Liên quan đến vụ việc chị Lê Thị Phương công nhân phân xưởng C (Công ty giày Hong Fu Việt Nam, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị viên chủ quản A Vương quát tháo, dùng keo 502 đổ lên tay, sau đó bắt phải ép hai bàn tay lại với nhau khiến chị này bị ngất, phải đi cấp cứu đồng thời dẫn đến tình trạng đình công của hàng trăm công nhân tại công ty này vào ngày 26/11.
|
Chị Lê Thị Phương đang nằm điều trị tại bệnh viện sau khi bị viên chủ quản A Vương đổ keo 502 dính tay. |
Ngày 30/11, trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nền, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, người được ông Lê Quang Tích, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Thanh Hóa giao nhiệm vụ tìm hiểu vụ việc trên cho biết, theo báo cáo từ các cán bộ được cử xuống làm việc tại Hoằng Hóa, do cách xử lý trong vụ việc này chỉ là của cá nhân ông A Vương mà không phải chủ trương của công ty nên vụ việc này không dính đến quan hệ lao động nên Sở đã giao cho Thanh tra phối hợp với huyện, các ngành để xem xét.
"Do ông A Vương này chỉ là một trong số rất nhiều quản đốc hay đốc công quản lý một chuyền, phân xưởng trong công ty này mà thôi. Trong lúc ông ấy đi kiểm tra và phát hiện công nhân mình dùng sai keo mà nhà máy quy định không được dùng thì ông ý kiến, nhưng cách nói của người Trung Quốc thì công nhân mình không hiểu hết nên mới dẫn đến sự việc như vậy. Cách xử lý của ông A Vương này chỉ mang tính chất cá nhân không phải chủ trương của công ty nên vụ việc này không dính đến quan hệ lao động. Vì vậy Sở đã giao cho Thanh tra phối hợp với huyện, các ngành xem xét", bà Nền cho biết.
Bà Nền cũng cho biết thêm, hiện nay đang xuất hiện hai luồng ý kiến xung quanh vụ việc. Một bên công nhân cho rằng ông A Vương đã dùng keo 502 đổ vào tay của chị Phương còn bên phía ông A Vương thì cho rằng, trong lúc giằng nhau đổ vào tay?.
"Bên phía công nhân cho rằng ông A Vương đã dùng keo 502 đổ vào tay của cô Lê Thị Phương còn phía bên ông ý thì nói rằng trong lúc giằng nhau thì lọ keo bị đổ vào tay, vì vậy cơ quan công an đang phải điều tra xác định lại vấn đề này", bà Nền cho hay.
|
Công ty giày Hong Fu Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc ngày 26.11 |
Cũng theo bà Nền, do vụ việc không phải phát sinh từ quan hệ lao động nên phải chờ kết quả điều tra làm rõ từ cơ quan công an thì Sở mới có kiến nghị với Tỉnh để có hướng xử lý.
Phải bồi thường như một công dân Việt Nam Trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào chiều ngày 30/11, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Công ty luật Fanci - Hà Nội) nhận định, nếu xác định được thương tích của chị Lê Thị Phương từ 11% trở lên thì mới có thể xử lý theo luật hình sự còn ở đây mức độ thương tích nhỏ nên về pháp luật chỉ có thể xử lý theo Luật dân sự.
Cũng theo Luật sư Tú, trong vụ việc này, hành động của viên chủ quản A Vương rất phi nhân tính, mang tính xúc phạm, xâm phạm về mặt sức khỏe của người khác, phải xử lý nghiêm theo luật lao động, có những hình thức kỷ luật, bồi thường những thiệt hại về kinh tế (chi phí khám chữa bệnh, điều trị, tiền lương) cũng như về mặt tinh thần cho công nhân.
"Ông này là người nước ngoài nhưng theo qui định của Bộ luật Dân sự Việt Nam thì hành động của ông A Vương này đã gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của chị công nhân này nên ông ta vẫn phải bồi thường như một công dân Việt Nam bình thường, ví dụ như bồi thường chi phí chữa trị, bù đắp tinh thần, thu nhập cho chị công nhân này đầy đủ. Còn về mặt hành chính thì, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc mà ông chủ quản này sẽ phải chịu một biện pháp kỷ luật nào đó và ở đây việc đề nghị trục xuất về nước với ông này của Sở LĐTBXH Thanh Hóa cũng là thích đáng", Luật sư Tú khẳng định.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.