Thứ hai, 21/11/2011, 14:27 GMT+7

Tủi thân khi biết 'lương EVN chỉ có 7,3 triệu đồng'

"Ngành giáo dục đào tạo làm 10 năm lương cũng chỉ 3,1 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương cho đơn vị mình không?", bạn đọc của VnExpress.net băn khoăn.
> Sếp EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng
> 'Lỗ hơn 10.000 tỷ sẽ tính vào tăng giá điện'
> 'Năm 2012, riêng Hà Nội có thể phải cắt điện'

Sau khi VnExpress.net đăng tải bài viết "Sếp EVN đau lòng vì lương nhân viên 7,3 triệu đồng", hàng nghìn độc giả gửi ý kiến phản hồi. Rất nhiều người thuộc các ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... "choáng" vì mức lương trung bình của ngành điện vào năm 2009 đã lên tới 7,3 triệu đồng, gấp 3-4 lần nhiều lĩnh vực khác.

Là giảng viên một trường đại học, độc giả Lê Thành chia sẻ, bản thân anh cũng mơ ước mức lương mà "sếp EVN phải đau lòng" bởi làm 10 năm lương chỉ có 3,1 triệu đồng mỗi tháng. "Với mức lương như thế, liệu ai có thể dành toàn bộ thời gian của mình cho công tác giảng dạy, hay họ phải bươn trải để kiếm tiền nuôi con ăn học?" và bạn đọc này bổ sung thêm: "Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương xót cho ngành của mình không?".

Ảnh: Hoàng Lan
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh. Ảnh: Hoàng Lan.

Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Nguyễn Thị Mỹ Dung bộc bạch, lương dược sĩ đại học chưa tới 5 triệu, nhân viên công ty nước ngoài ngành dược chưa tới 6 triệu, lương công nhân chưa tới 3 triệu đồng mỗi tháng. "Trong khi đó lương 7,3 triệu là không đủ sống. Vậy những công nhân làm với mức lương đó làm sao họ sống được, không lẽ họ chết ?", chị Dung tâm tư.

Số đông đọc giả cho cho rằng, thời điểm năm 2009, khi giá cả chưa leo thang như hiện nay, thì mức lương 7,3 triệu là đáng mơ ước. Không ít người là công chức nhà nước chỉ có lương trên dưới 2 triệu đồng. Cán bộ tòa án vào nghề được 5- 10 năm, tính cả phụ cấp mới lên tới 3,19 triệu đồng. Còn bác sĩ, ra trường 10-25 năm có bằng thạc sĩ nhưng tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp ngành, tiền trực... cũng chỉ khoảng 4- 5 triệu đồng. Không ít trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, làm cho công ty vận tải quốc tế cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều bạn đọc ở thành thị thừa nhận mức lượng của họ dù thấp, chỉ bằng trên dưới một nửa nhà đèn nhưng "vẫn đủ nuôi vợ con và mẹ già ở thành thị". Do đó, số đông độc giả cho rằng, ngành điện cần tự xem và chỉnh đốn lại mình bởi so với mặt bằng chung của xã hội, đến nay, nhiều ngành vẫn không bắt kịp lương nhà đèn vào năm 2009.

"Một cán bộ cấp vụ sống ở Hà Nội, công tác gần 40 năm trong ngành, phấn đấu liên tục không mệt mỏi và có đủ các bằng cấp theo đúng chuẩn cấp vụ của Nhà nước quy định, mà mỗi tháng hiện thu nhập chưa được 6 triệu đồng", độc giả Trần Tiến Dũng chia sẻ.

Thậm chí bạn đọc Nguyễn Đoàn còn xin "cho tôi vô ngành điện với" và cam đoan "sẽ làm được những việc công nhân ngành điện đang làm". Độc giả này sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt, chỉ xin lương 6 triệu một tháng, thấp hơn mức lương 1,3 triệu đồng của nhà đèn cách đây 2 năm.

Độc giả Nguyên Kiệt cũng có ý định viết đơn xin gia nhập ngành điện và chấp nhận "sống khổ" như nhân viên EVN. Thậm chí độc giả này còn hài hước, khi nhà đèn tuyển người, chỉ cần thông báo rộng rãi chắc chắc sẽ "không đủ chỗ mà nhận hết vì sếp sẽ không cam tâm nhìn thêm cả trăm con người phải chịu mức lương thấp".

