Mong ông Hoàng Hữu Phước sửa lời!

20/11/2011 06:59:46

- "Không hiểu vì sao ĐBQH Hoàng Hữu Phước lại có thể gay gắt đến thế, hiểu sai đến thế về biểu tình? Mong ông Phước sửa lời" - Đó là cảm xúc chung của những email gửi tới Bee.net.vn sau phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước, ĐB TP.HCM về Luật Biểu tình. Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin trích đăng các ý kiến gửi về. Các ý kiến dưới đây không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

TIN LIÊN QUAN

Độc giả Nguyễn Xuân Cường: Buồn khó tả

Một nỗi buồn khó tả khi đọc bài phải biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Mong ĐB Hoàng Hữu Phước chú ý sửa lời rằng: cử tri mà tôi được tiếp xúc (nhớ là được tiếp xúc, không phải là tất cả) phản ánh rằng (có thể cho biết điểm tiếp xúc, số người tham dự, thành phần chủ yếu), thay cho cụm từ “nhân danh nhân dân”.

Với kiến thức hạn hẹp của mình thì tôi, một cử tri hiểu được rằng, luật là công cụ điều chỉnh những vấn đề thực tế của cuộc sống. Không phải cứ luật biểu tình là cho biểu tình, biểu tình vô tổ chức hay luật tham nhũng là tiếp tay cho tham nhũng… Ngoài ra, luật còn là để cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo những nội dung trong Hiến pháp được thực hiện.

 

 

Đại biểu Hoàng Hữu Phước phát biểu tại Quốc hội. Ảnh TP
Đại biểu Hoàng Hữu Phước phát biểu tại Quốc hội. Ảnh TP

 

Ông Phước còn lấy một dẫn chứng rằng ở Mỹ đến 1960 mới có thuật ngữ “biểu tình” và “Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ”.

 

Ông quên rằng những năm chống Mỹ, người dân tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới đã xuống đường biểu tình nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Và gần đây nhất là các cuộc biểu tình của người dân Mỹ đòi chính quyền Mỹ rút quân khỏi Iraq, Afghanistan. Bên cạnh đó, ngày nay các tổ chức phi chính phủ, nhóm hoạt động xã hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình không phải “chống chính phủ” mà là đấu tranh cho lợi ích xã hội, ví dụ trong năm 2011 tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để chống khai thác gỗ trái phép ở Indonexia, khoan dầu ở Bắc cực… Tôi biết ông Phước từng là giảng viên tiếng Anh, ông có thể tìm thông tin này rất dễ trên các trang tin tức nước ngoài.

Tôi là người chưa từng tham gia biểu tình, ủng hộ có phản đối có. Biểu tình để bày tỏ quan điểm, thái độ về những điều sai trái, tiêu cực, phi văn hóa, đạo đức… nhằm triệt tiêu nó, để xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, nếu biểu tình không vì mục đích ấy…thì thông qua Luật Biểu tình nhà nước có cơ sở pháp lý để can thiệp kịp thời.

Chuyên gia Nguyễn Quang A: Sốc

 

Chuyên gia Nguyễn Quang A. Ảnh VNN
Chuyên gia Nguyễn Quang A. Ảnh VNN
Tôi thực sự bị sốc khi nghe phát biểu của ông Phước. Nếu ông Phước chỉ với tư cách một cá nhân, đọc bài phát biểu ấy ở đâu đó và có người nghe, hẳn người ta cũng phải đặt dấu hỏi về hiểu biết, cách sử dụng thông tin và cách đặt vấn đề của ông. Song người ta cũng chẳng cần trách ông làm gì.

 

Nhưng ông là một đại biểu Quốc Hội, ông đã phát biểu công khai, chính thức trên diễn đàn Quốc Hội (QH).

Ông Phước “kính đề nghị QH loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII này”.

Tôi tự hỏi, một “đại diện của dân” lại đề nghị các “đại diện của dân” tước hai quyền con người cơ bản được hiến định của dân!

Theo ông, nếu lập hội: để “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đều là không cần.

Lý do để ông loại luật biểu tình:

Theo ông, cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra năm 1913 và mãi đến các năm 1960 mới xuất hiện từ ngữ “biểu tình” ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới.

Ông khẳng định, “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ”.

Sự hiểu của ông về biểu tình là không đúng. Bất cứ ai biết đọc, biết dùng Google và không biết gì về biểu tình cũng có thể hiểu đúng về biểu tình sau 15 phút!

