Đừng cười! Đi học cũng có chuyện "may - rủi" đó!

Thứ bảy 26/11/2011 09:30
(GDVN) - Trong cuộc giao lưu với độc giả GDVN, các chuyên gia cho rằng, chúng ta vẫn chưa có chuyện thực học. Nền giáo dục vẫn mang tính may - rủi.

"Thực học" chỉ có thật khi không học thì không thể sống đựơc

Đình Hậu ([email protected])

- Kính thưa Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Giáo sư có bao giờ nghĩ, mình luôn là một "gánh nặng" lên vai những đứa con của mình. Bởi khi người con sinh ra, cha mình là một người tài giỏi, vậy con cái phải học làm sao để giỏi đựơc như cha?

GS Hồ Ngọc Đại: Tôi không bao giờ có sức ép nào lên con  mình. Trong hoàn cảnh gia đình tôi, với những đứa trẻ khác có thể rất đặc biệt nhưng với con tôi thì không. Nó không để ý đến điều đó và nó không bị sức ép từ điều đó.

Thậm chí, nó rất ngại những cái gì có tính chất ưu tiên, ví dụ: Hồi nhỏ, ông ngoại cho xe đưa đi học nhưng nó không chịu. Nếu trời mưa buộc phải đi thì xe  của ông ngoại thì xe phải dừng đỗ cách rất xa trường học, để các bạn không ai nhìn thấy…

Hồi con tôi còn nhỏ, tôi rất bận rộn. Mẹ cháu có nói một điều: “Có một đứa con thôi mà anh cũng không chăm sóc, dạy dỗ được nó”. Tôi bảo: “Tôi lo cho hàng vạn, hàng triệu đứa trẻ như nó chứ đâu phải một mình nó…”

Lê Thị Hợp (Hà Đông, Hà Nội)

- Thưa PGS Hiền, tôi thấy hiện nay, báo chí đang lên án chuyện các bậc phụ huynh "chạy đua" cho con đi học thêm quá nhiều. Vậy không biết ngày xưâ GS Ngô Bảo Châu có đi học thêm không? Ở góc độ một người mẹ, một nhà giáo, bà nhìn nhận việc dạy và học thêm thế nào?


PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền:
Khi Châu học cấp 1 và cấp 2 ở nước mình chưa có phong trào học thêm. Chỉ đến khi Châu học chuyên Toán thì Châu có học thêm về Toán. Nhân chuyện này tôi nghĩ nhiều đến tình thầy trò của những ngày trước. Các thầy đến tận nhà dạy Châu với một niềm vui là gặp được một học sinh giỏi và ham học. Trong thành công của Châu, Châu và gia đình chúng tôi nhớ đến các công lao của các thầy trước tiên. Tôi nghĩ việc học thêm hiện nay cũng chưa hẳn là chuyện tiêu cực. Học sinh cũng cần được hiểu kỹ càng hơn, rộng hơn những kiến thức đã học được trong những giờ chính khóa.

Hiện nay các con của Châu vẫn đi học thêm tiếng Anh, đặc biệt là dành nhiều thời gian để học đàn. Việc học thêm văn hóa, âm nhạc sẽ giúp giảm tải những nặng nề của việc học tập, và làm cho cuộc sống của các bạn trẻ có ý nghĩa hơn. Một người thầy của tôi đã cho tôi điểm rất cao trong kỳ thi nghiên cứu sinh khi biết trước khi học dược tôi đã học trường nhạc. Thầy bảo tôi: “Học nhạc sẽ giúp mình sống có văn hóa hơn”.

Vâ Hiền (24 tuổi, Yên Bái)

- Chào PGS Vân Hiền. Trong một bài báo, bà từng tâm sự, đã có những lúc sợ GS Châu học toán nhiều quá dẫn đến... lẩn thẩn. Vậy những lúc con học nhiều quá, bà có ngăn lại không?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi đã có dịp gặp một số người nổi tiếng rồi trở thành người không bình thường. Nhất là những người làm toán. Là người mẹ tôi quan tâm nhiều đến sức khỏe của Châu. Khi có dịp nói chuyện điện thoại với Châu, bố của Châu thường hỏi: “Châu có làm thêm được bài toán nào nữa không?”. Còn tôi chỉ hỏi: “Con có khỏe không?”. Và thường nhắc Châu dành thời gian đưa các cháu đi nghỉ. Châu cũng thường nói rằng, chính gia đình với các bé gái nhỏ giúp Châu cần bằng lại cuộc sống.

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền

Nguyễn Hoàng Long (30 tuổi, Nghệ An)

- Hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường chưa tìm được việc làm thì dành thời gian đó học thạc sĩ. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không lý giải được vì sao lại học Thạc sĩ, mà chỉ trả lời đơn giản: Đằng nào cũng phải học. Như vậy là họ học mà không có mục đích rõ ràng. GS có lời khuyên gì cho họ?


