(VTC News) – “Giờ chỉ mong sớm được về nhà, làm ruộng rồi cưới vợ sinh con. Em hứa sẽ tiêm phòng, uống thuốc đầy đủ” – Hà Văn Pẩu tâm sự.
Pẩu ước mơ có một gia đình
Từng là kẻ ăn thịt người trong cơn điên loạn cách đây 3 năm, Hà Văn Pẩu (37 tuổi, trú tại thôn Nà Pản, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) trở về quê sau khi được chữa trị bệnh tâm thần, nhưng gia đình, làng xóm không dám nhận lại vì vẫn chưa thể quên được tội ác kinh hoàng mà Pẩu gây ra năm xưa. Hay tin Pẩu quay lại bệnh viện, chúng tôi đã tới để tìm gặp.
Sau khi được giới thiệu đến gặp Bác sĩ Tô Thanh Phương, người trực tiếp điều trị cho Pẩu, chúng tôi được ông dẫn đến nơi Pẩu ở. Mặc dù đã được Bác sỹ cho biết, việc tiếp xúc Pẩu bây giờ hoàn toàn là bình thường nhưng khi mới bước vào, tôi vẫn có chút cảm giác sợ hãi.
Phòng bệnh nhân của khoa Bán cấp tính nam, nơi Pẩu đang nằm có đến gần 30 người, già nhất cũng phải đến 70 tuổi, trẻ cũng tầm 15 tuổi. Người đang nghe đài, người đang chơi cờ, người đắp chăn ngủ trên giường…Mọi thứ không ngột ngạt như tôi nghĩ.
Quan sát xung quanh một lúc rồi bác sĩ Phương gọi Pẩu để chúng tôi gặp. Pẩu ngơ ngác thưa một cách nhỏ nhẹ. Ánh mắt Pẩu có vẻ sợ sệt khi nhìn thấy người lạ. Khi được bác sĩ Phương giới thiệu, Pẩu đồng ý theo chúng tôi lên phòng Trưởng khoa để trò chuyện.
Hà Văn Pẩu đang được bác sĩ khám bệnh.
Pẩu có thân hình cao lớn, với mái tóc cắt cua, da ngăm đen nhưng không hề dữ tợn. Cái dáng đi “luệt quệt” trong bộ quần áo đồng phục bệnh nhân tâm thần đã khiến câu chuyện Pẩu gây ra cách đây 3 năm không còn là nỗi sợ hãi trong chúng tôi.
Ngồi xuống ghế, Pẩu giới thiệu tên mình và quê quán một cách chính xác và dõng dạc. Gia đình có năm anh em, mẹ đã mất, bây giờ chỉ còn bố, anh em đã có gia đình đầm ấm. Pẩu tự nhận thấy, “chỉ mình em là khổ nhất thôi”.
Hỏi thăm về sức khoẻ hiện tại, Pẩu cho biết, hôm nay sức khoẻ bình thường, nhưng tối qua không ngủ được vì vừa mới chuyển lên nơi ở mới, lại bị những bệnh nhân tâm thần khác “đánh sưng mũi”.
Pẩu cho biết, hôm trước được các bác sĩ đưa về nhà, nhưng chỉ đến UBND xã rồi phải quay về vì hai người anh em trai họ không nhận. “Anh Đoàn và em Xuôi đã có nhà gạch cấp 4, giàu lắm nhưng mà không nhận mình về, không biết lý do vì sao nhưng buồn lắm!” – Pẩu nói.
Tâm sự với chúng tôi, dù hơn chúng tôi cả chục tuổi nhưng khi xưng hô, Pẩu vẫn xưng là em, trả lời tuần tự các câu hỏi. Pẩu kể, anh vốn bị tâm thần từ nhỏ, chỉ học hết lớp 4 rồi bỏ. Cách đây 3 năm về trước, chính anh đã giết một em bé 5 tuổi, “lúc đó bị hoa mắt chóng mặt, nhìn thấy bé gái mà cứ tưởng là con gà, khi làm xong thì hoang mang và sợ hãi lắm” – Pẩu phân trần.
