Những khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011 trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, được truyền hình trực tiếp vào sáng 24/11, đã làm không ít người dân trên cả nước cảm thấy "nức lòng" và thầm reo "Hoan hô" ngài Bộ trưởng và sự tuyệt vời của ngành Giáo dục!?.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 24/11. |
Trong buổi chất vấn, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nêu, kết quả tốt nghiệp năm qua đạt 95,72% với hàng trăm trường 100%. Dư luận lo ngại chất lượng và việc coi thi, chấm thi có vấn đề. Hiện tượng không bình thường khác là kết quả môn thi lịch sử quá thấp, ngoài nguyên nhân do chương trình, cách dạy, cách học, còn có lý do từ kiểm định chất lượng, cử tri nói đề thi và đáp án môn lịch sử là có vấn đề?
Bộ trưởng Luận cho rằng, "chúng tôi cũng đặt câu hỏi về vấn đề trên". Nhưng qua kiểm tra, thanh tra, Bộ cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp về cơ bản phù hợp kết quả bài thi trong điều kiện thi nghiêm túc hơn các năm trước.
Về môn lịch sử, ông Luận nói, Bộ cũng đã chỉ đạo thay đổi phương pháp học tập nhưng có thể thầy và trò đều chưa quen nên thay đổi chưa theo kịp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải ngắt lời: "Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy có phản ánh thực chất không vì mới sau 1 năm mà lại cao lên như thế? Còn chuyện lịch sử có phải chất lượng học thấp nên kết quả thi thấp. Đề nghị Bộ trưởng khẳng định thì từ đó mới đổi mới căn bản và toàn diện được. Bộ trưởng phải cố gắng đi thẳng vấn đề".
Bộ trưởng Luận đáp lời: Chúng tôi thấy kết quả thi và chấm thi có vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cắt ngang: "Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp"?.
Không chút ngập ngừng, Bộ trưởng Luận nói luôn rằng kết quả kiểm tra thấy rằng việc đỗ tỉ lệ cao đó là phù hợp với thực tiễn, bởi có trường, tỉ lệ đỗ ĐH cũng gần 100%.
Theo ông, chất lượng thi cử tăng lên là kết quả của việc đầu tư cho kiên cố hóa trường học, công vụ, tăng chuẩn giáo viên, vận động giải quyết học sinh yếu kém bằng nhiều biện pháp khác nhau với các phong trào 3 đủ, 2 không.
Nếu theo lập luận này của ông Luận, thì đúng là phải hoan hô ông Bộ trưởng và ngành giáo dục nhiều lần. Chúng ta đang có một nền giáo dục đáng mơ ước, dù trước đó ông đã khẳng định còn có yếu kém trong giáo dục.
Tỉ lệ tốt nghiệp gần 100% phản ánh đúng học lực của học sinh như ông Luận nói thì chắc chắn những câu chuyện sau đây chỉ là trò hề được báo chí và dư luận phản ánh sai hoàn toàn:
Nạn phao thi bay trắng sân trường sau mỗi buổi thi, cũng chỉ là chuyện đùa mà thôi. Chắc học sinh mang phao đi chỉ để tung ra sân trường cho đẹp, chứ đâu có dùng để quay cóp vì thực học chắc chắn rồi!!!
Những hiện tượng như giáo viên coi thi đọc cho học trò chép mà báo chí và dư luận đã lên án sục sôi, chắc cũng là chuyện bịa đặt để cho người đọc giải trí vui vẻ?
Chuyện hàng ngàn bài thi bị điểm không môn lịch sử mà trước đó Bộ trưởng nói là bình thường do cách ra đề có vấn đề, thực ra cũng là bình thường thôi, thực học các em vững rồi, vài ngàn điểm không chỉ là sự cố nho nhỏ. Cũng chẳng có chuyện các em hiểu sử Tàu hơn sử ta đâu, vì ngành giáo dục cũng đã dạy tốt.
|
Thí sinh dự thi tại trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) trao đổi "phao" thi trước giờ vào thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. |
|
Hai thí sinh chuẩn bị phao thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 tại Hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). |
Giáo dục thường xuyên "ngang ngửa" hệ THPT Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng cho rằng tỷ lệ độ 100% chủ yếu là ở các trường chuẩn, trường chuyên của các tỉnh nhưng có lẽ Bộ trưởng đã quên hay "cố tình" quên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2011 của nhiều tỉnh như Quảng Trị, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ Giáo dục thường xuyên cao “ngang ngửa” với hệ THPT.
|
Gọi thí sinh vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2011. |
Thậm chí ở Bắc Giang, hệ Giáo dục thường xuyên có tỷ lệ đỗ “vượt xa” rất nhiều so với hệ THPT. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 99,37% nhưng vẫn không “thấm tháp” gì vì hệ Giáo dục thường xuyênlên đến 99,63%.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của hệ Giáo dục thường xuyên tăng khá cao từ 5-30%, có nới tăng đột biến từ 40 - 50% so với năm học 2009 - 2010.
Lai Châu là tỉnh “đặc biệt” khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT giảm 0,2% còn hệ Giáo dục thường xuyên tăng cao đến gần 30%. Việc “tăng vọt” ở cả hai hệ, nhất là Giáo dục thường xuyên, cũng phổ biến ở các tỉnh miền núi khác như: Bắc Cạn, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên…
Có phải chất lượng giáo dục - đào tạo của trường và khả năng học tập của học sinh hệ Giáo dục thường xuyên đang cao hơn? Hay đây có phải là một hiện thực “đáng ngại”, thể hiện sự “chạy đua” theo căn bệnh thành tích, phản ánh sự yếu kém trong khâu quản lý, tổ chức thi, khẳng định nạn tiêu cực trong thi cử còn đang diễn ra phổ biến ở những địa phương này? thưa Bộ trưởng.
Cần lắm sự thẳng thắn, bắt "đúng bệnh" của Tư lệnh!
Giáo dục là ngành đóng vai trò quan trọng trọng việc bồi dưỡng trí tuệ cho con người hay đây chính là ngành đào tạo "người tài, người giỏi, người có trình độ" cho đất nước, dân tộc. Đã là ngành đào tạo, bồi dưỡng thì vấn đề chất lượng đào tạo, thi cử để đánh giá, tuyển chọn phải luôn được coi trọng, đạt lên hàng đầu thay vì những con số chỉ mang tính thành tích phù phiếm.
Với trách nhiệm là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng cũng đã có nhận những trách nhiệm xung quanh một số vấn đề còn tồn tại trong Giáo dục về mình. Nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải 2 lần đề nghị vị Tư lệnh ngành Giáo dục cần trả lời thẳng, khẳng định vào vấn đề các đại biểu hỏi?. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Chủ tọa cũng đã phải xin dành thêm 30 phút để Bộ trưởng nỗ lực trả lời cụ thể các vấn đề.
Sự thẳng thắn, bắt "đúng bệnh" để giải quyết có lẽ vẫn đang là yếu tố cần thêm ở vị Tư lệnh ngành này!