấm bê-tông của tầng 3 lên, giải cứu hai cháu nhỏ.

Các bác sĩ cho biết, hai vợ chồng bị bỏng nặng ở vùng mặt, ngực và tay. Chị Ngân bị bỏng 40%, còn anh Minh bỏng 20% diện tích cơ thể. Hiện tại cả hai đã được tiêm thuốc chống sốc, được theo dõi nghiêm ngặt.

Theo lời kể của anh Nguyễn Hùng, một người hàng xóm và cũng là người trực tiếp tham gia đưa hai vợ chồng anh Minh, chị Ngân ra ngoài cho biết. Vào khoảng thời gian trên, “một tiếng nổ lớn phát ra khiến hai con tôi tỉnh giấc và khóc rất to. Tôi chạy xuống dưới, mở cửa đi ra ngoài xem có chuyện gì thì thấy nhà anh Minh đổ nát hết cả rồi.”

“Những người dân xung quanh cũng nhanh chóng có mặt để xem chuyện gì đang xảy ra thì thấy vợ chồng chị Ngân đang lóp ngóp trong đống đổ nát trên tầng 2, cả hai đều khá tỉnh táo nhưng người thì bị bỏng khá nặng. Sau đó, mọi người đã đưa hai vợ chồng anh chị ấy đi cấp cứu”, anh Hùng kể.

Anh cũng cho biết thêm, lúc đó, “mọi người còn nghe thấy tiếng của hai cháu bé khóc gào, mọi người đã tìm cách để đưa hai cháu ra ngoài nhưng mọi người đành bó tay vì hai tấm bê-tông quá nặng. Mọi người đã gọi điện báo CS PCCC và CA phường. Nhưng ngõ nhỏ quá, xe thang cứu hỏa đã không vào được bên trong.” Anh Hùng nói.

Ông Hoàng Khắc Nghĩa tổ trưởng tổ dân phố 52, phường Bách Khoa tâm sự. Sáng nay, rất nhiều thanh niên đã tới để đưa hai cháu bé ra ngoài nhưng không được. “Chứng kiến lực lượng cứu hộ dù đã rất nhiệt tình, nhưng tôi phải nói thực là họ làm rất thiếu chuyên nghiệp. Mọi thứ đều rất bị động. Có một góc nhỏ tí chưa đầy 15m2 mà làm trong 6 tiếng đồng hồ mới xong thì đứa bé nào chả chết.” Ông Nghĩa bức xúc.

Còn bác Nguyễn Đức Thảo, tổ trưởng tổ dân phô 51, phường Bách Khoa chia sẻ: "Vợ chồng cậu ấy sống cũng khá chan hoà, hai người con rất ngoan ngoãn và lễ phép. Ấy thế mà giờ lại xảy ra cơ sự này.”

Theo lời bác Thảo, “Sáng nay lực lượng làm hơi chậm, phương tiện kỹ thuật quá kém, trong trường hợp khẩn cấp như thế mà họ cứ làm không khẩn trương chút nào. Máy móc thì kém. Khi lực lượng cứu hộ làm, tôi cũng có mặt ở đó và chứng kiến. Thực sự, tôi thấy họ làm chán quá, mấy chiếc máy khoan thì giật cả tiếng đồng hồ không nổ để mà phá bê-tông.

Sức ép của vụ nổ khiến mọi thứ vỡ rụn, tường của ba tầng nhà cũng không còn một viên gạch mà chỉ còn trơ khung cột bê-tông.

Thử hỏi, nếu là người lớn mà nằm trong đống đổ nát như thế trong 6 tiếng đồng hồ, máy khoan, máy cắt cứ ầm ầm như thế, liệu có sổng nổi? Đằng này hai cháu lại còn nhỏ tuổi thì sao chịu nổi chứ.”

Anh Lê Hoàng Anh, nhà ngay đối diện nhà nạn nhân, chơi rất thân với anh Minh chưa hết bàng hoàng và tỏ ra thương xót trước cái chết của hai cháu bé. “Nếu lực lượng chức năng mà làm nhanh, chuyên nghiệp hơn thì có lẽ cháu Tâm và cháu Duy Anh sẽ không chết khổ sở đến thế.”

