Thứ Tư, 30/11/2011, 08:00 [GMT+7]
.
.

Giao chủ quản người TQ đổ keo 502 vào tay công nhân cho CA


(Phunutoday) - Trước sự phản ứng gay gắt từ dư luận, Công ty giày Hong Fu đã đình chỉ công tác đối với A Vương, Chủ quản Xưởng hoàn chỉnh và đồng ý giao A Vương cho cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.


Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thực, chiều 29/11 cho biết trên Dân trí: “Hiện phía Công ty Hong Fu đã đình chỉ công tác đối với A Vương, người đổ keo vào bàn tay công nhân. Đồng thời yêu cầu xác minh làm rõ động cơ, mục đích để xử lý nghiêm trước pháp luật. Vụ việc đang được giao cho Công an huyện Hoằng Hóa phối hợp với UBND huyện tiến hành điều tra làm rõ”.

Cũng theo quan điểm của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa là phải xử lý chủ quản A Vương nghiêm khắc đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Đến thời điểm này, viên chủ quản A Vương cũng chưa bị trục xuất về nước.

Hiện tại công ty giày Hong Fu đã đồng ý với 4 kiến nghị của Liên đoàn lao động huyện Hoằng Hóa là đình chỉ công tác với chủ quản A Vương; Công ty có trách nhiệm hoàn toàn về mọi chi phí cho ba công nhân cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hợp Lực; Những công nhân đình công vào chiều ngày 26/11 vẫn được tính lương. Sau khi có kết quả điều tra của cơ quan chức năng, công ty phải thông báo cho toàn bộ công nhân biết kết quả xử lý.
Chị  Lê Thị Phương đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Dân trí
Chị Lê Thị Phương đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Dân trí

Trao đổi trên báo NLĐ, luật sư Nguyễn Xuân Bính (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Hà Nội) nhận định về mặt luật pháp, vụ này chỉ xử lý về dân sự. Bởi về hình sự, khó để buộc tội A Vương do thương tích nạn nhân dưới 11%. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể thấy hành động của viên quản lý này rất vô nhân tính, xúc phạm tới người khác, phải xử lý nghiêm theo đúng Luật Lao động, bồi thường những thiệt hại về kinh tế và tinh thần cho công nhân.

Từ đầu năm đến nay, tại Công ty Hong-Fu đã có ít nhất 2 lần các công nhân đình công để kiến nghị một số vấn đề liên quan đến chế độ của người lao động, cũng như yêu cầu phía công ty phải có biện pháp xử lý với những cán bộ quản đốc, chủ quản phân xưởng người nước ngoài thường xuyên có hành động và thái độ cư xử thiếu tôn trọng đối với công nhân Việt Nam.

Kim Hảo (Tổng hợp)
;
.
.