"Tôi phải kêu to lên: Bộ Y tế ở đâu rồi nhỉ?"

Thứ sáu 11/11/2011 03:11
(GDVN) - "Nếu không tin TS Khải, Bộ Y tế nên cho thực nghiệm rồi cho ứng dụng. Mỗi ngày có thêm hàng trăm ca bệnh TCM, tính mạng trẻ em chứ có phải đùa đâu..."
Đó là vấn đề được nhiều độc giả của báo Giáo dục Việt Nam quan tâm, đặt ra trước sự im lặng, nghi ngờ của Bộ Y tế với cam kết "xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng" của TS Nguyễn Văn Khải.

Nếu TS Khải sai, Bộ Y tế cần lên tiếng "trừ hại" cho dân?

Ngay sau khi báo điện tử GDVN đăng loạt bài "Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng" về những thông tin và kết quả đã được kiểm chứng chữa thành công bệnh chân tay miệng ở trẻ em bằng Anlolyt của TS Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông già Ozon), cùng những câu trả lời mang đầy tính "nghi ngờ" của một vị lãnh đạo Bộ Y tế. Tòa soạn đã nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn đọc đặt ra vấn đề nếu thấy TS Nguyễn Văn Khải sai, thì Bộ Y tế cần lên tiếng để "trừ hại", chứ sao lại để cho bao nhiêu người dân tin theo phương pháp của TS Khải?

Nếu không tin TS Khải, Bộ Y tế nên mời TS Khải làm thực nghiệm rồi đưa ra kết luận, sau đó hãy cho ứng dụng vào thực tế..


Độc giả Nguyễn Quyết (Phú Thọ) nhận định: "Đối tượng mà ngành Y tế tác động đến là con người nên không thể thờ ơ, vô trách nhiệm với dân được. Bệnh chân tay miệng là một dịch bệnh đang hoành hành với hàng trăm nghìn ca bệnh trên cả nước rồi  cũng có đến hàng trăm bệnh nhân tử vong, nên việc TS Khải  dùng một phương pháp chữa khỏi được bệnh mà Bộ Y tế thấy còn nghi ngờ thì nên có hành động cụ thể nào đó theo đúng chức  trách, nhiệm vụ của mình để thông báo cho người dân biết, chứ không nên im lặng nột cách khó hiểu như vậy".

Cùng chia sẻ, một độc giả khác cho rằng: “Nếu Bộ Y tế, với những nhà khoa học đầu ngành cho rằng, việc dùng phương pháp của TS Khải là sai, giống như các cách chữa phản khoa học khác thì Bộ Y tế cần phải lên tiếng ngay và có biện pháp xử lý để “trừ hại” cho dân, chứ sao lại để cho hàng trăm người tin theo phương pháp của TS Khải. Bởi tính mạng con người là rất quan trọng, chúng ta đã mất đi rất nhiều bệnh nhân rồi, chẳng lẽ lại để mất tiếp. Đã có tỉnh quá khả năng phòng chống đã phải công bố dịch trên tivi rồi. Sự lên tiếng của Bộ lúc này chính là để khẳng định uy tín cho ngành Y tế trong mắt người dân”.

Bộ Y tế nên mời TS Khải thực nghiệm rồi kết luận


Trước sự im lặng của Bộ Y tế, đặc biệt câu trả lời  "cần có thời gian nghiên cứu" của một lãnh đạo Bộ Y tế với phương pháp dùng dung dịch Anlolyt chữa bệnh chân tay miệng thành công cho hàng trăm trường hợp của TS Nguyễn Văn Khải, nhiều độc giả cũng tiếp tục đặt ra vấn đề, nếu chưa có kết luận được, tại sao Bộ Y tế không mời TS Khải làm thực nghiệm rồi đưa ra kết luận?

Sự im lặng của Bộ Y tế có phải là sự thờ ơ trước dịch bệnh và bệnh nhân?.


Độc giả Đặng Bích Phượng (Hà Nội) đặt câu hỏi: "Tại sao những người phản bác nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, không làm một cuộc khảo sát để kiểm chứng kết quả thực tế của nghiên cứu này, thay vì ngồi đó mà hoài nghi, để bao nhiêu người bệnh phải chết oan như thế?".

