Tấm trả thù Cám và câu chuyện Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa

Thứ hai 07/11/2011 03:04
(GDVN) - Khi cái ác, sự vô cảm đang len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống ngày nay, việc dạy và học qua sự trả thù của Tấm với Cám sẽ là một tấm gương xấu?.
Chuyện cổ tích và bài học cho xã hội đương thời.

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích điển hình trong dân gian Việt Nam, đã có biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã yêu thích, say sưa và thuộc đến từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện. Ở đoạn kết của câu chuyện với hành động trả thù của Tấm với Cám đang đặt ra cho những người đang sống ở xã hội đương thời cần phải có sự xem xét thấu đáo.

“…Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc. Tấm sai người lấy thịt cám làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn. Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ nhận và không tỏ ra nghi ngờ. Đến khi ăn gần hết, mẹ Cám mới nhìn thấy chiếc đầu lâu. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và hót: "Ngon ngỏn ngòn ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?". Mẹ cám nhận ra cỗ mắm mà Tấm gửi thật ra là thịt của con mình nên đã lăn đùng ra chết.”
 
Rất nhiều độc giả của báo GDVN đã cho rằng việc trả thù của Tấm với Cám như một minh chứng đanh thép cho quy luật nhân quả, với sự chiến thắng của cái thiện, sự diệt trừ tận gốc của cái ác....

Đoạn kết với hành động trả thù của Tấm với Cám trong SGK lớp 10.


Nhưng trong xã hội ngày nay, khi cái ác, sự vô cảm đang ngày càng len lỏi sâu vào từng ngóc ngách của cuộc sống, thêm vào đó là sự ảnh hưởng của phim ảnh, games bạo lực... thì liệu rằng hành động trả thù tàn nhẫn của Tấm dành cho Cám khi được đưa vào giảng dạy có thực sự phát huy được cái thiện,  lòng yêu thương con người trong suy nghĩ, lối sống của con trẻ?.

Thử điểm lại trong khoảng thời gian gần đây, đã xảy ra 2 vụ án giết người có tính chất giã man. Vụ án với hành vi  không còn nhân tính của "sát thủ máu lạnh" Nguyễn Đức Nghĩa chắc hẳn vẫn chưa hết ám ảnh với nhiều người. Và chắc hẳn nhiều người cũng không thể quên về quá khứ của Nghĩa,  là con trong một gia đình căn bản, từng là một cậu học trò giỏi, một sinh viên của một trường Đại học có tên tuổi ở nhưng rồi bỗng chốc trở thành một kẻ chơi sang, giết người yêu cũ một cách dã man chỉ vì thiếu tiền và nghiện game.

Rồi đến vụ án mạng cướp tiệm vàng và giết người tại Bắc Giang mới đây do tên sát nhân Lê Văn Luyện gây ra khi mới 17 tuổi cũng đã làm xôn xao dư luận cả nước. Cũng từng là một cậu học trò, từng là một người con ngoan trong gia đình nhưng Luyện cũng bỗng chốc mất hết nhân tính, ra tay sát hại dã man tới 3 mạng người cũng vì thiếu tiền và nghiện game.

Và ở khía cạnh thực tế bên ngoài xã hội, thì chính mặt trái của xã hội phát triển với phim ảnh bạo lực, của những trò games online với những cảnh bắn súng, chém giết máu chảy đầu rơi... xuất hiện tràn lan đã tác động vào nhận thức, biến các "hành động ảo" trong hai thủ phạm, hình thành các hành động phạm tội?.

Nhưng đi sâu vào hơn thì chính sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhỏ trong xã hội, sự vô cảm giữa con người với con người ngày nay ngày càng lớn đã được minh chứng bởi những hành động tàn ác của hai tên  sát thủ máu lạnh Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện?...

Đặt chuyện Tấm trả thù Cám với hai vụ án do Nghĩa và Luyện xem ra có phần không hợp lý?, bởi Tấm Cám là câu chuyện cổ tích trong dân gian được mọi người truyền lại cho đến ngày nay, còn hai vụ án kia là những vụ án thực tế đã diễn ra mới đây. Nhưng nếu xét về mức độ tàn nhẫn thì cả ba câu chuyện này đều là những vụ giết người dã man và mất nhân tính?.

Tấm trả thù cám có phải là bài học xấu?

Nhiều độc giả đặt ra câu hỏi rằng trong thời kỳ trước khi xã hội ‘trong lành’ và không vô cảm, thì sự trả thù của Cám chỉ làm người ta hân hoan vì thiện đã thắng ác. Nhưng ở xã hội ngày nay, khi cái ác, sự vô cảm đang len lỏi trong nhiều ngõ ngách của cuộc sống, thì việc dạy và học cái sự trả thù tàn khốc của Tấm rất có thể ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, lối sống của trẻ em. Những đứa trẻ nghiện phim ảnh, games đã học theo phim... thì Tấm Cám có thể là 1 gương xấu?

Tấm trả thù cám có phải là bài học xấu?


Chắc chắn rằng, khi còn ở tuổi niên thiếu, hai tên hung thủ Nghĩa và Luyện đã không dưới 1 lần được nghe, đọc và học câu chuyện Tấm Cám. Nhưng có lẽ những điều thiện, điều tốt trong câu chuyện thì chúng đều không học được mà cái đọng lại được trong đầu chỉ là cách trả thù tàn nhẫn chăng?... Và cùng với sự tác động của mặt trái xã hội, gia đình thiếu quan tâm, nhà trường không dạy dỗ, quản lý... đã khiến những tên tội phạm này trở nên hung ác, mất nhân tính.

Nghĩa và Luyện là những người trưởng thành và sắp trưởng thành, đều có sự suy nghĩ vậy mà còn có những hành động tàn bạo như vậy. Với các em nhỏ khác, cùng sự tác động của mặt trái xã hội, nhiều em hư học và làm theo phim và game bạo lực, giờ lại được "bồi dưỡng" thêm chuyện Tấm trả thù tàn khốc Cám thì hậu quả sẽ đến đâu. Liệu rằng đây sẽ là tấm gương xấu hay tốt?.

Cũng không phải ngẫu nhiên trong một khảo sát của cô Lê Thị Thu Hà, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn trên 185 giáo viên THPT và 1537 học sinh ở một số trường THPT miền Trung Tây Nguyên, đa số không đồng tình với cách trả thù của Tấm đối với Cám ở văn bản dân gian và cho rằng, cách kết thúc đó làm mất đi hình ảnh của một cô gái trong sáng, hiền lành. Tấm trở thành một cô gái tàn nhẫn, độc ác, thậm chí còn hơn cả mẹ con Cám.

Một bạn đọc của báo GDVN đã chia sẻ: "Tấm được ca ngợi là hiền ngoan nhưng về độ dã man tàn ác còn hơn cả Cám. Giết Cám là đủ rồi nhưng ác ở chỗ "Giết Cám làm mắm cho mẹ Cám ăn"; Nên loại bỏ luôn những chi tiết này trong truyện này ra khỏi các chương trình học chính thống hay truyện dân gian, truyện tranh v.v. Hãy để nó tồn tại theo kiểu truyện truyền miệng, sau này quên luôn cũng được vì không nên dạy thế hệ sau cách hành sử không nhân tính và độc ác như vậy được. Không thiếu gì cái hay cái tốt đang hiện hữu để dạy cho con trẻ...".

Thành Chung