Tỏ vẻ ân hận về hành vi của mình, Pẩu nói: “Mình đã làm sai, mình có tội, cảm thấy mình có lỗi nhưng người ta cũng không tha cho mình. Giờ không dám quay lại nhà cháu bé, nên em phải tránh”.
Để đền tội, Pẩu nghĩ đến cách là khi về nhà, sẽ lấy vợ sinh con rồi “trả cho nhà kia một đứa để nhà nó nuôi, chỉ trả người như thế chứ không biết trả bằng cách nào được”.
Mấy năm ở bệnh viện, Pẩu cho biết anh uống thuốc nhiều nên mắt cũng đã mờ đi, trước kia còn đọc được báo chứ nay thì chữ nào to mới đọc được. Với lại, ở trong trại, anh hay vị bệnh nhân khác đánh, “toàn đánh bất ngờ nên mình không đỡ được” – Pẩu cho biết.
Khi hỏi về mong ước lớn nhất của mình, Pẩu nhanh nhảu đáp: “Em nhớ nhà, chỉ mong được về nhà, làm ruộng rồi lấy vợ sinh con. Em hứa sẽ uống thuốc liên tục, các anh cho em ra càng nhanh càng tốt!”.
Tiếp xúc xong với Pẩu, chúng tôi đưa anh về phòng, Pẩu lại tưởng được đón về nhà nên đã vội vàng đáp: “Để em về thay đồ chứ em đang mặc đồ bệnh viện”. Khi được giải thích lại, Pẩu cúi xuống, lủi thủi bước về căn phòng cuối hành lang. Xa xa một vài tiếng cười “vô hồn” văng vẳng lại… Cộng đồng nên đón nhận Pẩu
Trao đổi với chúng tôi về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân Hà Văn Pẩu, TS. Bác sĩ cao cấp Tô Thanh Phương - Trưởng khoa 4, bệnh viện Tâm thần TW1cho biết: “Khi nhận bệnh nhân đến đây, theo quan sát của tôi, bệnh nhân có dấu hiệu bị trầm cảm, cho đi làm kiểm tra thì đúng là bị trầm cảm nặng.
Tôi điều trị theo hướng trầm cảm thì bệnh nhân phát triển rất tốt. Tiếp xúc với bệnh nhân bình thường, tư duy rất lôgic như một người bình thường, nếu như bị tâm thần phân liệt thì không trả lời như thế được”.
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viên tâm thần Trung ương I.
Bác sĩ Phương cũng cho biết, thường những người mắc bệnh tâm thần trầm cảm có hành vi rất man rợ, đã gặp nhiều bệnh nhân tuy không man rợ như cũng có biểu hiện tương tự. Dù vậy, nhưng điều trị đúng hướng thì hoàn toàn có thể chữa trị bằng thuốc bình thường.
Cũng theo lời bác sĩ Phương, trường hợp bệnh nhân Pấu rất đáng thương, đã mấy lần Pẩu tự tử nhưng đều không thành. “Nếu về nhà thì tiêm thuốc phòng 1 tháng 1 lần, thuốc có tác dụng trong vòng một tháng, kết hợp uống thuốc trầm cảm sẽ không còn vấn đề gì phải lo ngại” – bác sĩ Phương khẳng định.
Bác sĩ Phương cũng để nghị, khi Pẩu về nhà “chính quyền nên tạo cho anh ta một việc làm, vì anh ta làm việc được, nếu như người tâm thần phân liệt thì không thể có được tư duy sẽ về nhà làm ruộng, nhưng anh này về nhà, quản lý tốt, thuốc tốt thì hoàn toàn bình thường”.
Trong khi đó, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW1 cũng cho rằng: “Việc tạo điều kiện cho bệnh nhân Pẩu một môi trường làm việc là cần thiết. Điều này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.
Người dân cũng cần có nhận thức đúng hơn đối với người bị bệnh tâm thần để tránh kì thị, phân biệt. Cộng đồng nên đón nhận Pẩu, bởi lỗi lầm Pẩu gây ra khi ý thức không còn do bệnh tật...”