Phạm Xuân Nguyên: “Kẹo mút” hồn nhiên độc ác!

08/11/2011 19:50:05
- Trước sự việc Kẹo mút chơi bời (Kẹo mút) đang gây bức xúc dư luận xã hội, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên đã chia sẻ ý kiến về việc có nên xây dựng quy chuẩn cho riêng cộng đồng mạng.

Mô tả ảnh.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Thưa ông, ông sẽ làm gì nếu trên blog của mình xuất hiện những câu nói đang gây bức xúc của Kẹo mút chơi bời?

Đương nhiên tôi sẽ nhảy vào “comment” (bình luận – PV) ngay với thái độ phê phán kịch liệt. Có thể Kẹo mút không phải là người gây ra tai nạn, dù cậu ấy đã thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ phải làm: cứu chữa, đền bù cho người bị nạn,… nhưng câu nói trên facebook của Kẹo thì không thể chấp nhận được.
 
Ông nghĩ đó là một phút bồng bột của tuổi trẻ hay đạo đức suy đồi?
 
Nói bồng bột thì chưa đúng mà suy đồi đạo đức cũng không phải. Đây là thói quen của một bộ phận lớp trẻ hiện nay, là cái hồn nhiên chết người, hồn nhiên độc ác.

Ông có thể lý giải rõ hơn về nguyên nhân của thói quen này?
 
Thứ nhất, do môi trường xã hội ngày nay làm con người ta trơ lỳ với cái ác, cái xấu, nỗi đau. Mà người trẻ là người non nớt nhất, chưa được phòng bị nhất nên bị tập nhiễm nhanh nhất.
 
Lý do thứ hai phải kể đến là đặc điểm của giới trẻ trên mạng xã hội, việc nghiêm trọng nhất họ vẫn thể hiện bằng ngôn ngữ teen. Người trẻ không lường được khi vượt ra khỏi cộng đồng mạng, một câu nói có thể tạo dư luận xã hội mạnh mẽ đến vậy. Như trong trường hợp Kẹo mút, người đọc không chấp nhận đó là câu thông báo, mà coi như một sự đùa bỡn với tính mạng con người, một thái độ vô đạo đức.

Sự tự do thái quá trên mạng có là một nguyên nhân không ạ?
 
Có chứ. Thế giới ảo chỉ ảo ở chỗ người tham gia không tiếp cận trực diện với nhau, không biết nhau là ai. Cũng vì thế, mà cộng đồng mạng đôi khi tự cho mình quyền không cần kiểm soát hành động, lời nói.

Nhưng sự tự do ấy cũng có mặt tốt, họ dám nói, dám thể hiện bản chất của mình?
 
Sự tự do tối đa trên mạng cũng đi kèm sự tự trọng tối đa về phía chủ thể phát ngôn, tôn trọng tối đa người đọc phát ngôn đó. Nếu không tự do, chúng ta làm gì có vấn đề Kẹo mút mà bàn? Nếu không tự do sao cộng đồng mạng lại được vào bình luận, nói thẳng nói thật suy nghĩ của mình: từ vào hùa tung hê cho đến phê bình, thậm chí dọa dùng đến cả nắm đấm.

Vậy chúng ta có nên cấm ngay từ đầu, kiểm duyệt ngay từ đầu không ạ?
 
Điều đó không nên, mà có muốn cũng khó để thực hiện được. Thế giới mạng là thế giới hỗn mang, hãy để cộng đồng mạng tự điều chỉnh. Cộng đồng mạng sẽ tự tẩy chay những thứ gì gọi là “rác”. Bằng chứng rõ ràng nhất, Kẹo mút đã phải xóa trang cá nhân của mình vì không chịu nổi dư luận.

Dư luận, báo chí đang tạo tiền đề cho Kẹo mút thứ hai, thứ ba có lý do để làm nếu muốn nổi tiếng?
 
Phương án “miễn bình luận” đôi khi lại hay. Những phát ngôn tương tự Kẹo mút không phải hiếm, đặc biệt sự việc liên quan đến showbiz. Khi không gây được chú ý, những phát ngôn đó sẽ tự mất đi thôi.

Ông nghĩ Kẹo mút sẽ bị xử lý thế nào nếu bị bắt?
 
Chẳng có luật nào xử được Kẹo mút. Cậu ta không phải là người gây ra tai nạn, chỉ có thể tạm giữ để điều tra nguyên nhân thôi. Có luật nào cấm cặp bồ đâu! Cũng chẳng có luật nào cấm không được nói như này, như kia trên facebook cả. Chỉ có dư luận xã hội lên tiếng chê bai, tẩy chay họ.

Như thế sẽ có nhiều người, đặc biệt là người trẻ không thấy thỏa mãn trước hình phạt dành cho Kẹo mút?
 
Áp lực xã hội, áp lực dư luận tuy vô hình nhưng rất mạnh, có khi còn mạnh hơn cả luật pháp. Làm sao Kẹo mút phải trốn chui trốn lủi, vì cậu ta không chịu được dư luận.

Sau sự việc Kẹo mút, có một số phụ huynh cấm con không được vào facebook, liệu  đây có phải là phương án hay?
 
Những biện pháp không quản được thì cấm luôn luôn tiêu cực. Nhà không mở cửa sổ sẽ rất bí bách, nếu mở sẽ có ruỗi muỗi bay vào, nhưng cũng có cả gió lành. Hãy để người trẻ được hưởng luồng gió đó, họ sẽ tự điều chỉnh được bản thân mình.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Trong khi một số thành viên các trang diễn đàn đang đòi tìm bằng được “Kẹo mút chơi bời” để “dạy cho một bài học”, không ít bạn trẻ tỏ ra bình tĩnh, lên tiếng bênh vực, minh oan cho nam thanh niên này. Lý giải cho phát ngôn của Kẹo mút, nick name Cửu vạn… (diễn đàn otofun) cho rằng : “Chúng ta đang sở hữu điều luật “nếu có tai nạn giao thông, xe to đền xe bé”. Điều này dẫn đến bức xúc từ những người đi đúng nhưng trót điều khiển xe to hơn”.

Nick name Unix.... (diễn đàn otofun) tỏ ra cảm thông: “Kẹo mút mới chỉ mười chín, đôi mươi, ở tuổi đó, em và mọi người cũng đã mắc bao nhiêu sai lầm. Hãy cho Kẹo mút cơ hội sửa chữa và tiến lên, vì như em đã nói, lỗi này chỉ là thanh niên vạ miệng”.

Trao đổi với Bee.net.vn, anh Bạch Thành Trung – biên tập viên chính vozforum.com cho biết: “Ban biên tập đã xóa một số topic cũng liên quan đến vấn đề của Kẹo mút chơi bời vì lời lẽ thành viên sử dụng không phù hợp, có phần manh động. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn sự việc từ đầu, nếu xảy ra trường hợp thanh niên có nick name Kẹo mút chơi bời bị chặn đánh thật thì ban quản lý diễn đàn cũng không thể can thiệp được”.

 
 
Kim Thái – Tuấn Anh (thực hiện)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.