Không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ Lê Văn Luyện

Chủ nhật 27/11/2011 09:59
(GDVN) - Dạy trẻ không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà quan trọng hơn cả là dạy trẻ nhân cách làm người.
Thế nhưng, trong thời buổi hiện nay, với quá nhiều sự cám dỗ của xã hội, việc dạy nhân cách cho con cái cũng trở thành một chủ đề... đau đầu các bậc cha mẹ. Buổi Giao lưu trực tuyến "Kinh nghiệm dạy con" của Báo Giáo dục Việt Nam đã phần nào giải đáp những thắc mắc này.

Thưởng tiền cho trẻ cũng là một hình thức tốt!

Nguyễn Tuyết ([email protected])


- Kính thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, cháu thấy trẻ nhỏ hiện nay ngoài chương trình học rất nặng lại cộng thêm các loại trò chơi điện tử, tivi rất hấp dẫn nên đa phần các cháu đều rất lười đọc sách. Ngay như nhà cháu có mấy đứa cháu con nhỏ của anh chị, dù đã cố gắng đưa những cuốn sách hay cho các cháu đọc. Nhưng có mình ở đó thì nó đọc còn vắng là nó vứt sách đó chạy đi xem tivi, chơi điện tử. Từ thực tế này, cháu muốn xin bác chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc hướng dẫn và tạo thói quen đọc sách cho anh nhà trước đây. Cháu cảm ơn bác.
 
Nhà thơ Vũ Quần Phương
: Đối với các con tôi khi còn nhỏ, xã hội chưa phát triển nhiều phương tiện nghe nhìn nên chưa phải nỗi lo của tôi. Trong gia đình có ý thức thì cần hạn chế không để các loại phương tiện kia xuất hiện nhiều. Nếu đã có sẵn rồi, đi đâu cháu cũng có thể chơi game, xem tivi được thì cần hạn chế thời gian xem của các cháu. Bố mẹ phải kiên trì không được nổi nóng, bố mẹ cũng phải làm gương cho các cháu.

Trước tiên cần cho các cháu đọc theo thị hướng của cháu. Tạo không gian sách hay bao vây các cháu thay cho các công cụ nghe nhìn. Việc này rất dễ nhưng không có nhiều người thực hiện. Bố mẹ và con cái cùng tranh luận về một cuốn sách cũng là một kích thích cho trẻ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Phương Nhi (28 tuổi, Hải Phòng)

- Thưa các vị, tôi có con 7 tuổi, giờ khi về nhà làm được điều gì tốt là lại xin 2 nghìn. Hỏi ra mới biết cô giáo ở lớp vẫn thường thưởng cho các cháu như thế. Theo các vị, có nên không? Cũng xin nói thêm là, từ ngày có biện pháp này, con tôi chăm làm việc tốt hơn hẳn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Theo tôi nghĩ thì việc khuyến khích nên có những phần thưởng về vật chất. Hiện nay vật chất quy ra tiền cũng không vấn đề gì. Ở Mỹ họ cũng hay dùng tiền để thưởng cho trẻ con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải định hướng cho các cháu tiêu tiền như thế nào cho hợp lý nhất. Các bạn cũng phải giáo dục các cháu rằng thành công mới là điều quan trọng chứ không phải đồng tiền. Vì nếu chỉ quan tâm đến phần thưởng thì các cháu sẽ dễ bắt chước người lớn là tạo thành công giả để lấy tiền thật.

Con tôi bây giờ cha mẹ dạy bảo thì rất khó, nhưng cháu lại rất nghe lời bạn bè. Tôi rất khó khăn để chọn lọc bạn cho con tôi và cũng không thể kiểm soát được các mối quan hệ của con ở ngoài trường lớp. Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng, các cụ bảo “học thày không tày học bạn” với thời nay còn đúng hay không?

Tại sao lại có những kẻ tàn ác như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa?

La Tuấn (Quảng Nam)

- Thưa các vị, tôi biết, giáo dục con cái là vô cùng hệ trọng. Nhưng trong hệ thống giáo dục hiện nay, những môn liên quan đến giáo dục công dân lại bị quá xem nhẹ. Tất cả dồn vào toán, lý, hóa, văn ... còn những môn liên quan đến uốn nắn, giáo dục nhân cách sống thì lèo tèo tiết học. Tại sao như vậy? Liệu đó có phải là nguyên nhân lý giải cho việc xuất hiện ngày càng nhiều những kẻ tàn ác như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa…?