GS Hồ Ngọc Đại: Đó là một giải pháp có thể chấp nhận được theo nguyên tắc: Chọn lấy cái ít tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ. Giải pháp ấy tương đối phổ biến trong xã hội hiện đại, trong những tư tưởng giáo dục đương thời vốn từ xưa để lại, tuy đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại một thời gian khá dài nữa, nói rõ hơn là khi nào việc học chưa trở thành việc thực học và khi nào việc thực học chưa mang lại những lợi ích thực tế.

Thử xem những vị tiến sỹ có bia ở Văn miếu đã làm ra được những lợi ích gì thiết thực cho đất nước, cho đời sống của đại đa số nhân dân? Nhưng hồi đó, người ta vẫn tôn trọng những người “văn chương chữ nghĩa bề bề…”.

Ngày nay, người đời ngày càng tôn trọng việc “thực học” vì cuộc sống thực trần gian. Cần phải có thêm thời gian nữa, cũng nhanh thôi. Việc thực học chỉ thực sự có thật khi nào không học thì không thể sống như mình mong muốn trong cuộc sống thực hằng ngày. Những người đi đầu trong việc này là những người đi “học nghề”: kể cả nghề làm báo, không học thì không thể làm được hoặc làm không bằng người ta.

Trẻ từ 6 – 12 tuổi nên hưởng nền giáo dục thuần Việt

Hiền Nhi (Tứ Liên, Hà Nội)

- Giáo sư có nghĩ rằng sẽ cho con vào học trường quốc tế thì con sẽ được phát triển về tư duy tốt hơn không? Vì cách dạy học của nhà trường mình bây giờ vẫn theo lối thụ động, thầy đọc trò chép? (Bảo Anh, Ô chợ Dừa, Đống Đa).

GS. Hồ Ngọc Đại: “Trong giáo dục, phải vì lợi ích của trẻ con, đó là nguyên tắc cao nhất. Tôi đã từng mở trường quốc tế đầu tiên ở Hà Nội, cốt để biết người ta làm gì, làm như thế nào. Do đó, tôi biết cái gì tốt, cái gì không tốt lắm đối với trẻ em Việt Nam.

Với tiểu học (6-12 tuổi), trẻ em Việt Nam nên hưởng một “nền giáo dục Việt Nam chính thống” (có khi tôi gọi đó là nền giáo dục thuần Việt). Từ 13 tuổi trở đi, do sự phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, cần tạo điều kiện cho các em giao lưu rộng rãi hơn, đa dạng hơn, thậm chí chứa nhiều nhân tố mâu thuẫn nhau như bản thân cuộc sống thật của em. Lúc ấy, trường Quốc tế có thể có ích cho em.

GS Hồ Ngọc Đại

Lan Anh ([email protected])

- Kính thưa GS Nguyễn Lân Dũng. Có thể thấy lượng kiến thức ở bậc tiểu học và trung học cơ sở hiện nay là quá nhiều đối với một học sinh, đó là một áp lực rất lớn với những đứa trẻ mới lớn. Vậy GS có nghĩ đây là nguyên nhân trực tiếp  dẫn tới những tính cách thất thường của trẻ như có lúc buồn, cãi lại lời cha mẹ, hoặc có những biểu hiện của bệnh trầm cảm?


GS. NGND Nguyễn Lân Dũng:
Đáng buồn là trẻ em Việt Nam đang phải học với nội dung vừa quá nặng nhưng lại vừa quá thấp. Lớp 11 và lớp 12 mỗi em phải học tới 13 môn, trong khi, ở Nepan chỉ học có 4 môn.

Thế hệ chúng tôi và GS. Đại chỉ học có 9 năm nhưng chúng tôi đều trưởng thành. Trường học không phải nhồi nhét kiến thức mà chỉ cần cung cấp những hiểu biết cơ bản giúp ích cho việc tự học. Quan trọng hơn là bồi dưỡng cho học sinh ham sống, biết sống và đủ sức tự nâng cao kiến thức khi vào đời hoặc học lên các bậc cao hơn.

Chính vì vậy, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu rất bức xúc hiện nay. Cần làm ngay, không nên chậm chễ. Nhưng đã đổi thì phải thỏa đáng, nghĩa là có thể dùng ổn định nhiều năm mà vẫn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, cũng như thích hợp với hoàn cảnh nước ta.

Tôi thấy không có lý do gì phải đợi đến 2015. Sau đó, còn phải đổi sách giáo khoa và thí điểm giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới, thế thì quá lâu.

Đừng để trẻ em... sợ đến lớp!

Chúng ta đang hưởng một nền giáo dục may rủi!

Tuấn Linh (Đội Cấn, HN)

- Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, GS có ý kiến gì khi bố mẹ bây giờ đều chạy trường chọn, lớp chọn cho con từ khi con vào lớp 1? (Lan Hương, Hoàng Cầu, Hà Nội).

GS. Hồ Ngọc Đại: Điều đó chỉ chứng tỏ một nền giáo dục còn dựa vào “may rủi”, dựa vào những đặc điểm riêng biệt, như: nông dân dựa vào các thửa ruộng.