Tuy nhiên, việc cùng lúc thông báo khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và công khai mức lương của ngành điện nhiều bạn đọc bức xúc. Bạn đọc tên Dũng thắc mắc, EVN kêu lương nhân viên thấp, lỗ hàng nghìn tỷ đồng, vậy nguồn vốn ở đâu để đầu tư vào mảng viễn thông, bất động sản, ngân hàng? Trong khi lượng vốn đầu tư đó đổ vào đầu tư vào các dự án điện có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều việc kinh doanh thua lỗ của EVN Telecom.

Anh Dũng lo ngại khoản lỗ nặng nề và việc than mức lương của EVN thấp là việc dọn đường cho tăng giá điện. Nghịch lý ở chỗ, ngành điện độc quyền lấy vốn nhà nước để mở rộng các ngành nghề khác ngoài lĩnh vực của mình rồi kinh doanh thua lỗ lại đòi tăng giá. "Nếu cứ tăng giá điện để bù lỗ cho việc tăng lương cho nhân viên ngành điện, cho các dự án thua lỗ khác ngoài ngành thì có lẽ giá điện sẽ tăng mãi không ngừng", anh Dũng lo lắng.

Trong khi nhiều người không đồng tình với phát ngôn của EVN thì một số ít độc giả tỏ ra thông cảm. Độc giả Minh Anh cho rằng, người đọc không nên quá khắt khe, bởi phát ngôn của ông Thanh đứng trên góc độ một người lãnh đạo của ngành. Lãnh đạo phải dám đặt mục tiêu và không thể vì nhìn mức sống ở những nơi khác, ngành khác thấp hơn mà phải chấp nhận "ừ thôi, như thế là mình cũng tốt lắm rồi".

"Rất có thể mục tiêu của EVN đặt ra về thu nhập bình quân của họ mong muốn là cao hơn, nhưng khi không đạt được thì với vai trò một người lãnh đạo, một người quản lý sẽ cảm thấy buồn", Minh Anh nói.

Theo độc giả này, việc so sánh tương quan mức sống, mức thu nhập của toàn xã hội thì đó là trách nhiệm của các lãnh đạo cấp Nhà nước. Do đó, độc giả Minh Anh nhấn mạnh mỗi người hãy đặt mục tiêu và làm tốt vai trò, chức trách của mình, trong phạm vi của mình trước đã.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc với nick Vicem cho rằng mức lương 7,3 triệu là chưa đủ sống. Do đó, doanh nghiệp lo được cho nhân viên mức lương ấy nên được động viên. Tiêu chí "nguồn lao động giá rẻ" là lợi thế cạnh tranh quốc gia dẫn đến nhiều doanh trả lương thấp. "Cá nhân tôi, tôi muốn sống được bằng chính đồng lương của mình, chuyên tâm vào công việc của mình, toàn tâm toàn ý cho công việc. Vì mình biết, mình không phải lo từng bữa ăn", độc giả Vichem bộc bạch.

Ngày 19/11, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó". Theo lãnh đạo nhà đèn, đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì ổn, còn ở thành thị thì không thể sống được.