GS. Hồ Ngọc Đại: Đó là hậu quả của một nền giáo dục đã từng tồn tại hàng nghìn năm nay kể từ “Khổng tử”, một nền giáo dục cho người này làm quan, người kia làm nô lệ, một “nền giáo dục chỉ dành cho 5% dân cư”.

Nền giáo dục dành cả cho 100% dân cư thì nó phải thay đổi, như Nghị quyết XI nói: “Đổi mới căn bản, toàn diện…”

Trong khi đó, những cái cũ thì vẫn còn sức mạnh của cái cũ. Những cái mới thì chưa có đủ sức mạnh như nó cần có. Trong khi đó, những trẻ em rất thật trong những gia đình rất thật thì sống trong xã hội hiện đại còn chưa kịp định hình.

Sự xen kẽ ấy tạo ra những sự lộn xộn trong đời sống xã hội và nhiều người đã nhận ra mọi sự tiêu cực ấy. Trước hết, cần phải vượt bỏ nền giáo dục hiện nay, vượt bỏ “căn bản và toàn diện”.  Nền giáo dục hiện đại không phải đào tạo 5% dân cư để làm quan mà đào tạo cả 100% dân cư để cho học sống được bình thường trong cuộc đời thật hiện đại.

Cuộc đời thật ấy cần rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ có “chữ” và mỗi một người chỉ cần “giỏi nhất” một việc cần cho cuộc sống thực của mình. Nay mai, người ta sẽ coi trọng những người có bằng cấp cao cũng như những người làm những việc thông thường hằng ngày, vì ai cũng cần sống như mình cần phải sống chứ không có đặc biệt.

Nền giáo dục mới giúp cho người ta “sống bình thường” như cuộc sống thật của mỗi người. Lúc ấy, cuộc sống đi vào ổn định hơn thì những cái tiêu cực ấy rồi cùng biến dần đi (có thể thay bằng những tiêu cực mới). Theo ý nghĩa đó, có thể nói, chính nền giáo dục cũ đã tạo ra những tiêu cực và tích cực trong xã hội hiện đại.

Việc có thể làm được ngay là thay đổi “căn bản và toàn diện” nền giáo dục hiện nay. Mặc dù vậy, tôi không tin rằng, những người đã từng đổi mới giáo dục trong thời gian qua lại có thể làm được sự đổi mới “căn bản và toàn diện” này vì họ không có tư tưởng mới, không có phương pháp mới. Nói chung là họ “tư duy rất cũ”.

Tôi tin tưởng chắc chắn sẽ có một nền giáo dục mới vì cuộc sống cần phải tiếp tục sống theo cách sống mới phù hợp với thời đại mới đang biến động từng ngày, từng giờ và có tính toàn cầu. Cũng nên “biết chờ đợi” đừng quá sốt ruột, bi quan.

Cần uốn nắn nhân cách cho trẻ từ nhỏ!

Đào Anh Chiến, Phú Xuyên, Hà Nội

- Giả sử bây giờ được hướng đạo nghề nghiệp cho một cháu bé nào đó, nhà thơ Vũ Quân Phương có "dám" cho cháu bé theo nghiệp văn thơ không, trong khi nhà văn nhà thơ bây giờ bị coi là khó kiếm sống?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Nói đến các môn nghệ thuật thì cần phải có năng khiếu. Nếu ai có năng khiếu tốt thì cũng đủ sống mặc dù không thể giàu có được. Nhưng được bù đắp rất lớn là có cảm giác như được nếm cái hạnh phúc ở trên đời (hạnh phúc của sự sáng tạo). Nếu con của bạn thực sự có năng khiếu thì tôi nhất định sẽ định hướng cho cháu theo nghề thơ ca. Mà cả kể chúng ta có cấm thì cháu cũng vẫn sẽ trở thành nhà thơ nếu cháu thực sự mong muốn.

Chạy trường, chạy lớp - Xin đừng nói là chuyện cá biệt!

