'Hot teacher' của ĐH Ngoại thương
Với nụ cười thường trực, thầy Duy từ chối không nói về những giải thưởng đã đạt được. Dù từng nhận giải nhất “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” và giải Én vàng “Người dẫn chương trình truyền hình” năm 2009 nhưng Duy xem đó là "không đáng kể".
Anh thẳng thắn thừa nhận, trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ làm thầy giáo. Ra trường với tấm bằng giỏi, được giữ lại làm giảng viên nhưng anh đắn đo mãi. Khi được thầy cô động viên, lại nghĩ mình sẽ có cơ hội để học nhiều hơn, làm việc trong môi trường đại học cũng tạo thêm động lực nên Duy quyết định bước lên bục giảng.
Đó dường như là quyết định đúng đắn khi không lâu sau anh theo học và có bằng thạc sĩ Quản lý của ĐH Leicester (Anh). Bên cạnh vai trò người thầy, Duy còn tham gia làm MC cho một số chương trình truyền hình.
"Thầy giáo hot boy" là nick name mà học trò đặt cho Duy. Trên các trang mạng xã hội, sinh viên Ngoại thương không kể nam nữ đều hết lời ca tụng thầy. Bạn Quốc Anh viết: "Thầy ơi, các bạn nữ nghe thầy hát rụng tim hết rồi" hay vô vàn lời mời "thầy chụp ảnh cùng với lớp em". Có bạn buồn vì không được thầy hướng dẫn tốt nghiệp.
|
28 tuổi, Hoàng Anh Duy đã có bằng thạc sĩ ở Anh và đang học tiếp tiến sĩ. |
Anh Duy tâm sự, bản thân rất vui vì biệt danh "hot boy", cũng hãnh diện khi nhận được sự quan tâm, hỏi han của sinh viên. Nhưng ngoài bề nổi mà mọi người thấy, Duy cố gắng để sinh viên biết nhiều hơn về mình qua chuyên môn.
Với Anh Duy, là thầy thì phải giỏi kiến thức chuyên môn, có kỹ năng truyền đạt, nghiên cứu, và quan trọng nhất là gần gũi với sinh viên. Anh cho rằng, kiến thức sẽ chẳng bao giờ là đủ nên thầy giáo phải luôn cập nhật và học hỏi.
“Nếu hôm nay mình biết 10, ngày mai có thể xuống 6, ngày kia xuống 1-2 trong khi mọi thứ luôn thay đổi. Nhưng chắc chắn rằng, mỗi ngày qua đi mình đều tích lũy thêm một chút kinh nghiệm, kiến thức, không chỉ ở sách báo mà còn ở sự trải nghiệm, tiếp xúc hàng ngày”, Anh Duy nói.
Làm sinh viên phát "sốt" mỗi khi đứng trên bục giảng, Duy chia sẻ, có thể đó là nhờ phương pháp dạy phù hợp với tâm lý của bạn trẻ. Anh không thích cách dạy truyền thống giáo viên giảng, trò chép bài mà muốn sinh viên tự làm, thực hành và suy nghĩ. Duy ghép các tình huống vào video clip, các trò chơi để sinh viên vừa học, vừa thi đua, vừa giải trí.
Với cách học đó, sinh viên sẽ rèn được kỹ năng làm việc, học tập chủ động dưới sự hướng dẫn của thầy. Duy cũng khéo léo đưa ra các hình thức như quà tặng, khen thưởng để khuyến khích trò hăng hái học tập. Ví như khi dạy về giải quyết mâu thuẫn, anh sẽ cho sinh viên xem clip hoặc một bộ phim về các tình huống mâu thuẫn trong thực tế để các em giải quyết. Sau đó là tình huống để các em tự nhập vai vào, diễn ngay trên lớp chứ không chỉ nói suông.
Trong bài học về kinh doanh, sinh viên sẽ phải đi khảo sát, nghiên cứu thị trường, phỏng vấn khách hàng, người tiêu dùng, từ đó thuyết trình trên lớp.
|
Anh Duy được rất nhiều học trò ngưỡng mộ không chỉ đẹp trai, hát hay mà còn phương pháp dạy cuốn hút. |
“Các tình huống trên lớp đều tính điểm và tổng kết đầy đủ chứ không chỉ chơi cho vui. Và đó chính là vừa chơi vừa học mà vẫn hiệu quả”, Anh Duy chia sẻ và cho biết thêm anh thường khuyến khích sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp hoặc mời các anh chị thành đạt về nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giúp các bạn có kiến thức căn bản như khi đi tuyển dụng thì cần chuẩn bị những gì.
Từng du học và bảo vệ thạc sĩ ở Anh, Duy nhận định, giáo dục đại học ở Việt Nam so với các nước phương Tây có rất nhiều điểm khác biệt từ cách giảng dạy, môi trường học tập và kể cả lối tư duy, hành vi của sinh viên.
Thời Duy học ở Anh, thầy cô không giảng bài kỹ như ở Việt Nam mà đổi lại sinh viên phải học và tự đọc rất nhiều. Họ muốn sinh viên nói nhiều, phát biểu nhiều nhưng lúc đó sinh viên châu Á thường rụt rè còn các bạn phương Tây thì đua nhau phát biểu, kể cả khi thầy chưa mời đứng lên.
Ở phương Tây, phương tiện học tập cũng hiện đại hơn, người thầy đóng vai trò định hướng, giải đáp thắc mắc. Kể cả khi viết luận văn, thời gian sinh viên được gặp thầy cô hướng dẫn rất ít. Họ cũng quy định thời gian rạch ròi chứ không thoải mái như ở Việt Nam. Điều đó khiến sinh viên làm việc có nề nếp và chủ động, trách nhiệm hơn.
"Chính những phương pháp đó mình đã học tập, chắt lọc và đưa vào thực tế những lần lên lớp", Duy chia sẻ.
Trong suốt những năm tháng cắp sách tới trường, thầy giáo "hot boy" ấn tượng nhất với cô giáo dạy Văn cấp hai. Ngoài dạy giỏi, cô còn rất quan tâm đến học sinh, coi trò như con. "Có lần mình bị đau bụng, cô đưa đến tận bệnh viện kiểm tra khiến mình rất cảm động”, Anh Duy kể.
Hiện đã học xong thạc sĩ ở Anh, đang học lên tiến sĩ ở trong nước, Anh Duy tâm sự sẽ học đến khi nào không học tiếp được nữa. Ngoài giờ lên lớp, anh theo học dance sport, đàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp… Duy cho hay, cuộc sống đa dạng, muôn màu nên phải học, phải biết để yêu cuộc sống hơn.
Hoàng Thùy