Hà Nội: Lợn, gà "cởi truồng" vẫn chạy dông trên phố

Thứ Ba, 8.11.2011 | 21:00 (GMT + 7)

giết mổgia súc gia cầman toàn vệ sinh thực phẩm

Theo Sở Công thương Hà Nội hiện giờ có quá ít cơ sở giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) công nghiệp, chủ yếu vẫn là giết mổ theo phương pháp thủ công. 

Chỉ có 2 cơ sở giết mổ công nghiệp

Trong cuộc làm việc giữa UBND TP với các sở, ngành, Phó Giám đốc Sở công thương Nguyễn Thị Như Mai cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 60 tấn thịt lợn/ngày và 10,5 tấn thịt gia cầm/ngày.

Hình ảnh thường thấy tại các điểm giết mổ thủ công
Hình ảnh thường thấy tại các điểm giết mổ thủ công

Thế nhưng, công suất thực tế hoạt động thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế, chỉ đạt hơn 10 tấn thịt lợn/ngày và 7,5 tấn thịt gia cầm/ngày, đáp ứng khoảng 3% nhu cầu thịt GSGC của thành phố.

Trong khi đó, hoạt động giết mổ GSGC theo phương pháp thủ công tập trung lại sôi động hơn. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 15 cơ sở và điểm giết mổ GSGC tập trung quy mô vừa. Khả năng giết mổ đạt 45 tấn thịt trâu bò, 165 tấn thịt lợn và 14 tấn thịt gia cầm/ ngày, nhưng thực tế khối lượng giết mổ chỉ đạt 14 tấn thịt trâu bò, 110 tấn thịt lợn và 7 tấn thịt gia cầm/ngày, đáp ứng được khoảng 27,5% nhu cầu thịt GSGC của thành phố.

Cùng với những cơ sở giết mổ tập trung thì ở thành phố còn có hoạt động giết mổ nhỏ lẻ của các hộ gia đình đã tồn tại từ lâu đời. Tổng khối lượng của cơ sở giết mổ có quy mô hộ gia đình này đạt 230 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 51% nhu cầu thịt GSGC của người dân thành phố.

Phổ biến GSGC không kiểm soát thú y 

Theo khảo sát của Cục Thú y, qua kiểm tra, giám sát tổng cộng 735 mẫu các loại thịt trâu, bò, lợn và gia cầm đã phát hiện tới 453 mẫu, tương đương 61,6% không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và VSATTP. Đặc biệt, thịt nhiễm vi sinh có thể gây hại nếu người tiêu dùng không ăn chín uống sôi. Khi thịt nhiễm hóa chất và tồn dư chất kích thích tăng trọng thì mức độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần.

Tại Hà Nội, khá phổ biến việc gia cầm được bày bán và giết mổ nhiều ở các chợ trong nội thành và không được kiểm soát thú y. Mặc dù UBND TP đã có nhiều quy định siết chặt việc vận chuyển sản phẩm GSGC nhưng hình ảnh những xe máy chở lợn, gà “cởi truồng” vẫn diễn ra thường xuyên nên việc thịt nhiễm bẩn là không thể tránh khỏi.

Sở Công thương khẳng định, giết mổ GSGC tại các lò mổ tập trung là cách tốt nhất để thực hiện có hiệu quả việc kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế lây lan mầm bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với tầm quan trọng đó, UBND TP đã ban hành các kế hoạch về xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung, công nghiệp. Thành phố cũng thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các cơ sở này như: hỗ trợ về GPMB, nguồn vốn vay ưu đãi, khâu lưu thông vận chuyển... Tính đến nay, TP đã chấp thuận 6 dự án giết mổ công nghiệp tập trung và 5 dự án giết mổ thủ công tập trung đang triển khai xây dựng mới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, mặc dù vẫn phải duy trì hình thức giết mổ GSGC riêng lẻ ở khu vực nông thôn, nhưng phải tiếp tục tăng cường quản lý vệ sinh, an toàn thú y gắn với quản lý ATTP, lập các điểm bán tập trung để dễ dàng hơn trong công tác quản lý thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần có nhiều chính sách khuyến khích các huyện xây dựng điểm giết mổ tập trung (mỗi huyện 1 đến 2 cơ sở) tăng cường hiện đại hóa, áp dụng dây chuyền công nghệ cao, gắn giết mổ với chế biến thực phẩm.

Bạch Dương
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Báo Lao động điện tử có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Những bài viết này sẽ không được trả nhuận bút)