Liên Châu (30 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội)

- Thưa PGS Vân Hiền, bà nghĩ sao khi những trường hợp như cậu học trò nghèo trường Ams nhịn ăn sáng để giành tiền giúp mẹ chạy thận chữa bệnh ngày càng ít, còn những trường hợp học trò đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng thì ngày càng nhiều?

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi cũng là một nhà giáo. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy buồn khi nhìn thấy, nghe thấy những câu chuyện như trên. Đã đến lúc xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến việc cha mẹ giáo dục lối sống cho con cái mình. Cuộc sống lương thiện của cha mẹ sẽ là tấm gương sáng nhất trực tiếp nhất ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Chúng ta đừng đổ lỗi nhiều cho việc giáo dục nhân cách tại trường học. Khi Châu còn nhỏ mặc dù Châu rất chăm học nhưng tôi vẫn đưa Châu đi học nhiều thứ khác vì nghĩ rằng càng giảm những thời gian rảnh rỗi càng không cho trẻ có điều kiện để tìm đến những thú vui, những hoạt động vô bổ.

Ở trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, khi có dịp nói chuyện với sinh viên tôi thường nói lại với các em về những câu chuyện nhỏ của Châu. Không phải ai cũng thành đạt, cũng được giải thưởng gì đó, nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Để cuộc sống của mình có ý nghĩa thì việc học là điều kiện đầu tiên, tôi luôn cố gắng để các em học sinh của trường mình say mê với các bài giảng, ngày càng yêu quý nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Bằng cách nào đó chúng ta thắp sáng ngọn lửa hiếu học, chứ không thể bắt ép các em tự nâng cao hiểu biết của mình. Thời gian là hữu hạn, nếu có nhiều thời gian say mê với việc học tập thì sẽ bớt đi thời gian làm những việc vô bổ như quay clip rồi tung lên mạng.

PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền

- Bà có nghĩ rằng, xã hội đang tập trung quá nhiều vào việc chạy chữ cho thế hệ trẻ, mà quên đi việc dạy nhân cách cho trẻ không, thưa PGS Vân Hiền. Điển hình là, việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường không vẫn chưa được chú trọng? Các tiết học đạo đức còn quá ít so với các môn học Toán, Văn, Anh...?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Nhưng tôi cũng chưa rõ nội dung dạy kỹ năng sống trong nhà trường như thế nào. Theo tôi, việc dạy nhân cách cho trẻ rất quan trọng. Ngoài nhà trường, gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dạy dỗ để hình thành nhân cách cho trẻ. Nội dung chính trong vấn đề này theo tôi phải hướng tới việc dạy để trẻ trở nên một người lương thiện, biết yêu gia đình, sẵn sàng chia sẻ với những người ít may mắn hơn mình, không coi vật chất là tiêu chuẩn thành đạt trong cuộc sống.

- Thưa các vị, chúng ta luôn nói: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Tôi không nghi ngờ gì quyết tâm của Chính phủ việc thực hiện chủ trương này nhưng sao thấy buồn, vì ngành giáo dục hiện nay có quá nhiều vết đen: chạy trường, chạy lớp, giáo viên thì đòi dạy thêm để tăng thu nhập... Xin các vị đừng nói với tôi rằng chuyện đó là cá biệt. Xin thưa là ở đâu cũng có. Vậy tôi phải giáo dục con tôi ra sao đây, khi ngày ngày nó được sống trong môi trường như thế?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Dạy con thế nào là câu hỏi khó trả lời. Dạy con đúng đạo lý thì thường bị thất bại trong cuộc đời. Dạy mưu mẹo để thành đạt thì lại khiếm khuyến lương tâm. Chúng ta chỉ có thể đề ra được những nguyên tắc sống là trông cậy vào chính mình. Ví dụ như học giỏi là bản thân các cháu quyết định được. Nhưng để lên được chức vụ cao thì cá thể đó không thể quyết định được. Vậy chỉ tiêu bố mẹ hướng cho con phấn đấu cũng phải phù hợp với nguyên lý đó. Tôi có bài thơ ngắn tặng các bạn:

Dầu bấc cạn rồi/ Mặt trời thì vẫn ngủ/ Biết tìm đâu ra lửa/ Thì lấy đêm mà soi.

Tường Vi