Chủ Nhật, 06/11/2011, 11:37 [GMT+7]
.
.

Chuyện tình đồng tính nữ tai tiếng đầu tiên trong lịch sử hậu cung Trung Quốc

(Phunutoday) - Hậu cung của Hoàng đế là nơi có bạt ngàn những mỹ nữ, tuy nhiên, tất cả những con người đẹp nhất trong thiên hạ ấy cả đời chỉ trông mong “ơn mưa móc” từ một người đàn ông duy nhất, đó là Hoàng đế. Trong hoàn cảnh ấy, chốn hậu cung xa hoa của Hoàng đế cũng là nơi đầu tiên xuất hiện những cuộc tình đồng tính nữ. Điều đáng nói là mối tình đồng tính nữ đầu tiên vỡ lở trong chốn thâm cung lại là mối tình của một Hoàng hậu…


1. Bà Hoàng hậu nổi tiếng với mối tình đồng tính nữ đầu tiên trong hậu cung Trung Quốc không ai khác chính là Trần Hoàng hậu, vợ của vị vua nổi tiếng triều Hán, Hán Vũ Đế. Theo những gì còn được lưu lại cho tới ngày nay thì người ta không còn biết rõ năm sinh và năm mất của Trần Hoàng hậu, đến tên thật của bà Hoàng hậu nổi tiếng này là gì, người ta cũng không chắc chắn.

Tài liệu duy nhất nhắc tới tên của bà Hoàng hậu họ Trần là cuốn tiểu thuyết chí quái “Hán Vũ cố sự” (Câu chuyện Hán Vũ Đế). Theo sách này thì Trần Hoàng hậu vốn tên là Kiều, tục gọi là A Kiều. Vì vậy, người đời sau thường gọi Trần Hoàng hậu là Trần A Kiều hoặc Trần Kiều.

Trần A Kiều có một xuất thân không hề tầm thường. Sử chép, A Kiều là con gái của công chúa trưởng Quán Đào Lưu Phiếu, chị gái của vua Hán Cảnh Đế. Ban đầu, Lưu Phiếu muốn gả con gái của mình cho thái tử Lưu Vinh, tuy nhiên, mẹ ruột của thái tử Vinh là Lật Cơ nhất định từ chối. Không thành công trong mối lương duyên với thái tử, công chúa Quán Đào chuyển mục tiêu sang Lưu Triệt, con trai của Vương mỹ nhân, một phi tần đang rất được Cảnh Đế sủng ái. Một lần, Lưu Phiếu ôm Lưu Triệt vào lòng, nói: “Lưu Triệt sau này lớn lên muốn lấy vợ thì sẽ chọn cô nào trong số những cung nhân ở đây?”.

Lưu Triệt đương nhiên rất hiểu hàm ý câu nói này của công chúa Quán Đào, vì vậy đã trả lời ngay: “Nếu như có thể lấy được A Kiều thì sẵn sàng xây nhà bằng vàng để cho nàng ở”. Có được câu nói này của Lưu Triệt, trưởng công chúa Quán Đào hạ quyết tâm sẽ dùng cuộc hôn nhân này để trả thù mẹ con Lưu Vinh. Ban đầu, công chúa Quán Đào cầu xin Cảnh Đế đồng ý tác thành cho cuộc hôn nhân này. Tiếp đó, trưởng công chúa Quán Đào tìm mọi cách khiến Lưu Vinh bị phế truất khỏi ngôi vị thái tử, và người được lựa chọn để thay thế đương nhiên là Lưu Triệt.

Sau khi Cảnh Đế bệnh nặng qua đời, Lưu Triệt kế vị trở thành Vũ Đế nhà Hán. Đúng như lời hứa năm xưa, Lưu Triệt đã xây dựng một ngôi nhà bằng vàng để A Kiều đến ở. Không chỉ có vậy, A Kiều còn được phong làm Hoàng hậu, được tôn xưng thiên tuế, vinh hoa phú quý chỉ đứng sau Hoàng đế. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng bao lâu sau khi lên ngôi, khi bắt đầu biết cách tận hưởng những quyền lực mà mình đang có trong tay, Lưu Triệt đã nhanh chóng chán ngán người vợ từ thuở xe tơ kết tóc của mình và tìm thú vui với những mỹ nữ đang được đưa vào cung ngày một nhiều.