Hoàng Lan

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

Làm lãnh đạo phải có tầm nhìn

Đọc phát biểu của ông Thanh, tôi thấy rất buồn cười cho lãnh đạo 1 ngành chủ chốt của nền kinh tế. Cũng như những phát biểu trước đây của nhiều vị về ngành điện. Tôi xin có 1 số ý kiến sau: - Rất đồng tình với ý kiến phản ứng của nhiều độc giả về mức lương bq 7,3triệu đồng vào thời điểm 2009 của lãnh đạo "nhà đèn", cho là mức lương không đủ sống. - Việc lỗ trong KD, ngành điện phải tự chịu, không thể đưa vào giá thành và từ đó tăng giá điện để người dân chịu. Làm như vậy sẽ tạo tiền lệ rất nguy hiểm cho các ngành khác sẽ "lỗ" để được tăng giá! LD ngành điện và LD cơ quan quản lý quá xem thường dư luận và khách hàng. Họ đâu dễ dàng lĩnh hậu quả của việc quản lý kém! - Ngành điện kêu thiếu vốn, thì thử hỏi vốn ở đâu mà lại đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực chính, để rồi lỗ (EVN telecom...). Kêu giá điện thấp, lỗ sao nhiều doanh nghiệp tư nhân lập dự án xin làm thủy điện tràn lan? - Ngành điện nói giá điện thấp so với khu vực, các ông có nghĩ rằng lương nhân công ngành điện của nước ngoài là bao nhiêu/ tháng không? 1 yếu tố cấu thành giá điện, và còn bao yếu tố khác. Vậy mà nhiều nhà quản lý vẫn nói theo, ủng hộ cho lập luận này, cho đó là đúng...và cần phải tăng giá điện cho bằng trong khu vực? Mức sống và thu nhập của người dân trong khu vực như thế nào so với dân ta, các vị đã so chưa? Vì mục tiêu ổn định và phát triển của kinh tế vĩ mô, vì cuộc sống với thu nhập bé bỏng của đại đa số nhân dân hiện nay. Xin các vị đừng quá ấu trĩ vì lợi ích nhóm, hãy xem lại cung cách quản lý của mình ra sao, và hãy nhìn xa trông rộng đó là cái tầm của người lãnh đạo, của nhà quản lý!

( Lê Phương )

Đau lòng lương 7,3 triệu của EVN

Không hiểu ông Phạm Lê Thanh đau lòng cho CBCNV EVN vậy, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác luơng từ 1,5 triệu đến 4,0 triệu thì ông đau cái gì, Hỡi "người Lãnh đạo đáng kính" kia ơi!

( Niem vo )

Quá cao so với giáo viên và bộ đội

7,3triệu là còn khá cao so với giáo viên và bộ đội, một người học đại học quân đội ra đi làm phục vụ ngành quân đội 7 năm lương cũng chỉ 5triệu. trong khi đó làm kinh tế 1 kỹ sư điện bèo gì cũng 9 triệu .. thử hỏi cái nào bất công hơn.

( Nguyen thi thu dung )

LÀ LƯƠNG TRUNG BÌNH ĐẤY CÁC BẠN

Tôi cũng thật sự choáng, để ra được trung bình như vậy thì mặt bằng ngành điện rất cao, thế mà Ô tổng giám đốc chắc mức sống rất cao nên cho đấy là đau xót. Vậy thì Ô khinh các ngành khác chúng tôi quá lắm. Còn việc lỗ tại các Ô đầu tư không hiệu quả vào viễn thông và các lĩnh vực khác, bây bây giờ tăng giá điện bắt dân chúng tôi bù lỗ cho năng lực quản lý kém của các ông sao?????

( long vũ )

Tấm lòng của bác Thanh

Thật xúc động trước tấm lòng quảng đại của bác Thanh.
Hy vọng thời gian tới bác sẽ có biện pháp nâng lương lên gấp 3-4 lần nữa để nhân viên EVN đỡ phần nào tủi thân mỗi khi cuối tháng chỉ cầm 7,3 triệu trong thời đại bão giá ngày nay.

( T.Sơn )

Choáng !!!

Cái thứ nhất là giám đốc mà bây giờ mới biết lương nhân viên mình để rồi than trách tủi hờn. Cái thứ hai khi biết lương 7tr3/tháng mà thấy tủi thân thì chắc lương giám đốc EVN ít nhất cũng 73 triệu/ tháng. Đúng là 1 câu phát biểu shock và hài ...

( thái )

Buồn cười

Tôi không biết ông Thanh nói vậy là có ý gì nữa, có thể ông lo lắng cho cuộc sống của nhân viên mình, cũng có thể đúng như nhận định của anh Dũng, ông Thanh đang mở đường để tăng giá điện trong thời gian tới. Theo tôi được biết, lương giáo viên ở các tỉnh lẻ mới ra trường chỉ vào khoảng trên dưới 2 triệu/tháng. Họ cũng là con người, cũng phải sống, phải chi tiêu vào mọi thứ để phục vụ cho cuộc sống của mình và gia đình. Vậy, ông Thanh "đau lòng" về lương của nhân viên ngành điện thì ông Luận sẽ nói gì về lương giáo viên đây.