Sáng 3/11, có mặt tại hiện trường, chứng kiến lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, nhiều người dân đã không ngại bày tỏ quan điểm không đồng tình với sự thiếu quyết liệt, dứt khoát từ việc chỉ đạo đến thực thi công tác cứu hộ. Nhiều người cho rằng ngõ nhỏ, nhưng rõ ràng đằng sau tòa nhà chung cư C8 là một khoảng đất rất rộng, xe thang cứu hỏa và các xe chuyên dụng hoàn toàn có thể tiếp cận được hiện trường nếu chỉ huy quyết định cho phá bỏ tường rào và lán để xe dưới sân của tòa nhà này.

Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra, mặc dù có một chiếc máy xúc đã được huy động tới hiện trường. Nhưng nó lại nằm “bất động” bởi nó “cồng kềnh”.

Tuy nhiên, nói về việc này, trung úy Lê Văn Thinh, Đội phó Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm lý giải với báo giới rằng: "Phương án lý tưởng nhất là dùng máy cẩu nhấc bổng tum (lồng sắt dùng phơi quần áo) để đưa nạn nhân ra ngoài nhưng không thể triển khai do mặt bằng không cho phép, con ngõ quá nhỏ.

Không có phương tiện, máy móc lớn nào hỗ trợ, tất cả khoảng 20 người phải cứu hộ cứu nạn bằng tay. Chỉ có máy thủy lực cầm tay để hỗ trợ khoan phá. Đây là nguyên nhân chính khiến công tác cứu hộ kéo dài nhiều giờ và không thể đưa hai bé ra ngoài sớm hơn.” (?) Vị trung úy này giải thích.

Nam Phong

Bình luận

Sắp xếp theo:

vân khánh - 04/11/2011 10:38

ngay từ ban đầu tôi theo dõi đã thấy tính thiếu chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ rồi, tôi đoán chắc chắn rằng họ không thể cứu nổi 2 cháu với khoảng thời gian dài như vậy. Thật tắc trách.

Trần Đăng - 04/11/2011 10:04

Địa hình khó khăn, máy móc không thể tiếp cận sớm và những người cứu hộ không chuyên nghiệp. Đã đến lúc chúng ta cần có những người lính cứu hoả như ở Mỹ, có thể cứu nạn trong mọi tình huống thảm hoạ. Chúng ta phải nhìn lại tất cả, từ quy hoạch đô thị, giao thông, lực lượng cứu hộ, PCCC đến huấn luyện cho người dân những kĩ năng sinh tồn cơ bản nhất.
Xin chia buồn cùng gia đình anh Minh.

phan khánh - 04/11/2011 09:29

Chung quy cũng bởi thiếu chuyên nghiệp, cảnh sát PCCC đa phần là lính nghĩa vụ nên thiếu sự đào tạo bài bản. Nên thành lập lực lượng chữa cháy, cứu hộ chuyên nghiệp không cần dính dáng vô cảnh sát. Họ chỉ chữa cháy, còn tuyên truyền phòng chống gì đó thì để cơ quan khác lo, vậy mới xong việc được!

Trần Thế Lũy - 04/11/2011 07:56

Sao lực lượng cứu hộ không dùng xà gồ để chống sàn mái tầng 1 và dùng kích xe tải để kích mái tầng 2 lên, vừa kích vừa kê đỡ bằng xà gồ thì chắc lâu nhất khoảng 1,5 h là người lớn chui vào được? mà Hà Nội đâu có thiếu xà gồ ở các của hàng gỗ VLXD. Xin được chia buồn với gia chủ.

nguyen van lang - 04/11/2011 07:33

đội cứu hộ làm như vạy thì đó nên goilạ cứu hộ hay là tìm kiém xác nạ nhân.sự việc này càn phải xử lý nghiêm khắc