(GDVN) - "Hệ giá trị đạo đức xã hội của chúng ta đang bị méo mó, nó nguy hiểm chẳng kém gì khi tầng ozon bị thủng".
Sau khi đọc bài viết phản ánh những hành động phản cảm của một cư dân mạng là K.M.C.B “bình luận” về cái chết oan uổng của một người bảo vệ già của Quỹ tín dụng nhân dân phường Nguyễn Thái Học (TP.Yên Bái), Nhà văn, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam những lo lắng, trăn trở của ông về tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức ngày càng trầm trọng của một bộn phận thanh thiếu niên Việt Nam.
Như ông đã biết, ở trên internet, K.M.C.B tỏ ra dửng dưng với cái chết của người đàn ông sau vụ tai nạn bằng cách tung lên mạng đoạn tin “… cụ già chúng tôi đâm xe máy vào đêm wa đã củ tỏj… ae phang lô đề nhiệt tih dj lao sn 1953”. Ông bình luận gì về hành vi này?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo tôi cần phải đặt vấn đề rộng ra, từ hiện tượng này, trước đó là những ảnh hưởng từ vụ án của sát thủ Lê Văn Luyện, rồi học sinh hút thuốc lào nói xấu thầy cô giáo… tất cả những việc như vậy phản ánh rằng xã hội của chúng ta bị trơ lì tính nhân văn, vô cảm trước tội ác. Chúng ta biết rằng, con người là một cơ thể sinh học và cũng cần có môi trường sống giống như cây xanh, dòng sông, khi thời tiết thay đổi (tức là ngoại cảnh thay đổi) sẽ có tác động nhất định tới suy nghĩ và hành vi của con người trong phạm vi môi trường ấy.
Chiều ngày 4.1, Đội cảnh sát giao thông thành phố Yên Bái cho biết: Đang hoàn tất hồ sơ vụ tai nạn giao thông khiến ông Nguyễn Hữu Giảng (SN 1953, trú tại tổ 50, phường Nguyễn Thái Học – thành phố Yên Bái) tử vong chuyển cho đội điều tra công an thành phố Yên Bái tiến hành làm rõ.
Trước đó, vụ tai nạn xảy ra vào 8h tối ngày 1.11, khi ông Giảng rời quỹ tín dụng phường Nguyễn Thái Học đi về nhà. Đến khu vực đường Thành Công, tổ 58, phường Nguyễn Thái Học thì nghe thấy tiếng chó sủa lớn. Hoảng sợ nên ông Giảng nhảy vội xuống lòng đường.
Không may lúc đó có chiếc xe mô tô Air blade BKS 21V8 – 4779 do anh Đoàn Hiệp, sn 1987, trú tại thôn 4, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai điều khiển đi cùng chiều, trên xe có chở Đặng Mạnh Linh, sn 1990, đã tông vào ông Giảng. Ông Giảng nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đến ngày 3.11, ông đã tử vong.
Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều về việc "tàn phá sinh thái tự nhiên", còn bây giờ thì xuất hiện ngày càng nhiều những sự việc đau lòng này, và tôi gọi đó “tàn phá sinh thái văn hóa”, tức là xã hội đang bị trơ lì tính nhân văn. Từ vụ Lê Văn Luyện thản nhiên giết một lúc 3 mạng người không ghê tay, mới đây nhất là hai thanh niên đâm chết người… ấy thế mà cư dân mạng lại cười cợt trên nỗi đau, dửng dưng với cái chết.
Đó là những kẻ đáng thương nhiều hơn đáng giận, bởi họ không biết rằng hành vi ứng xử ấy đang phản ánh họ là những kẻ “đội sổ” trong thế giới loài người. Kẻ gây tội ác xứng đáng phải nhận sự trừng phạt, nhưng những kẻ nhơn nhơ cổ súy cho tội ác bằng những lời bình luận ấy cũng rất đáng bị lên án.
Đây là hậu quả, là di chứng phản ánh môi trường sống (văn hóa ứng xử) của chúng ta đang đã bị ô nhiễm nặng nề. Người ta có thể xử lý các vấn đề ô nhiễm trong không khí, ô nhiễm dưới sông, hồ… không quá khó khăn, nhưng để tẩy đi các vết hoen ố trong hệ ý thức của những kẻ “đội sổ” trong xã hội loài người là rất khó, thậm chí nếu bi quan thì có thể nói là bất thành.
