"Chữa "ngọng" l/n là chuyện.. .tào lao"

13/11/2011 15:06:05

- "Nói "ngọng" l/n thực chất là cách người ta vu vạ cho một đặc điểm phương ngữ của một số vùng nào đó mà thôi" - Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, Khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV Hà Nội nêu quan điểm.

TIN LIÊN QUAN

Chuyện tào lao?

Thưa ông, hiện trên báo chí đang có những dư luận trái chiều về kế hoạch "chữa ngọng" của Sở GD ĐT Hà Nội. Có người cho rằng, ở Hà Nội ngọng ’l,n’ là phương ngữ, đặc điểm của địa phương không chữa được? Có người thì ủng hộ, để làm đẹp hơn ngôn ngữ Hà Nội. Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ý kiến của ông như thế nào ạ?

Đây là một việc biết không có kết quả mà vẫn làm. Vì đây là ngôn ngữ tự nhiên không thể uốn nắn được. Ngôn ngữ mỗi vùng có một đặc trưng riêng.

Số liệu nói rằng có nơi “tỉ lệ học sinh nói ngọng giảm từ 48,36% xuống còn khoảng 20%”, tôi đảm bảo số liệu này không thể tin được. Vì đến ngày mai lại trở về như cũ. Tức sau một thời gian người ta lại nói lại như cũ thôi.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp. Ảnh nhân vật cung cấp
Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp

Có nghĩa ông cho rằng, nói "l,n" là một đặc điểm phương ngữ? Nhưng "chuẩn" trong ngôn ngữ viết là phân biệt rõ "l,n"?

 

Về khái niệm chuẩn, như thế nào là chuẩn? Mà ngôn ngữ lại không ngừng phát triển. Như “n” và “l”, trong tương lai, hai âm này nhập làm một, không có sự phân biệt thì sao? Nói "ngọng" l/n thực chất là cách người ta vu vạ cho một đặc điểm phương ngữ của một số vùng nào đó mà thôi.

Tôi nghĩ, viết là chính tả, thì phải đúng, còn nói thì kệ người ta. Bây giờ chả nhẽ bắt người Huế phát âm đúng dấu hỏi, dấu ngã? Bây giờ hết Hà Nội n,l rồi triển khai trong Huế bắt giáo viên phải phân biệt “nghĩ ngợi” với “nghỉ ngơi” thì làm sao người ta làm được? Bây giờ bắt người Hà Nội phát âm từ “uống rượu” với từ “hưu trí” và từ “hiểu biết” xem, họ sẽ phát âm “-ươu”, “-ưu” và “-iểu” giống nhau, làm sao mà coi là chuẩn được. Tóm lại, viết thì phải đúng, còn nói mà bắt sửa thì  là chuyện tào lao.

"Chửi cha không bằng pha tiếng"

Ông vừa nói, đây là việc làm không có kết quả. Liệu ông có thể giải thích rõ hơn lý do không ạ?

Mỗi vùng có một đặc trưng riêng. Có những áp lực mà người ta nói “chửi cha không bằng pha tiếng". Người ta quen nói như vậy, làm sao bắt người ta phát âm một cách giả tạo như vậy được? Những ai cảm thấy mình nói “ngọng” như vậy là có vấn đề, thấy cần thay đổi thì người ta tự điều chỉnh, còn không thể bắt buộc như vậy được.

Chẳng hạn, nói n,l rõ ràng, không bị “ngọng”, nói đúng nhưng không có ai chơi, người ta sẽ phải nói “ngọng” lại. Bây giờ cả vùng nói giọng địa phương, như người Huế mà về Huế lại nói giọng Bắc thì không ai chơi.

Hay đứng về phương diện ngôn ngữ học xã hội, trong một số trường hợp, người ta cần nói n,l ngọng như là một dấu hiệu hòa đồng với một nhóm nào đó.

Một trong những nguyên tắc để giao tiếp thành công là tăng dấu hiệu đồng thuận nhóm. Ví dụ như khi đi chợ, ăn nói như một người “con nhà lành” thì dễ bị bắt nạt, nói giọng chợ búa có vẻ ổn hơn, vì dân chợ búa sẽ thấy rằng “à, đây là người của nhóm mình”. Nhiều khi ra ngoài đường thấy nhiều người nói ngọng n,l, tôi cũng nói cho vui.

Đây không thể là tiêu chí để tuyển chọn giáo viên. Đây không phải là ngọng, đây là đặc trưng của phương ngữ. Còn nếu cứ suy như thế thì Sài Gòn cũng ngọng, Hà Nội cũng ngọng, cả vùng Nam Định ngọng hết, nơi nào cũng ngọng hết, vì không có nơi nào mà cách phát âm lại khớp hoàn toàn với chữ viết.

Vậy ông nhận xét như thế nào về chuyện tuyển giáo viên không tuyển người nói ngọng?

Với giáo viên mẫu giáo, ta có thể khuyến khích chứ không thể cưỡng ép được. Không có một mệnh lệnh hành chính nào nói rằng không được tuyển những giáo viên dùng phương ngữ. Không thể can thiệp như thế, đây là sự can thiệp vô nghĩa.

Chương trình “chữa ngọng” tốn tiền, tốn công vô ích.  Hà Nội nói S,X giống nhau, bắt giáo viên phát âm chuẩn “con chó”, “con trâu” trong lớp thì được, vì giáo viên phải làm theo phong trào, nhưng ra ngoài đường thì không thể bắt thế được.

Như ở nước ngoài, tiếng Anh ở London cũng là phương ngữ, nhưng vì London có uy thế. người khác muốn theo thì tự nguyện theo. Chỉ có ở Hàn Quốc, tiếng Seoul là tiếng chuẩn và có đạo luật coi tiếng Seoul là tiếng chuẩn. Tuy nhiên, nhiều người ở Seoul vẫn nói giọng pha phất đặc trưng địa phương của mình. Xử lí thế nào? Khó lắm.

Thanh Xuân (thực hiện)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.