Quốc nạn
Trong báo cáo, ông Đinh La Thăng thừa nhận, tai nạn, ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi bức xúc, thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra "đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu".
Theo đó, trong 10 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.265 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm được 181 vụ (1,61%), giảm 118 người bị chết (1,26%).
Tính bình quân từ 2007 đến nay, mỗi năm có gần 12.00 người chết, tương đương 75,55% số người chết do thảm họa sóng thần và động đất ở Nhật Bản tháng 3/2011.
Tình hình đặc biệt tiêu cực ở hai thành phố lớn, do áp lực dân số.
Tại Hà Nội, hầu hết các nút giao thông khu vực nội thành và đường vào trung tâm thành phố đều vượt quá khả năng thông xe. Năm 2010 có đến 124 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc. Còn ở TP.HCM, năm 2010 xảy ra tới 54 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Xử không nghiêm
Hàng loạt nguyên nhân được nhận diện, chẳng hạn, tai nạn một phần do công tác quản lý nhà nước còn thiếu sót, chưa quyết liệt. Ý thức chấp hành pháp luật của dân còn rất kém, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia diễn ra phổ biến.
Cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội. So với năm 2003, số ô tô tăng gấp 2,75 lần, xe máy tăng 2,96 lần.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kỳ vọng giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Ảnh: Minh Thăng |
Chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Với hai thành phố lớn, tình trạng ùn tắc kéo dài một phần do việc triển khai di dời các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện ra khỏi trung tâm chưa thực hiện, thậm chí còn tiếp tục cho phép mở rộng. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông vận tải còn quá thấp (hiện tại chỉ chiếm khoảng 6 - 7% diện tích đất đô thị).
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân; tình trạng sử dụng đường phố, vỉa hè làm điểm đỗ vẫn rất phổ biến và gây cản trở giao thông.
Giảm từ 5% đến 10% số người chết
Mục tiêu sắp tới, theo Bộ trưởng, là giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm. Giảm thiểu các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Về lâu dài, theo ông Thăng, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải...
Đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trọng yếu, mở rộng tuyến quốc lộ 1 đủ để tổ chức giao thông một chiều và tách làn ô tô, xe máy; đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam. Đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị. Xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh...
Một số giải pháp cấp bách là quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức. Tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép. Xử phạt cao nhất các hành vi vi phạm điều khiển phương tiện. Nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện xe cơ giới.
Để đẩy lùi ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Chính phủ sẽ ráo riết tập trung quy hoạch các khu đô thị phải đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ từ 16% đến 26%. Di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, dừng ngay việc đầu tư mở rộng các bệnh viện trong ở trung tâm. Phát triển giao thông công cộng; xây dựng và thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Giải pháp cấp bách, theo ông Thăng là sẽ lập lại trật tự, kỷ cương đường phố: giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông. Bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng: học tập, làm việc, kinh doanh.
Theo chương trình nghị sự, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 23/11. |