(TT&VH) -“Tôi cao có 1m6, nó cao 1m8 lại có đồng bọn sao địch lại được? Lúc ấy tôi cũng muốn cầm dao xông ra cho nó một nhát, nhưng nghĩ lại trong nhà còn có mẹ già với bốn con nhỏ, mình giết người đi tù thì ai nuôi họ? Tôi không thể làm nhà tan cửa nát được!”.
Anh chồng đớn hèn Dương Vũ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) có giải thích như thế nào đi chăng nữa thì những người đàn ông và đàn bà trên khắp thế gian này, nhất là người vợ bất hạnh của anh ta, cũng không thể chấp nhận được. Bởi không có một người đàn ông nào có thể hèn hạ đến mức núp trong xó nhà, để mặc cho kẻ cường bạo xông vào nhà cưỡng hiếp vợ mình suốt một tiếng đồng hồ ngay trước mặt như anh ta. Chỉ đến khi kẻ thủ ác thỏa mãn thú tính và bỏ đi, anh ta mới dám gọi điện cho cảnh sát. Vụ việc đang làm chấn động nhân tâm ở Trung Quốc.
Nếu còn là con người, tất nhiên, anh ta sẽ không chịu được sự sỉ nhục đó. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh anh ta, dù trước mặt không phải là vợ mình, mà chỉ là một người đàn bà bất hạnh, cũng phải xông ra chứ không thể rúm ró chịu nhục trong xó tối như thế. Có câu “Máu nhập tim, xà lim cũng nhỏ” - lúc đó mà còn lo... trách nhiệm, thì không còn là con người nữa, nói gì đến chuyện là ‘hảo hán”.
Những giọt nước mắt ân hận của người chồng đớn hèn
Nhưng nếu anh ta xông ra thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Có thể lúc đó lòng căm hờn trỗi dậy, sức địch muôn người, dù chỉ cao 1m6, nhưng anh vẫn khống chế được kẻ thủ ác cao lớn (nhất là lúc địch thủ đang “mất cảnh giác”), và trở thành người hùng trong mắt gia đình mình. Chưa kể còn được tuyên dương trong khu phố về thành tích bắt tội phạm.
Cũng có thể lúc đó, anh ta quá tay đâm cho kẻ thủ ác một nhát chí mạng. Án mạng xảy ra. Song giết người trong hoàn cảnh để tự vệ, hoặc để bảo vệ người khác, và nhất là giết một kẻ dâm bạo đang phạm tội ngay giữa nhà mình thì thiết nghĩ cũng không đến mức phải “đi tù, tan cửa nát nhà” như anh ta bao biện.
Nhưng cũng có thể, với một kẻ cường hào ác bá như Dương Hỷ Lợi thì kịch bản xảy ra có thể khác. Gã dân phòng này vốn tính tình hung bạo, thường đi tuần, đánh người, đập xe ngoài phố, mọi người vừa ghét vừa sợ. Một khi gã dám cầm dùi cui dẫn theo hai tên côn đồ xông vào nhà kẻ khác để làm càn thì chúng đã là cướp, là giặc. Vì thế, cũng có khả năng vụ việc sẽ diễn ra như thế này: anh chồng Dương Vũ vừa từ trong xó nhà xông ra cứu vợ đã bị Dương Hỷ Lợi đánh cho một dùi cui chí mạng. Hai gã côn đồ cũng xông vào đánh giúp. Dương Vũ có thể trọng thương, hoặc mất mạng mà không cứu được vợ khỏi vụ cưỡng bức.
Vậy sâu xa hơn nữa, đằng sau sự hèn nhát đến đê tiện của người chồng kia chính là sự lộng hành của cái ác. Tên cường hào Dương Hỷ Lợi phải quen thói ức hiếp dân lành như thế nào, thì mới dám cầm dùi cui, dẫn theo đồng bọn xông vào nhà cưỡng bức vợ trước mặt chồng. Cái ác phải lộng hành lâu ngày như thế nào mới giết chết được tinh thần phản kháng bản năng, biến Dương Vũ từ một gã đàn ông thành kẻ đớn hèn, vô tích sự, không ra giống người.
Đằng sau sự đớn hèn của Dương Vũ còn một câu hỏi rất lớn là vì sao xã hội ấy đã để cho một kẻ cường hào như Dương Hỷ Lợi tác quái đến như vậy?
Trần Vũ