Ai đó nói rằng xã hội phải thế, phải có người này người khác, nếu cứ tự an ủi nhau như vậy là rất nguy hiểm, bởi các hiện tượng xấu xí như vừa nêu ở trên không còn là cá biệt mà khá phổ biến, nó xâm chiếm tâm hồn những đứa trẻ từ rất sớm, làm lệch lạc suy nghĩ, khiến phần con nổi loạn lấn át hết phần người.
|
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Chúng ta đang tàn phá sinh thái văn hóa |
Điều gì khiến cho đạo đức của một bộ phận giới trẻ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng như vậy, thưa ông?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Đó là vì lâu nay những lỗ hổng về đạo đức không được bồi đắp, nhiều người cho rằng khi nền kinh tế thị trường nổ ra thì mới xuất hiện nhiều vấn nạn, theo tôi thì không hẳn như vậy đâu, mỗi thời đều có những vấn đề riêng cần phải được giải quyết, thời nay các phương tiện truyền thông phát triển nên chúng ta cập nhật thông tin tốt hơn. Ngày xưa, người ta không biểu hiện sự vô cảm bằng những comment như vậy, nhưng sự dửng dưng, toan tính cá nhân thì vẫn có đấy chứ.
Theo tôi, đất nước bị ảnh hưởng một phần từ hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Một phần khác, chúng ta đi lên từ nền văn minh lúa nước, nên chẳng lạ gì cảnh người ta có thể tiện tay đập chết một con vật, hái một cành hoa… mà chẳng mảy may suy nghĩ gì cả, nhưng thực chất thì đó là mầm mống của tội ác, chẳng qua họ đang hành động một cách vô thức mà thôi.
Những hành vi ấy không bị lên án, không bị đánh giá về mặt đạo đức, bởi tất cả đều quen với cách ứng xử đó rồi. Từ những hành động nhỏ, con người ta quen dần và làm những việc xấu xa hơn, tranh quyền đoạt vị, sử dụng bằng cấp giả, học giả… cốt để đạt được mục đích cá nhân.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có những ông bố bà mẹ như vậy, chúng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, càng lớn chúng càng cư xử như một chiếc máy đã lập trình, nghiễm nhiên coi việc cha mẹ chúng làm là cần thiết, nhưng nguy hiểm ở chỗ khi trẻ trưởng thành thì dám làm nhiều chuyện táo tợn hơn. Những đứa trẻ có sự đấu tranh gay gắt để lựa chọn thì có lẽ đa số chúng muốn được an toàn, bởi lẽ khi nhìn ra xung quanh thì khó mà tin được ai, vì rằng từ nghĩ đến nói đã khác lắm rồi, không nói thật thì làm ẩu cũng là đúng thôi.
Còn đối với những môi trường ở nông thôn, dân trí thấp, học hành không được tâm đến nơi đến chốn thì sớm hình thành nên những đối tượng mà người ta hay gọi là “thất học”. Cái sự học không đến nơi đến chốn ấy nguy hiểm ở chỗ là nó khiến cho người ta không thể giữ được những giá trị đạo đức chuẩn mực, mà sẵn sàng cư xử với nhau một cách thú tính, nhiều người có thể nói một cách cay độc với những kẻ độc ác ấy là “những con thú đội lốt người”.
Vấn đề ở đây là xã hội của chúng ta đang xuất hiện ngày càng nhiều “nhưng con thú đội lốt người”…
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Hệ giá trị đạo đức xã hội của chúng ta đang bị méo mó, nó nguy hiểm chẳng kém gì khi tầng ozon bị thủng. Như tôi vừa nói ở trên, môi trường quyết định phần lớn việc hình thành tính cách của mỗi con người, mà tôi phải nói thật rằng người Việt mình có nhiều thói xấu lắm.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã phải hứng chịu nhiều luồng văn hóa bẩn đó là phim bạo lực, game bạo lực, đôi khi cả những lời lẽ mắng chửi của cha mẹ một cách thái quá, đôi khi là từ hàng xóm… tất cả những cái xấu ấy như những con vi khuẩn, virus luôn bám trên cơ thể của đứa trẻ, nếu nhân cách phát triển tích cực thì không có chuyện gì, nhưng ngược lại thì biến thành mầm bệnh của xã hội.
Một phần khác đó là vì hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn quá nhiều kẽ hở và chưa nghiêm khắc. Thí dụ, cần phải ra lệnh, cứ bắt được xe tham gia đua là xung công quỹ, bán đấu giá để lấy tiền đó cho người nghèo, sử phạt nặng người tham gia đua xe như bắt đi cải tạo, lao động công ích… thì những kẻ có máu liều mới sợ. Hoặc như vụ kẻ giết người Lê Văn Luyện, theo quan điểm của tôi là tội ác man rợ ấy phải bị trừng trị ở mức cao nhất - đó là tử hình, luật là để răn đe chứ không dung túng cho kẻ ác.