Và đối thủ của Trần A Kiều nhanh chóng xuất hiện. Vũ Đế Lưu Triệt vô cùng sủng ái một phi tần gọi là Vệ phu nhân, kể từ khi có được người đẹp họ Vệ, Lưu Triệt gần như không còn ngó ngàng gì tới những những mỹ nữ mơn mởn trong khắp hậu cung chứ đừng nói gì tới bà Hoàng hậu họ Trần vốn đã không còn tươi trẻ như ngày nào.
Trần A Kiều
Trần A Kiều

Vốn là con gái của một công chúa đầy quyền lực, lại được nuông chiều từ nhỏ nên Trần A Kiều là một người rất kiêu ngạo và hay đố kỵ với những người xung quanh. Tuy nhiên, Trần A Kiều cũng có một điểm yếu chết người là dù ngồi ở ngôi Hoàng hậu, là bậc mẫu nghi thiên hạ, song vào cung đã nhiều năm mà Trần A Kiều không hề có con.

Sử sách chép rằng, để chữa được căn bệnh vô sinh, một căn bệnh vô cùng “nguy hiểm” đối với cuộc cạnh tranh khốc liệt trong chốn hậu cung phong kiến thời bấy giờ, Trần A Kiều đã tiêu tốn không biết bao nhiêu vàng bạc và châu báu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của bà Hoàng hậu họ Trần gần như không được mảy may đền đáp.

Sau khi Vệ phu nhân đắc sủng, một bà Hoàng hậu hay đố kỵ như Trần Hoàng hậu đương nhiên không bao giờ có thể để yên, liên tục kiếm chuyện, khiến hậu cung lúc nào cũng ồn ã vì những chuyện mâu thuẫn, cãi vã.

Điều này khiến Vũ Đế Lưu Triệt cảm thấy vô cùng phiền phức và bực bội. Ngoài những cuộc cãi vã vì ghen tuông, rất nhiều lần, Trần Hoàng hậu còn ngấm ngầm hãm hại Vệ phu nhân, tuy nhiên, đều bị Vệ phu nhân may mắn phát hiện. Khi Vệ phu nhân đem mọi chuyện nói lại với Vũ Đế, Vũ Đế vô cùng tức giận, định phế truất Trần Hoàng hậu, tuy nhiên, nghĩ rằng trưởng công chúa Quán Đào có công trong việc đưa mình lên ngôi, vì vậy đành phải nguôi giận, không xử lý Trần A Kiều. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, đối với Vũ Đế, Trần Hoàng hậu gần như không còn tồn tại. Mang tiếng là bà chủ hậu cung, thế nhưng, cung điện của Trần Hoàng hậu lúc nào cũng lạnh lẽo, không bao giờ được Vũ Đế đoái hoài tới.

2. Ít lâu sau đó, sau khi biết tin Vệ phu nhân có thai, vừa đố kỵ, ghen ghét, vừa oán hận, lo lắng, lại không biết làm cách nào để thay đổi tình thế, Trần A Kiều đã tìm đến các yêu thuật của phù thủy. Một nữ phù thủy tên là Sở Phục nói với Trần A Kiều rằng bà ta có phép thuật khiến Hoàng đế có thể “hồi tâm chuyển ý” quay lại yêu Trần Hoàng hậu như xưa, tuy nhiên, để thực hiện được phép thuật ấy, ngày đêm phải làm lễ tế đồng thời kết hợp với việc dùng thuốc theo đúng thang mà bà ta yêu cầu. Ngoài phép thuật giúp Vũ Đế “hồi tâm chuyển ý”, Trần A Kiều còn yêu cầu Sở Phục dùng bùa chú nguyền rủa Vệ phu nhân và các phi tần khác.


Trần A Kiều
Trần A Kiều
Chẳng hiểu phép thuật của nữ phù thủy công hiệu đến đâu nhưng Vũ Đế chưa kịp hồi tâm chuyển ý và Vệ phu nhân cùng các phi tần khác chưa bị nguyền rủa thì Trần A Kiều đã bị “trúng bùa” của Sở Phục. Do sống cô quạnh một mình trong chốn hậu cung lạnh lẽo, nay lại suốt ngày gần gũi với một mình Sở Phục, lâu dần, Trần A Kiều lại nảy sinh tình cảm với nữ phù thủy này. Theo sử sách ghi chép, Trần A Kiều cho nữ phù thủy mặc quần áo của  nam giới, sống cùng nhau trong chốn tịch cung chẳng khác gì vợ chồng.