( Hoàng Nam )

Tăng lương nhưng không phải rút hầu bao của người nghèo hơn mình

Theo ông Phạm Lê Thanh cho hay, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng và chia sẻ "rất đau lòng khi thấy lương nhân viên chỉ có ngần đó" đây là cố gắng mà tất cả các lãnh đạo Nhà nước phải quan tâm. Nhưng theo tôi thì việc tăng lương phải do Nhà lãnh đạo có cách quản lý, kinh doanh hợp lý chứ không phải là lấy tiền của dân nghèo để tăng lương cho người giầu. Tại sao "Nhà đèn" không tìm cách giảm giá điện nhưng vẫn tăng được lương cho ngành mình.

( Dũng )

So bì không đúng rồi.

ngành điện ngưòi ta làm việc cả đêm ngày, trực tiếp đến an ninh năng lượng, và các nguy hiểm đến tính mạng nếu như có sự cố hoặc sơ suất, không thể so với các ngành khác được.

( hai )

Chia sẻ

Tôi cho rằng mức lương của nhân viên nghành điện như vậy là mức trung bình ở một thành phố vì nhân viên nghành điện họ không thể làm thêm để tăng thu nhập,họ phải đi trực ca kip, các độc giả không nên chỉ trích ngành điện như vậy,vì so sánh một số nghành khác tuy mức lương của họ có thấp hơn nhưng họ lại có " lậu ",tôi lấy ví dụ như là nghành giáo dục,lương của anh Thành có 3,1 triệu nhưng thử hỏi rằng anh có đi dạy thêm để tăng thu nhập không? mà kết quả của việc dạy thêm tràn lan như hiện nay thì các bạn biết rồi đấy, có những thầy cô giáo thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng ấy chứ,rồi lương của bác sỹ đâu phải chỉ có 4 đến 5 triệu mỗi tháng,mỗi lần họ kê đơn khám bệnh đều có phong bì ..v.v.. Cuối cùng thì theo tôi nghĩ chúng ta nên chia sẻ khó khăn với nghành điện.

( Vũ Huy Trường )

Thế thì các sếp ngành giáo dục phải nói gì đi chứ?

Với phát biểu của sếp tổng EVN, tôi nghĩ các bác lãnh đạo ngành giáo dục cũng phải có phát biểu gì chứ, ngành điện họ còn kêu đau lòng khi lương nhân viên ngành điện có 7,3 triệu một tháng thì những cô giáo, thầy giáo lương hơn 500 nghìn thì sao nhỉ? Càng đọc càng thấy buồn cho ngành giáo dục và một số ngành khác...

( Gia Khánh )

Lương thấp của ngành điện!!!!!!!

Trời!!! nếu họ nói ở thành thị họ không sống nổi với mức lương 7.3t. Vậy thử hỏi chúng tôi bằng Kỹ sư ĐH đi làm 4- 5 năm tại nhà nước lương chỉ bằng 1 nửa của nhân viên EVN thì chúng tôi có sống nổi tại thành thị ko? Hay là tất cả chuyển về nông thôn làm để sống ổn. Nực cười. Từ xăng dầu kêu lỗ bây giờ đến nhà điện. Vậy chỉ tội cho những người còng lưng ra làm mà thôi.

( heo con )

Gửi ông Phan Lê Thanh!

Thưa ông Phạm Lê Thanh, tôi là một cán bộ công chức của một tập đoàn cũng có tên tuổi không thua kém tập đoàn EVN có mức đóng thuế thu nhập cao nhất nước năm 2011, tôi đã công tác được 17 năm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhưng hiện nay tổng thu nhập của tôi chỉ là 4triệu/tháng. Nay, nghe lương bình quân của tập đoàn EVN là 7,3 triệu đồng/tháng tôi ước gì sau một đêm ngủ dậy trở thành người của tập đoàn này.
Tôi nghĩ trong chương trình Gặp nhau cuối năm 2011, tên tuổi của ông sẽ được đi vào kịch bản của giáo sư Cù Trọng Xoay.

