Bà Thanh rơi nước mắt: “Cha tôi đến chết vẫn chưa được giải quyết quyền lợi chính đáng. Tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn cho vụ lừa đảo để chiếm đất của chị dâu? Bao giờ công lý được xem xét thỏa đáng?"
Ngày 19/11, nhiều người dân thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, Bạc Liêu hiếu kỳ kéo đến xem vụ “mang quan tài đi đòi đất”. Công an huyện Giá Rai đã nhanh chóng giải tán đám đông, lập lại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hành vi trên là đáng chê trách, nhưng đằng sau vụ đòi đất hy hữu này là nỗi oan ức của người dân không được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo.
Ông Nguyễn Văn Thơm lúc còn sống, trình bày nỗi oan ức
"Khai tử” cha chồng để chiếm đất
Gần 10 năm khiếu nại đến các cơ quan chức năng, ngày 17/11 ông Nguyễn Văn Thơm (SN 1929, ngụ ấp 4, thị trấn Giá Rai) đã qua đời. Từ năm 1945, ông Thơm khai phá hơn tám hécta đất tại địa bàn xã Tân Phong, huyện Giá Rai. Chị Nguyễn Thị Thanh, con gái ông Thơm cho biết, năm 1985 ông Thơm cắt một phần diện tích chia cho hai con là Nguyễn Văn Đấu và Nguyễn Trường Thụ, mỗi người một nền.
Năm 1995, Thụ bỏ nhà đi biệt xứ. Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Thụ, đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CNQSDĐ. Bà Hồng kê luôn phần đất mà ông Thơm sở hữu với hơn 1.300m2, trong đó có 300m2 đất thổ cư. Trong phần hợp thức hóa nguồn gốc đất, bà Hồng ghi: “Nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Văn Thơm tự khai phá năm 1945. Đến năm 1993, ông Thơm chết để lại phần đất cho con trai Nguyễn Trường Thụ (bỏ nhà ra đi từ năm 1995), nay vợ Nguyễn Thị Hồng đứng tên đăng ký. Đất ổn định, không tranh chấp”.
Chẳng hiểu sao Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Giá Rai xác nhận theo đơn của bà Hồng, đề nghị UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ. Năm 2003, UBND huyện Giá Rai cấp giấy (CNQSDĐ) cho bà Hồng với diện tích 1.368m2 tại tờ bản đồ số 03, thửa 427. Ông Thơm phát hiện con dâu “khai tử” mình để chiếm đất nên làm đơn khiếu nại. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông lê từng bước đến cơ quan chức năng đề nghị xác nhận ông còn sống.
UBND huyện Giá Rai xác minh lại quá trình cấp đất cho bà Hồng phát hiện sai phạm. Huyện sửa sai bằng cách rút lại quyết định cấp đất của bà Hồng và cũng không giải quyết khiếu nại của ông Thơm.
Ông Thơm tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến tỉnh. UBND tỉnh Bạc Liêu thành lập đoàn thanh tra lại khẳng định UBND huyện Giá Rai cấp đất... đúng. Từ kết quả xác minh này, thanh tra lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ số 02885 ngày 20/6/1992 với diện tích 6.920m2, cấp theo quyết định số 230/QĐ-UB ngày 17/5/1992 cho ông Nguyễn Trường Thụ; công nhận ông Nguyễn Văn Thơm được sử dụng một phần đất tại thửa số 427, tờ bản đồ số 3, diện tích 216m2 (4m x 54m). Phần diện tích còn lại công nhận cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Sự thật tiếp tục bị che đậy
Không thể chấp nhận kiểu giải quyết ngược đời của các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Thanh thừa ủy quyền của ông Thơm, khiếu nại “xin cho cha được quyền sống”. Ngày 15/9/2010, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành QĐ số 2235/QĐ-UBND thành lập tổ phúc tra do ông Trần Thanh Bửu, Phó chánh thanh tra tỉnh, làm trưởng đoàn. Ngày 16-3-2011, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành QĐ số 527/QĐ-UBND với nội dung: chấp nhận một phần nội dung đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thanh. Tỉnh giao UBND huyện Giá Rai thu hồi giấy CNQSDĐ của ông Nguyễn Trường Thụ (vợ là Nguyễn Thị Hồng) có tổng diện tích 6.920m2 đã cấp theo QĐ 230/QĐ-UB ngày 17/5/1992, giao Chủ tịch UBND huyện Giá Rai tổ chức động viên các bên tự thỏa thuận phân chia.
Thế nhưng UBND huyện Giá Rai lại phớt lờ quyết định của UBND tỉnh. Nghịch lý hơn là ngày 6/6/2011, Phó chánh văn phòng UBND huyện ký công văn chờ “Cơ quan kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu giám định một số văn bản”. Ngày 21/6/2011, UBND huyện Giá Rai ban hành QĐ số 4545/QĐ-UBND hoàn toàn trái với quyết định chỉ đạo của UBND tỉnh: công nhận ông Lý Minh Hiếu (người sang đất của ông Nguyễn Thanh Do, con ông Nguyễn Văn Thơm) 540m2, công nhận cho ông Nguyễn Trường Thụ (con ông Nguyễn Văn Thơm, đã bỏ đi khỏi địa phương, chồng bà Nguyễn Thị Hồng) 540m2 công nhận ông Nguyễn Văn Thơm 926m2...
Trao đổi với chúng tôi, bà Thanh rơi nước mắt: “Cha tôi đến chết vẫn chưa được giải quyết quyền lợi chính đáng. Tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn cho vụ lừa đảo để chiếm đất của chị dâu? Bao giờ công lý được xem xét thỏa đáng?”.
Chúng tôi xin chuyển lời bà Thanh đến lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu.
TheoCông an TPHCM