Tới năm Nguyên Đạo thứ năm, tức năm 130 trước Công nguyên, chuyện giữa Trần A Kiều và nữ phù thủy Sở Phục bại lộ. Lần này thì Vũ Đế không còn nể nang bất cứ điều gì nữa, ra lệnh cho tên quan tàn ác nhất trong triều đình lúc bấy giờ là Trương Thang điều tra, xét xử vụ án. Vụ án vào tay như được dịp để thể hiện uy quyền, Trương Thang cho bắt một lúc hơn 300 người. Cuối cùng, nữ phù thủy Sở Phục bị xử tử hình còn Trần Hoàng hậu bị phế và giam vào cung Trường Môn.

Trần Hoàng hậu bị trị tội, nguyên nhân đương nhiên là vì dám dùng yêu thuật hãm hại Hoàng đế và các phi tần. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu có lẽ là vì thân là Hoàng hậu, ngồi ở ngôi mẫu nghi thiên hạ mà lại “dâm loạn với phụ nữ như đàn ông”. Nói cách khác, Vũ Đế quyết định phế truất Trần A Kiều là vì mối tình đồng tính của bà ta thực sự khiến vị Hoàng đế này cảm thấy “mất mặt”.

Sau khi vụ án với nữ phù thủy vỡ lở, trưởng công chúa Quán Đào, mẹ của Trần Hoàng hậu đã tới gặp Vũ Đế để tạ lỗi. Vũ Đế nói với trưởng công chúa Quán Đào rằng: “Hành động của hoàng hậu làm tổn hại tới sự tôn nghiêm của triều đình và hoàng tộc, không thể không phế truất”. Tuy nhiên, Hán Vũ Đế một lần nữa cũng hứa rằng, dù bị phế truất, nhưng Trần Hoàng hậu vẫn sẽ được cung phụng như trước, cung Trường Môn sẽ không có gì khác với cung Hoàng hậu trước đây.

Biết rằng Hán Vũ Đế vẫn có lòng thương xót đối với mình, Trần A Kiều sau khi đã bị chuyển về cung Trường Môn, để cứu vãn tình cảm mà Vũ Đế dành cho mình đã dùng vàng bạc rất hậu hĩnh để nhờ một nhà thơ nổi tiếng đương thời là Tư Mã Tương Như viết bài “Trường Môn phú” gửi cho Hán Vũ Đế. Điều đáng tiếc là bài phú nổi tiếng và được lưu truyền thiên cổ của nhà thơ họ Tư Mã chỉ khiến Hán Vũ Đế tán thưởng tài năng của ông ta chứ không thể giúp Trần Hoàng hậu lấy lại được tình cảm của vị Hoàng đế Hán triều. Vài năm sau đó, sống trong cảnh cô quạnh ở cung Trường Môn, Trần A Kiều đã qua đời trong sự bi phẫn và uất giận.

Mặc dù theo những gì còn được ghi chép lại thì chuyện tình đồng tính giữa Trần A Kiều và nữ phù thủy Sở Phục là mối tình đồng tính nữ đầu tiên được ghi chép trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, tại bất cứ triều đại nào thì những chuyện tình đồng tính giữa những người phụ nữ phải chịu cảnh sống lạnh lẽo nơi cấm cung vẫn luôn tồn tại dù chỉ là ngấm ngầm. Họ đương nhiên không phải là những người đồng tính bẩm sinh.

 Tuy nhiên, do phải sống lâu ngày trong cung cấm, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người khác giới khiến họ luôn bị đè nén bởi những khát vọng bản năng. Tình trạng đó liên tục kéo dài, một cách vô thức sẽ dần dần thay đổi ý thức về giới tính của họ. Nói cách khác, những chuyện tình đồng tính là một sản phẩm tất yếu trong chốn hậu cung khi hàng ngàn mỹ nữ chỉ có thể trông đợi vào sự “sủng hạnh” nhỏ giọt của một người đàn ông.

Phong Nguyệt
;
.
.