Đồng quan điểm với đó, một độc giả Châu Giang chia sẻ: "Với chức năng quản lý chuyên nghành về y tế, việc một nhà khoa học ngoài ngành y tế tiến hành thử nghiệm chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân trong khi chưa đưa ra được kết luận thì tại sao Bộ Y tế lại không mời TS Khải làm thực nghiệm mà lại im lặng!?  Thế rồi kết quả điều trị hiệu quả, đơn giản, rẻ tiền đã được minh chứng, họ cũng im lặng một cách khó hiểu!?".

Trong khi đó độc giả TAT lại cho rằng, nếu không tin TS Khải thì nên mời ông làm thực nghiệm rồi  đưa ra kết luận, sau hãy cho ứng dụng. Bởi trong lúc mỗi ngày có thêm hàng trăm ca mắc chân tay miệng mới thì chính việc không mời TS Khải làm thực nghiệm để đưa ra kết luận cho thấy sự bàng quan, coi thường tính mạng trẻ em của Bộ Y tế.

"Đọc các bài báo của Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, tôi bất giác kêu to lên: Bộ Y tế ở đâu rồi nhỉ? Chí ít thì thông tin về cách điều trị chân tay miệng của TS Khải các vị cũng phải biết chứ? sao cứ lặng thinh?. Nếu không tin TS Khải thì các vị cứ mời ông làm thực nghiệm rồi  kết luận, sau hãy cho ứng dụng. Mỗi ngày có thêm hàng trăm ca bệnh chân tay miệng, tính mạng trẻ em chứ có phải đùa đâu mà sao các vị lại chưa có động tĩnh già trong việc này thế?!".

Thành Chung (tổng hợp)

Bình luận

Sắp xếp theo:

Đào Hồ -11/11/2011 12:43

Gửi các độc giả
Tôi là chuyên viên thống kê. Tôi thấy cách lập luận của TS Khải có vấn đề về mặt khoa học.
Thứ nhất: Ông Khải thử dung nước Alolyte cho 1000 cháu, thấy không cháu nào bị biến chứng (Tôi không dám chắc ông Khải có theo dõi cả 1000 cháu này trong vòng 10 ngày không vì rất có thể có cháu bị biến chứng, gia đình đưa đi bệnh viện và không thèm gặp lại ông Khải nữa) nên kết quả thông báo của ông Khải chưa đủ độ tin cậy.
Thứ 2: Tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh chân tay miệng là 1/3000-1/10000 tức là 3000 đến 10000 cháu bị bệnh thì mới có 1 cháu có biến chứng, còn lại là khỏi hết. Điều đó có nghĩa là thử nghiệm trên 1000 cháu thì xác xuất không có cháu nào bị biến chứng là gần 100%. Nên kết luận của ông rằng nước Alolyte chữa được bệnh CTM là kết luận lừa bịp những người không biết về thống kê. Nếu ông Khải đã làm nghiên cứu sinh chắc hẳn ông phải biết về toàn thống kê (trừ trường hợp NCS giả cầy, biếu Vodka lúa mới cho thầy để qua)
Thứ 3: Bệnh chân tay miệng do virus xâm nhập theo đường ăn uống, nhân lên ở hầu họng, đi vào máu, theo dòng máu gây các nốt ở chân tay, trường hợp nặng virus gây tổn thương ở não và tim làm trẻ bị co giật và có thể chết. Virus trong máu, ông Khải bôi nước Alolyte ngoài da mà nói là chữa bệnh, diệt được virus trong máu, khỏi được tổn thương trong não trong tim quả là chuyện lạ.
Ông Khải muốn nghiên cứu thì tự bỏ tiền ra mà nghiên cứu mà tôi cũng ước tính để có con số thống kê đủ kết luận được về hiệu quả của biện pháp này thì cần phải nghiên cứu trên 30-60 ngàn trẻ đó. Một số tiền và công sức nghiên cứu không nhỏ để chứng minh một điều bất kỳ nhà sinh học hay nhà thống kê nào cũng thấy là điều vô lý