(GDVN) - "Chúng ta chỉ có thể thay đổi nhận thức của chúng ta về lịch sử chứ không thể thay đổi quá khứ lịch sử...”. Đó là nhận xét của độc giả TS Phan Quốc Linh (Bulgaria).
Đang sinh sống và công tác ở đất nước Bulgaria, độc giả - TS Phan Quốc Linh đã có bài viết gửi đến báo điện tử GDVN để thể hiện cái nhìn, một lát cắt riêng xung quanh việc có nên sửa đoạn kết của câu chuyện Tấm Cám hay không?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trong giới thiệu với độc giả bài viết này.
|
Việc có nên sửa đoạn kết của truyện Tấm Cám hay không vẫn đang nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả và các nhà nghiên cứu. |
Tôn trọng sản phẩm của lịch sử.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam nóí chung, Truyện Tấm Cám nói riêng, là sản phẩm của lịch sử. Nhiệm vụ của hậu thế là làm sao tái hiện chúng, và từ đó nhận thức đúng bản chất của chúng theo cách nhìn khoa học, hiện đại. Nói cách khác là chúng ta cần ứng xử với quá khứ của cha ông ta tuân thủ theo chân lý hiển nhiên sau đây: "Chúng ta chỉ có thể thay đổi nhận thức của chúng ta về lịch sử chứ không thể thay đổi quá khứ lịch sử”.
Thế nên tôi thật sự lấy làm ngạc nhiên khi có một vị PGS-TS, là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lâu năm, cho rằng chúng ta có thể thay đổi truyện cổ tích, nguyên văn: "Truyện cổ tích là truyện truyền miệng và luôn luôn biến đổi theo nhu cầu của thời đại, không bao giờ bất biến...”.
Nhận định này, theo tôi là thiếu chính xác, có chăng chỉ đúng với “Truyện cổ tích hiện đại” (nếu có cái gọi như vậy)?, chứ truyện cổ tích xưa, về mặt nguyên tắc là không thể nào thay đổi được, vì đấy vốn là sản phẩm của một thời đại lịch sử đã qua (có thể có nhiều dị bản - tức là vẫn có “nguyên bản” xác định nào đó, vấn đề chúng ta có tìm được hay không thôi).
|
Chúng ta chỉ có thể thay đổi nhận thức của chúng ta về lịch sử chứ không thể thay đổi quá khứ lịch sử |
Nên trân trọng tài sản quá khứ của cha ông như những "cổ vật". Thử hỏi một cổ vật bị ai đó đụng chạm, điểm xuyết, dù chỉ là một chút thôi, có còn nguyên giá trị cổ vật? Đừng vì sự bất lực về nhận thức của mình mà rẻ rúng cổ vật của ông cha.
Làm như vị PGS –TS kia, và số người khác, xuất phát từ cách nghĩ chủ quan, đang muốn chỉnh sửa (và đã từng chỉnh sửa đoạn kết Truyện Tấm Cám) là vô ý vi phạm văn hóa văn bản (bản quyền - như cách gọi hiện đại). Mọi nghiên cứu, thẩm định tác phẩm, nếu không căn cứ theo bản gốc, đều giảm giá trị, chưa kể trong những trường hợp nào đó, có thể gây hiệu ứng phản giá trị. Nhìn chung, việc tự ý chỉnh sửa văn bản - di sản quá khứ do tổ tiên để lại, thực chất là biểu hiện sự bất lực về khả năng nhận thức của chúng ta, hậu quả phái sinh của nó là tệ bao cấp tư tưởng, áp đặt cách nghĩ chủ quan cho người khác, nhất là thế hệ trẻ.
Tôi nói chúng ta bất lực về khả năng nhận thức, cụ thể ở đây là đã không lý giải được vì sao đoạn kết trong Truyện Tấm Cám lại như vậy? Một số người cho rằng hành động trả thù của Tấm là quá độc ác, nên sửa lại cho “nhẹ”bớt. Thử hỏi chuyện "nặng" "hẹ" ở đây là theo tiêu chí nào? Hay chỉ là do cảm nhận - cảm tính?…
Thế nên một khi ông cha chúng ta cho truyện này kết thúc như vậy, theo tôi, hẳn phải có lý do. Dù rằng lý do này, thích hợp hay không thích hợp, xuất phát từ cách nhìn, và từ lợi ích thực tế (lợi ích giáo dục chẳng hạn), là chuyện của chính chúng ta, không nên đổ lỗi cho cha ông trong quá khứ.
Kết của chuyện thể hiện tâm thức của người Việt
Muốn hiểu được truyện Tấm Cám - cùng với cách kết thúc của nó, chúng ta nên đặt nó trong "phông nền" của tâm thức dân gian người Việt trước đây. Đoạn kết thúc câu chuyện, theo nguyên bản truyện của Nguyễn Đổng Chi, như sau:
Sau khi vua cho đón Tấm vào cung,…"Cám thấy chị đẹp hơn xưa, sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng, được tươi giòn như Tấm. Nó giả vờ như không biết chuyện gì, hỏi Tấm:
-Chị Tấm ơi, chị Tấm, chị dầm sương giải nắng, đi vắng khá lâu, sao giờ chị trắng?
Tấm đáp:
-Có muốn trắng để chị giúp cho.
Cám hí hửng bằng lòng ngay. Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống rồi sai người đem nước sôi dội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái biếu. Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn khen lấy khen để.
Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà nhìn xuống kêu:
-Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.
Mụ chửi bới quạ, xua đuổi quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh,mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình…, uất lên, ngã vật xuống đất mà chết.”
Công bằng mà nói, nếu chưa bàn đến vấn đề nội dung (cụ thể là đánh giá sự trả thù ác đến đâu), đây là đoạn kết hay, sinh động, đến mức có thể làm chao đảo nhận định quen thuộc của các nhà học giả, rằng truyện dân gian xây dựng hình tượng theo lối biểu trưng. Nếu so sánh với cái kết khác, đã được (hay bị) chỉnh sửa ở sách giáo khoa lớp 10 hiện nay, xét về mặt nghệ thuật thể hiện, là cách xa nhau một trời một vực. Ở kết thúc bị chỉnh sửa, chỉ là một sự “thông báo” đơn giản về cách trả thù, hầu như không gây ấn tượng gì nhiều.
Cụ thể, trong sách này, khi Cám hỏi "Chị làm thế nào mà đẹp thế?", Tấm hỏi lại: "Có muốn đẹp không để chị giúp?”,sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.”
Muốn hiểu được truyện cổ tích này, nhất là đoạn kết của nó, không thể dùng cái gọi là "sự phát triển tính cách nhân vật” trong văn học viết (xuất hiện muộn hơn văn học truyền khẩu) để phán xét rằng cô Tấm hiền lành kia mà trả thù tàn độc thế kia là không hợp lý.
Còn nữa...