( Trần Thị Thủy Tiên )

các bác chém gió dữ quá

Tôi nghĩ sếp ngành điện nói vậy chẳng có gì sai cả. mấy vị bạn đọc gì đó nói lương bác sĩ ra trương 10-25 năm có bằng thạc sĩ cộng cả phụ cấp tiền trực. tiền tăng ca .... mới có 4 - 5 tr/ tháng thì có chém gió quá không ? hay năng lực của bác chỉ đủ để mổ con gà mới nhận lương thấp như vậy. hay bác nhận lương thì thấp nhưng lậu của bác thì nhiều. tôi chưa thấy vị bác sĩ nào có trình độ 10-25 năm và là thạc sĩ mà nghèo cả toàn xe hơi rồi nhà lầu không... chắc là mờ ám rồi...

( lã quang lâm )

Cho tôi một công việc trong nghành điện lực

Nghe ông Phạm Lê Thanh nói tôi thật buồn, tôi tốt nghiệp trường đại học kinh tế TP.HCM năm 2002 làm việc cho một công ty gần 10 năm nay mà lương mới chỉ 5,1 triệu, quả thật vừa đi thuê nhà hiện tại tôi sống rất chật vật tại TP. HCM, Phạm Lê Thanh ơi tôi mong sếp nào cũng có suy nghĩ như ông quan tâm tới đời sống của nhân viên.

( Phan Tiến Quốc )

Tội nghiệp ngành điện lực quá

Ba tôi làm hiệu trưởng tiều học quận 4, 1 tháng lương khoảng 5tr, làm mấy chục năm chưa mua nổi cái xe máy. thảm cho ngành giáo dục quá

( LDT )

"Điệp khúc LỖ"

Phát biểu này quen lắm !!!
Đến trụ sở EVN HCM mà coi ... để thấy hết sự đồ sộ !

( Huynh Thuy )

không chấp nhận được

Ngành điện lực cũng như các ngành khác nhưng xét về mặt phát triển xã hội bền vững thì phải là ngành Giáo dục, xã Hội có phát triển hay không là ở chính con người mà con người do giáo dục chiếm 95%. Chính vì thế chính phủ phải xem xét lại khi mức lương trung bình của nhân viên điện lực lại cao hơn gấp 3 lần lương trung bình của giáo viên bình thường, còn một số ngành quan trọng khác...

( Phạm Duy Hiển )

qua thuong nganh dien

Nhin anh ong tong giam doc tap doan dien luc VN Pham Le Thanh , chac hang thang thu nhap cua ong ta ngoai luong qua muc khung nen ong ta dau long cho linh cua EVN . Chac ong ta ko nghi la nhung nguoi cong nhan nhu chung toi , luong chua den 2 trieu dong lam sao song day. EVN ma tang dien nua , dan den song sao noi day . Chac khi do chi keu troi moi thau ha .

( Le thi nga )

Mức lương 7,3tr tại HN

Mình thật thấy làm ngưỡng mộ mức lương của cán bộ công nhân viên ngành điện. Với mức 7,3tr mà họ còn không sống nổi tại HN thì tôi không hình dung nổi hàng triệu người khác đang sống tại HN sẽ phải sống ra khi thu nhập chỉ khoảng 3 - 5tr. Rất nhiều cán bộ cty tôi đang nằm mơ với mức lương như vậy. Trung bình hiện tại lương tại HN 5tr/tháng mà rất rất nhiều gia đình vẫn đang sống hạnh phúc với mức lương như vậy

( Bear )

1, 2

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site

Tra cứu cổ phiếu

  • Diễn biến thị trường
  • HOSE
  • HNX

Thay đổi: -0.48-0.13%

Thay đổi từ đầu năm: -26.67%

Tổng KLGD: 21,177,179(cp)

Tổng GTGD: 325(tỷ)

Thay đổi: -0.5-0.8%

Thay đổi từ đầu năm: -65.7%

Tổng KLGD: 18,044,710(cp)

Tổng GTGD: 161(tỷ)

Detail
    • HOSE

    • HNX

    •  
    • Mã CK

    •  
    • TC

    •  
      • Khớp lệnh
      •  
      • Giá
      •  
      • KL
    •  
    • +/-

    •  
    •  
    •  
    •  
    • (Bấm vào nội dung bảng để xem chi tiết)

    •  
  •  
Vinaphone
Năm 2010 Năm 2010 Năm 2010
Năm 2009
 
 
 
 
Lien he quang cao