Trẻ em hiện đại sinh ra đã có đến 99,9% số gen giống nhau (trời cho tất cả các em một bộ óc như nhau). Vậy thì nền giáo dục hiện đại phải tạo điều kiện cho tất cả các em được hưởng một nền giáo dục giống nhau. Điều đó hiện nay còn chưa có. Các trường còn chênh lệch nhau quá lớn, chủ yếu dựa trên nội dung và phương pháp giáo dục cũ, tùy thuộc vào những đặc điểm riêng lẻ của nhà trường và thầy giáo.

Trẻ em may thì gặp thầy này, trường này, trẻ em khác không may thì…

Học trường nào cũng được, học thầy nào cũng được. Đó là điều kiện tối thiểu của nền giáo dục hiện đại, một nền giáo dục cho cả 100% trẻ em, không  phân biệt nguồn gốc xuất thân hay nơi sinh sống.

Trên thực tế, đã có phương pháp như vậy, có những trường như vậy, không những ở Hà Nội mà hiện nay đã có thật ở ở 16 tỉnh dọc biên giới nước ta, dành cho trẻ em khó khăn nhất về điều kiện vật chất, sinh sống.

Tôi đã đến tận lớp học sinh đang học ở Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Kom Tum, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau… Ở đó, tất cả các em học sinh dân tộc thiểu số (có em bố mẹ còn chưa nói được tiếng Việt) học môn Tiếng Việt lớp 1 theo phương án Công nghệ giáo dục, từng bị Nghị quyết 40 của Quốc hội loại bỏ năm 2001.

Lưu Ly (Đống Đa, Hà Nội)

- Cháu nghe nói GS Hồ Ngọc Đại có một trường học với phương pháp dạy mới, nhưng nhiều thông tin quá nên cũng mông lung. Xin Giáo sư nói ngắn gọn vài câu về phương pháp dạy mới của mình để người khác hiểu, kiểu như một slogan ấy ạ! (Phí Huyền Nga, Văn Lâm, Hưng Yên).

GS. Hồ Ngọc Đại: Phương pháp của tôi dành cho từng học sinh một (chứ không phải cho cả lớp) sao cho ai cũng như ai đều học được, học gì được đấy, học đâu chắc đấy để cho mỗi người tự trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình.

Phạm Hùng - phóng viên


Tôi là Phóng viên, tôi đã từng phỏng vấn GS Vũ Hà Văn tại Hội nghị  Trí tuệ nhân tạoPRICAI 2009 : “ Anh có ý định trở về VN cống hiến hay ko?” thì được GS Văn trả lời: “ Tôi luôn khát khao về VN công tác cống hiên nhưng môi trường và cơ sở vật chất không đảm bảo cho tôi thực hiện các dự định khoa học của mình”. Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng nước mình thiếu thốn về phương tiện nghiên cứu khoa học đến thế không ? Và xin hỏi Nhà thơ Vũ Quần Phương, ông có định hướng cho con mình về nước công tác và cống hiến hay ko?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi biết con trai tôi có ý định về nước khi khoảng 50 tuổi. Vì khi ấy Văn chỉ phải đứng lớp thời gian ngắn và cũng vì tuổi lớn nhu cầu "cố quốc" cũng lớn theo. Tôi nghĩ việc đó thì Văn làm được. Nhưng để về làm chính thức hòan toàn thì Văn cần một môi trường làm việc hợp lí đảm bảo sự tìm tòi sáng tạo của từng nhà khoa học được phát huy. Tôi cũng rất mong được sống gần bên các con cháu của mình.

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đảng và Nhà nước đã xác định Giáo dục và khoa học là Quốc sách hàng đầu. Quốc hội đã dành cho sự nghiệp phát triển khoa học tới 600 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo tôi, việc phân bổ số kinh phí này còn quá tràn lan. Do đó, đem lại hiệu quả chưa lớn lắm. Tại nhiều nước tôi đã đi qua các Viện nghiên cứu thường đều nằm trong các trường Đại học. Làm như vậy sinh viên có điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học vẫn có thể vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy. Ta còn nghèo mà lại tách rời Viện với Trường thì thật là vô lý.

Hơn nữa, các nước coi rất trọng khoa học cơ bản vì đó là xương sống của cả nền khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, tại các trường dạy học khoa học cơ bản cần có chính sách riêng để thu hút những học sinh giỏi.

Ví dụ, sinh viên các trường này được nhận học bổng và sau khi tốt nghiệp nếu giỏi giang sẽ được học tiếp sau Đại học ở trong hay ngoài nước. Các Viện nghiên cứu trong các trường đại học cần được trang bị đủ tầm để đủ sức tạo ra những sáng tạo có giá trị thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Việc phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học không nên cào bằng, giống như là một biện pháp xóa đói, giảm nghèo cho các cán bộ nghiên cứu.

Cần có các phân xưởng, bên cạnh các Viện nghiên cứu để có thể đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, mặt khác, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập hàng tháng cho người làm khoa học.
Tường Vi