Thứ Ba, 29/11/2011 - 05:40

TPHCM

Quá tải bệnh viện: Bộ trưởng cũng phải “choáng”
(Dân trí) - Sáng 28/11 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chuyến thị sát về tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Dù đã “chuẩn bị tâm lý” từ trước nhưng bà bộ trưởng vẫn không khỏi “choáng” khi bệnh nhân lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình.
 >>  Quá tải bệnh viện… còn dài!
 >>  Quá tải bệnh viện tới 300%
Khi chiếc xe đưa đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đến bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân đã chen chân nhau đứng ngồi lố nhố từ cổng bệnh viện vào. Sự chen lấn của họ không nhằm mục đích đón bà bộ trưởng cùng đoàn đi mà họ chen nhau để… được khám bệnh.

Thực tế khi đến thăm các phòng điều trị của bệnh viện này còn trớ trêu hơn nữa. Đa phần các giường đều phải nằm ghép từ 2 đến 3 người, khi bà Bộ trưởng bước vào phòng, dưới gầm giường nhiều bệnh nhân vén mùng lóp ngóp bò ra. Khốn khổ là thế nhưng với những bệnh nhân ấy “có chỗ dưới gầm giường cho mà nằm đã là may rồi, nhiều hôm hành lang cũng không còn chỗ đặt lưng”.

Bà Bộ trưởng tìm chỗ chen chân trong phòng bệnh

Lý giải về tình trạng này, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu, cho biết: “Số giường thực kê của bệnh viện chỉ có 631 giường; nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú hiện 1.807 người và số ngoại trú 9.510 người nên tình trạng nằm ghép, nằm hàng lang, nằm dưới gầm giường là không thể tránh khỏi”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các bệnh viện như Nhi Đồng 1, Chấn thương Chỉnh hình. BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho bày tỏ: “Lượt bệnh nhân tại thành phố và các tỉnh đến khám, nhập viện tăng trung bình 5 - 10% hàng năm, trong khi số giường bệnh không tăng nên tỉ lệ quá tải nội trú trung bình 136% có những khoa như Hô hấp, Nhiễm, Sơ sinh, Tiêu hóa thường xuyên quá tải trên 200%”.

Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân

Diện tích đất hạn chế trong khi dân số ngày càng tăng cao cùng với đó là những diễn biến phức tạp của nhiều loại bệnh đã gây sức ép lớn đối với các bệnh viện. Trong khi các bệnh viện vệ tinh chưa có quỹ đất để xây dựng thì nhiều bệnh viện tuyến cuối đã có dấu hiệu xuống cấp. Mặt khác nhiều bệnh viện đã xin được đất để xây dựng nhưng đề án vẫn còn nằm trên giấy do vướng khâu giải tỏa. Các giải pháp mang tính chiều sâu như tăng cường bác sĩ giỏi đến bệnh viện tuyến dưới, triển khai mô hình bác sĩ gia đình trên thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả nên căn bệnh “trầm kha” - quá tải vẫn chưa tìm được thuốc giải.

Trước thực trạng trên, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Quy chế phân tuyến khám chữa bệnh chưa nghiêm khiến bệnh nhân tự ý vượt tuyến gây quá tải như hiện nay là lỗi của Bộ Y tế”. Để tìm phương án tháo gỡ tình trạng trên, dự kiến ngày 29/11 Bộ trưởng sẽ có cuộc làm việc với UBND thành phố để nghe các giải pháp, kiến nghị trong việc giảm tải bệnh viện.

Vân Sơn