Vụ án Lê Văn Luyện, nên quên để tha thứ (Kỳ 1)

21-11-2011 | 09:26

(Nguoiduatin.vn) - Vụ án Lê Văn Luyện rõ ràng là tiếng chuông báo động cho thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Ngay sau vụ án xảy ra, trên khắp các phương tiện truyền thông tràn ngập các thông tin mô tả hành vi "hạ thủ bất lưu tình" của Luyện. Bài viết của luật sư Ngô Ngọc Trai.

 Đối với nhiều người, vụ án đã tạo nên một cảm giác hẫng hụt về lương tri con người. Qua cái cách mà vụ án được truyền tải đưa tin, phảng phất đâu đó những nét bất ổn, cho thấy xã hội còn lúng túng trong sự phản ứng trước một tội ác xảy ra trong lòng xã hội.

Theo LS Ngô Ngọc Trai, hãy quên vụ án Luyện đi, để tha thứ.

Thời điểm này, thông tin về vụ án đã bão hòa trầm lắng, người viết bài này nhắc lại cái tên Lê Văn Luyện không nhằm để gợi nhớ đến một tội ác, chúng ta nên quên đi, quên để tha thứ. Điều người viết mong muốn là thông qua vụ án được đông đảo quần chúng quan tâm, chúng ta cùng bình tâm xem xét lại một số vấn đề quan trọng để có cơ sở xử lý các vụ việc về sau. Bởi lẽ đằng sau mỗi vụ việc cụ thể luôn chứa đựng những vấn đề mang tính lý luận, nguyên tắc ảnh hưởng chi phối đến.

Sẽ còn xảy ra những vụ phạm tội giết người

Đồng ý rằng Lê Văn Luyện là một đứa lưu manh hư hỏng, nhưng cần hiểu đó là hệ quả của lối sống chứ sự bất lương không phải là đặc tính cố hữu của bản chất con người. Tâm tánh Luyện khi mới sinh ra cũng giống như tất cả mọi người khác đều trong sáng như một tờ giấy trắng, nhưng rồi thời gian cuộc sống đã tô vẽ lên đó những điều hay dở. Hành vi phạm tội của Luyện là kết quả kết hợp giữa sự ngu dốt và bản năng dục vọng không được kiềm chế.

Xét từ gốc rễ bản chất, tội phạm là một hiện tượng tất yếu có nguyên nhân từ chính bản chất khiếm khuyết của con người. Con người là thực thể có trí thông minh nhưng không phải là không thể mắc sai lầm (con người không phải thánh thần). Con người lại có bản năng dục vọng thúc giục lôi kéo, không thể nào từ bỏ được. Bởi lẽ đó một người có thể dốt nát, nhầm lẫn (vô ý) hoặc bị dục vọng lôi kéo (cố ý) vi phạm pháp luật, xâm phạm tới người khác.

Xuất phát từ bản chất con người như thế nên ngay khi luật pháp được ban hành đã chứa đựng nguy cơ của sự vi phạm luật pháp. Nói cách khác tội phạm là một hiện tượng tất yếu, khi có pháp luật đồng nghĩa với có tội phạm. Bởi lẽ đó sẽ là không tưởng nếu chúng ta mong muốn trong xã hội không có tội phạm. Chúng ta chỉ nên mong muốn - và chúng ta có thể - hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng vi phạm pháp luật. Thông qua giáo dục và văn hóa, chúng ta uốn nắn dục vọng của con người, định hướng con người phát triển theo chiều hướng tôn trọng các chuẩn mực giá trị được đông đảo thừa nhận.

Do vậy, vẫn còn nguy cơ xảy ra những vụ như Luyện nhưng chúng ta không cần hoảng hốt. Chúng ta không được sợ hãi và hãy tỉnh táo nhìn nhận rằng, xét cho cùng thì tội ác dù có ghê rợn đến mấy cũng chỉ là sự lưu giữ, khơi dậy, bộc lộ và phát tác bản năng dục vọng của tiên tổ loài người. Chẳng phải là sự giết chóc, cướp đoạt là điều hết sức phổ biến khi con người ở trong tình trạng thiên nhiên, hỗn mang, chưa có luật pháp hay sao? Đó là một phần của tự nhiên và do khi đó dục vọng không được kiềm chế.

Tội phạm là những kẻ bị ảnh hưởng nhiều bởi dục vọng bản năng, để giảm thiểu tội phạm chúng ta cần giáo dục con người hoạt động theo các chuẩn mực giá trị. Ngoài ra chúng ta cần thường xuyên minh chứng rõ ràng cho luật pháp nghiêm minh. Thông qua mỗi vụ việc cụ thể, chúng ta không ngừng gửi gắm một thông điệp niềm tin tới những kẻ manh nha có ý định phạm tội rằng, không một kẻ phạm tội ác nào mà không nhận lãnh sự trừng phạt. Nơi nào có ác quỷ nơi đó có thiên thần và tử thần.

Báo chí và trách nhiệm đưa tin

Các nhà báo đã bám sát quá trình điều tra và mỗi một thông tin mới đều được đăng tải thu hút sự chú ý của bạn đọc. Người viết còn nhớ, đến cả thông tin về chiếc xe ô tô của công an đưa Luyện từ Lạng Sơn về Bắc Giang cũng được báo chí chú ý. Ở phương diện người làm báo thì đó là hoạt động thường xuyên đương nhiên. Nhưng ở góc độ quản lý xã hội, ngăn ngừa tội phạm thì việc đưa tin cũng cần phải được đánh giá khoa học về cách thức đưa tin và liều lượng thông tin.

Việc báo chí đưa tin phản ánh về các vụ phạm tội dựa trên một ý niệm căn bản có mục đích tốt đẹp là nêu lên những cái xấu trong xã hội để mọi người biết, đấu tranh và tránh, ngăn ngừa tội phạm. Nhưng việc làm tốt nếu không đến nơi đến chốn sẽ chỉ gây hại, khi đó mục đích tốt đã không đạt được lại đem đến hệ quả ngược là bào mòn các giá trị, hao hụt niềm tin, gây hoang mang nơi quần chúng. (Còn tiếp)

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long, địa chỉ: Phòng 3012  Tầng 3  Toà nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 -  Hotline: 0903. 255 339 - Email: [email protected]  - Website: http://klc.vn.

Tags: Lê Văn Luyện, vụ án, nhà báo, phạm tội, báo chí, đua tin



Bình luận bạn đọc

Họ tên
Email
Mã bảo vệLấy lại
Nội dung