Chưa hết, bấy lâu nay chúng ta còn nghe thấy chuyện xe ô tô gây tai nạn rồi cố quay lại chèn cho người ta chết hẳn để đền luôn một lần cho xong, chứ không muốn phải day dứt suốt phần đời còn lại chăm non người tàn tật. Tại sao lại hình thành nên suy nghĩ xấu xa ấy? Thói vô cảm của con người với những gì xung quanh mình đã vô tình tạo nên những toan tính bẩn thỉu như vậy, cũng thói vô cảm ấy khiến cho con người ta nhìn nhau với ánh mắt hằn học, sẵn sàng lao vào chửi bới đánh đập tàn bạo, mặc dù sự việc đơn giản chỉ là một cái quệt xe rất nhẹ.
|
Ứng xử như thế này chẳng khác nào tự thừa nhận mình như là rác rưởi trong xã hội |
Xin lỗi vì phải hỏi ông câu này: Bây giờ mỗi lần ra đường, ông có lo lắng cho tính mạng của mình không?
Tôi lo lắng chứ, càng đọc nhiều, càng biết nhiều thì càng lo nhiều. Giao thông hỗn loạn cũng là một vấn đề nan giải nhiều năm qua chưa giải quyết được, rồi thì đua xe khắp nơi, rồi thì thanh niên mang theo súng, dao kiếm nhiều nhan nhản, nguy hiểm rình rập khắp nơi, chẳng biết đâu mà lần.
Ông vừa nói tới môi trường tạo nên con người, vậy phải hiểu điều đó thế nào?
Con trẻ bị ảnh hưởng gần nhất là gia đình, như chúng ta vẫn nói gia đình là xã hội thu nhỏ, vì thế con cái là sự phản ánh rõ nét nhất văn hóa – đạo đức của một gia đình, sau đó là môi trường xung quanh cũng có tác động ít nhiều.
Xin kể lại với các bạn câu chuyện như thế này để hiểu rõ hơn vì sao các cụ lại nói “dạy con từ thuở còn thơ”: Thuở nhỏ, Mạnh Tử nhà ở gần bãi tha ma. Thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được", rồi dọn nhà ra gần chợ. Nhưng khi ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, Mạnh Tử về nhà cũng bắt chước buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói: "Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được" và dọn nhà đến ở cạnh trường học. Lần này, Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở. Bấy giờ, bà mẹ mới vui lòng, nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".
Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: "Người ta giết lợn làm gì thế?" Bà mẹ nói đùa: "Để cho con ăn đấy". Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: "Ta nói lỡ mồm rồi! Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?" Nghĩ vậy nên bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật. Một lần khác, Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy". Từ hôm đó, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, sau này trở thành bậc hiền tài. Thế chẳng phải nhờ công giáo dục của bà mẹ hay sao?
Theo ông thì chúng ta cần bắt đầu từ đâu và áp dụng các biện pháp gì để xây dựng lại giá trị chuẩn mực, khơi dậy lòng tốt trong giới trẻ?
Chúng ta cần bắt đầu từ cái nhỏ nhất, đó là bản thân các gia đình muốn con em mình tốt lên thì phải giáo dục nghiêm khắc. Cha mẹ dễ dãi, buông lỏng quản lý, con chưa đủ tuổi thành niên mà đã cho xe đẹp, xài hàng hiệu, tiêu tiền thả phanh thì làm sao chúng biết được giá trị đồng tiền? Chúng không phải đổ mồ hôi, nước mắt để kiếm tiền thì làm sao thấu hiểu nỗi khổ cực của những người không may mắn? Vì vậy, cha mẹ là những nhân tố quan trọng nhất tác động tới cuộc đời của đứa trẻ, góp phần quan trọng nhất xây dựng nền móng cho tương lai của trẻ.
Khi trẻ đến trường, chúng được học kiến thức, được dạy về đạo làm người, nhưng tôi thấy ở mảng này còn khá yếu, các nhà quản lý vĩ mô cần quan tâm sâu sắc tới vấn đề này. Tôi rất thích một câu nói của nhà văn người Đức – Béctôn Brếch: “Chúng ta không xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều trở thành người tốt, mà chúng ta xây dựng một xã hội sao cho trong đó lòng tốt trở nên thừa”.
Trân trọng cảm ơn ông!