Rồi ông kết luận “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” như sự ô danh mà các cuộc biểu tình “chiếm phố Wall” gây ra cho nước Mỹ.

Ông bảo “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Không có thăm dò dư luận sao ông biết “đa số nhân dân sẽ”…?

Tôi thực sự bị sốc.

Doanh nhân Lê  Kiên Thành
Doanh nhân Lê Kiên Thành

Doanh nhân Lê Kiên Thành: Nói với ai nhầm lẫn khái niệm biểu tình

 

Bài viết này muốn nói với những ai còn nhầm lẫn khái niệm về biểu tình.

Biểu tình là sự biểu lộ tình cảm của một tập thể, cộng đồng có chung cảm xúc, suy nghĩ. Thứ tình cảm chung đó, giới nghiên cứu gọi là tình cảm công thể hay tinh thần công cảm. Đó là phần tinh hoa, cao quý nhất của một cộng đồng, một dân tộc. Với thế giới hiện đại thì việc biểu thị tình cảm, nguyện vọng chung đó, từ lâu đã là một nhu cầu tất yếu. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng biết biểu tình mạnh mẽ, hồn nhiên, công phu và quy mô.

Lần đầu tiên tôi được hòa nhập vào dòng thác biểu tình là một cuộc mà như bây giờ dễ bị gọi là “tụ tập đông người” vào năm 1961. Mặc dù lúc đó chúng tôi không được trực tiếp sống trong dòng thác biểu tình, bởi chúng tôi là những thanh niên sống ở miền Bắc. Nhưng tất cả tâm tưởng của những chàng trai cô gái xung quanh tôi lúc đó đều nhập vào dòng thác tinh thần ấy.

Khi đó những bà má, sinh viên, trí thức… tập trung trước trại giam Phú Lợi (Bình Dương) phản đối tội ác đầu độc tù nhân của chế độ Mỹ Diệm. Hàng ngàn bà con đã sát cánh bên nhau không dao súng, không đại bác, xe tăng hô vang những khẩu hiệu đả đảo chế độ Mỹ Diệm, phản đối tội ác phi nhân tính. Họ bất chấp hiểm nguy, bắt bớ. Và cũng từ âm vang cuộc biểu tình ấy, dư luận thế giới hưởng ứng, nội bộ địch nao núng và cuối cùng trại tù không những phải chấm dứt hành động man rợ mà còn phải đóng cửa vào ít năm sau.

Cũng chính những cuộc biểu tình của nhân dân miền Nam, với những chàng sinh viên phanh áo ngực trước lưỡi lê, họng súng đã thôi thúc hàng triệu chàng trai cô gái rời làng quê, gia đình, giảng đường để xung phong vào chiến trường. Những hình ảnh của đội quân tóc dài, hay những bà má giương cao biểu ngữ ở miền Nam đã vang động đến lương tri loài người, hối thúc công lý trong sâu thẳm mỗi trái tim người. Vì vậy mà trên khắp trái đất đã có Raymond Dien thời chống Pháp và ngọn đuốc Norman Morryson thời chống Mỹ cùng triệu triệu tiếng hô vang, vung nắm tay ủng hộ Việt Nam; làm lung lạc dã tâm thực dân đế quốc. Dùng sức mạnh biển cả đó chúng ta mới chứng minh được công lý, lẽ phải, chính nghĩa ở bên mình và phi nghĩa ở phía kẻ thù.

Tinh thần công cảm khi được bộc lộ, nếu là chính nghĩa hẳn sẽ tạo nên sức mạnh vô song. Không phân biệt màu da, ngôn ngữ, nó lay động và kích thích nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau. Đôi khi nó vượt trên sức mạnh ngoại giao, quân sự…

Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 70 năm qua đã tận dụng khích lệ và phát huy được sức mạnh từ công cảm rất hữu dụng - biểu tình - để góp phần đưa dân tộc này từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Và khi chúng ta đã có chính quyền trong tay, việc luật hóa để biểu tình trở thành công cụ có ích cho Đảng, cho Chính quyền và người dân trong việc đấu tranh với cái xấu, cái phản cảm theo tôi là việc cần thiết.

Tôi không hiểu vì sao ĐBQH Hoàng Hữu Phước lại có thể gay gắt đến thế, hiểu sai đến thế về biểu tình?

(Tổng hợp)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.