Báo điện tử của báo Nông thôn Ngày nay

Thứ hai, 21/11/2011 08:53
21/11/2011 | 07:07

Giải mã thất bại của U23 Việt Nam: Lỗi học theo... Barca

(Dân Việt) - Sau khi U23 Việt Nam dừng bước ở bán kết SEA Games 2011 trước U23 Indonesia, hầu hết các cổ động viên chỉ buồn chứ không tiếc. Với những gì U23 Việt Nam thể hiện, thất bại là hiển nhiên…

Gọt chân cho vừa giày

Nhìn lại suốt quá trình chuẩn bị và những ngày thi đấu vòng bảng SEA Games 2011 có thể thấy những khó khăn dành cho HLV Goetz. Ông thầy người Đức muốn xác lập sớm bộ khung chính nhưng không thể. Ngay cả vị trí đặc biệt như thủ môn, mãi về sau mới xác định nổi số một thuộc về Bửu Ngọc, chứ không phải Tuấn Mạnh. Các vị trí khác trên sân thường xuyên ở vào thế 50-50 khi chẳng có cái tên nào nổi bật hẳn để đặt trọn niềm tin, ngoại trừ Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết.

Sự gục ngã của U23 Việt Nam do sự chỉ đạo chiến thuật chưa hợp lý.

Chính sự thiếu hụt nhân tố con người của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại đã khiến một HLV như ông Goetz lúng túng. Nhưng thay vì đổi lối chơi cho phù hợp với các cầu thủ hiện có thì ông Goetz lại “Gọt chân cho vừa giày”: Lối chơi thiên về thể lực và độ “lì”, độ “quái” của các cầu thủ vẫn được HLV này quán triệt. Nhưng những tố chất đó là cái các cầu thủ hiện nay đang thiếu…

Nhìn những gì U23 Malaysia, U23 Indonesia thể hiện ở vòng bảng, có thể thấy họ có được điều mà U23 VN mỏi mắt tìm kiếm mãi vẫn không nổi: Sự kết dính trong lối chơi tập thể. Thêm nữa, việc bốc thăm vào bảng “mềm” khiến những đôi chân U23 VN không được “thử lửa”. Thậm chí còn rơi vào trạng thái lâng lâng, huyễn hoặc về khả năng của mình (sau chiến thắng 8-0 trước U23 Brunei với những bàn thắng rất đẳng cấp), và dễ dàng “sốc” khi gặp đối thủ mạnh như U23 Indonesia ở bán kết.

Thiếu mỗi… Messi

Trong suốt 90 phút đọ sức với U23 Indonesia, việc cầm bóng cũng rất khó khăn đối với các học trò HLV Goetz, chính vì thế U23 Việt Nam không thể gây sức ép lên khung thành đối phương khi ta không có một tiền vệ cắm.

Trong trận đấu lép vế khi tranh chấp tay đôi, không nổi trội về mặt kỹ thuật như trận đấu này, lối đá “hàng tiền vệ thay nhau làm tiền đạo” của ông Goetz phá sản hoàn toàn. Lối đá hiện đại ấy chỉ có những con người Hà Lan thập kỷ 70 của thế kỷ trước và những cá nhân siêu việt của Barca siêu phàm đương đại mới dám triển khai.

Ai cũng nói: U23 VN hiện nay thiếu một tiền đạo cắm cỡ như Việt Thắng tại AFF Cup 2008 - nhưng trong trận đấu bán kết bạc nhược vừa rồi, nếu mạnh dạn để Văn Quyết vào vị trí ấy thì ít nhất Đình Tùng đã có hai lần chuyền bóng thuận lợi được cho Văn Quyết chứ không quyết định tự mình đi bóng và dứt điểm “như chỉ đạo của BHL”.

Ngồi trên sân Bung Karno, rất nhiều người Việt Nam tức đến “hộc máu” vì sự tuân thủ, rập khuôn theo chỉ đạo đến mức ngô nghê của Đình Tùng khi được quán triệt chiến thuật “không tiền đạo” ấy. Ngồi trên sân, BLV Quang Huy (VTC) cho biết “không thể hiểu nổi lối đá ấy”. Theo BLV Quang Huy thì để đạt được thành công thì Đình Tùng phải có các tố chất như Messi.

Còn nhớ, cách đây hai năm, ngay cả HLV Calisto cũng phải bất đắc dĩ chọn Thanh Bình đá cắm ở SEA Games 2009 dù Bình lúc đó đá rất tệ. Nhưng dù sao, việc dùng một tiền vệ cắm là phương án duy nhất dành cho các đội bóng dưới cơ trong bất cứ một trận đấu nào.

Thất bại của U23 Việt Nam là hợp lý vì sự gắn kết giữa BHL và các cầu thủ không đủ để có các điều chỉnh phù hợp với từng trận đấu. Nguyên nhân của vấn đề này đã phần nào sáng tỏ khi ông Goetz tuyên bố sau trận hòa trước Myanmar ở vòng đấu bảng: “Tôi chỉ có trách nhiệm huấn luyện các cầu thủ trên sân tập. Còn khi ra sân thì trách nhiệm thuộc về các cầu thủ”.

HLV Vương Tiến Dũng: Lối đá quá tự phát

“Kết quả trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Indonesia đã phản ánh đúng thế trận, năng lực của hai đội. Không phải đến bán kết, mà qua vòng bảng, chúng tôi đã cảm nhận được sự bất an.

So với U23 VN, U23 Malaysia và U23 Indonesia chơi chững chạc, bản lĩnh hơn nhiều. U23 VN chỉ dựa vào một vài cá nhân như Thành Lương, Văn Quyết, chứ lối đá còn tự phát.

Theo tôi, U23 Việt Nam thiếu nhất là 1 cặp tiền vệ trung tâm tốt, chứ không phải các vị trí khác. Trọng Hoàng trong trận gặp U23 Indonesia đá không tốt. Cũng không khó hiểu bởi Hoàng không phải một người có khả năng tổ chức, mà lại bị “ép” vào vai đó”.

HLV Lê Thụy Hải: Thua 2 bàn là còn ít

“U23 VN thua U23 Indonesia nhưng theo tôi đó là trận đấu hay nhất của họ kể từ đầu giải. Vấn đề là các cầu thủ đã không thực hiện và không đủ sức để thực hiện được đến cùng ý đồ chiến thuật của BHL, bị cuốn vào lối đá của đối phương trong một vài thời điểm nên phải trả giá. Nếu thủ môn Bửu Ngọc chơi không tốt, tôi e rằng còn thua nhiều hơn 2 bàn”.

HLV Nguyễn Thành Vinh: Thiếu cầu thủ giỏi

Trận đấu với Indonesia, các tuyển thủ cũng đã chơi với trên 100% sức lực, và đã thành công trong việc giảm sự hưng phấn của đối phương ở hiệp 1. Tuy nhiên sang hiệp 2, dù thể lực đã được cải thiện dưới thời HLV Goetz để đáp ứng được chiến thuật của vị HLV này nhưng cũng không đủ để U23 VN “theo đuổi” U23 Indonesia đến cùng.

Về cơ bản, bóng đá VN vẫn không tìm đâu ra một lứa cầu thủ như Văn Trương, Quốc Anh, Quốc Vượng, Văn Quyến, Công Vinh trước đây. Nên chăng trong tương lai, VFF cần quyết định không dùng ngoại binh ở giải hạng Nhất để các cầu thủ nội có cơ hội rèn luyện, trước khi lên chơi V.League, tạo thêm nhiều hạt nhân tốt cho các đội tuyển QG”.

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất