Nỗi lòng người vợ có chồng là sát thủ giết chết 4 mạng người ở Phú Thọ
(Phunutoday) - Tròn 1 năm sau ngày Nguyễn Công Dụng gây ra vụ thảm sát với bốn mạng người ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, Tỉnh Phú Thọ, chúng tôi trở lại vùng quê ấy. Vẫn con đê dài nằm dọc sông Lô, vẫn con đường nhỏ buồn hiu hắt dẫn xuống bãi ngô xanh mướt. Bình Bộ đã khác năm trước rồi nhưng dường như không khí đau thương vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con chị Nguyễn Thị L. - vợ Nguyễn Công Dụng. Khi thấy khách vào, chị òa khóc như một đứa trẻ …
Hôm ấy, đang chuẩn bị bữa trưa, chị Nguyễn Thị L bất chợt nghe tiếng thét thất thanh từ hàng xóm: “Cháy rồi, dập lửa đi”. Vội đặt mâm cơm xuống đất, chị L bảo cái C đi tìm bố thì có người gọi to “Dụng vừa giết bốn mạng người”. (Ảnh minh họa) |
Căn nhà cấp 4 với đủ mọi loại đồ đạc. Câu đầu tiên mà chị L mở lòng, cũng là điều mà khiến cho chúng tôi day dứt nhất chính là được lời như cởi tấm lòng của chị, rằng: “Người ta bảo, trong nhà này, thứ quý giá nhất có lẽ là mấy mẹ con tôi, những nạn nhân đang sống lay lắt sau cơn bão giông của số phận. Đêm nào, tôi cũng ngồi vắt bột sắn dây để thêm thu nhập nuôi các con. Mỗi khi mân mê chậu sắn tôi lại nhớ đến anh Dụng với những ký ức gia đình đầm ấm thuở nào. Toàn bộ số sắn dây này là do anh ấy trồng từ năm trước, đó là món quà duy nhất còn lại anh dành cho mẹ con tôi”.
Đoạn, chị L cho biết thêm, thời gian trôi thật nhanh, trên nền căn nhà hàng xóm mà Dụng đốt của họ giờ đã mọc lên một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy, hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn lầm lũi bước qua những ngày tháng không mẹ cha. Mỗi khi đi qua lối ấy, chị lại ôm mặt lặng lẽ khóc. Cách hàng rào nhỏ là căn nhà của chị Cao Thị Thơm - một nạn nhân khác của chồng chị. Sau khi mẹ và em trai bị giết tức tưởi, cậu bé Đức trở thành bơ vơ. Chỉ vì suy nghĩ nông nổi, chồng chị đã khiến cho hai gia đình tan hoang chỉ trong một ngày.
Một năm dù chưa lâu nhưng cũng đủ để những ngôi mộ kịp xanh cỏ, những nỗi đau cũng kịp lẩn khuất đâu đó.
Cô tiểu thư với tình yêu lãng mạn
Nhìn chị bây giờ, nhiều người không tưởng tượng được chị từng là con gái một gia đình khá giả. Vốn tính lãng mạn, ngoài việc học hành, chị luôn sống trong những câu chuyện tình ngọt ngào của trên mấy cuốn tiểu thuyết. Mỗi khi gấp một cuốn sách, chị thường nhắm mắt tưởng tượng về tương lai. Đúng trong thời gian này, Dụng xuất hiện. Mặc cho gia đình chê “thằng ấy hót giỏi chưa chắc đã tốt” nhưng chị vẫn cứ lao vào.
Gia đình chị ghét Dụng đến mức, cứ thấy mặt là mọi người thi nhau đuổi đi, có khi còn dọa báo công an đến bắt. Vốn tính lỳ lợm, Dụng càng chây ì. Một cô gái mới lớn như chị lại tỏ ra thích thú trước dáng vẻ bụi phủi, ăn nói có duyên ấy. Tình yêu đến với một người giàu mơ mộng như chị thật đẹp.
Dụng bảo, anh là con trai của một gia đình danh gia vọng tộc. Nhưng sau này chị mới biết những bộ quần áo Dụng mặc trên người đều đi mượn vì Dụng không có công ăn việc làm. Dù rất sốc trước sự thật nhưng chị lại lấp liếm rằng: “Vì quá yêu mình nên anh ấy mới nói dối”. Gia đình chị biết chuyện, kịch liệt phản đối nhưng chị bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Sau ngày cưới, chị được gia đình thu xếp làm văn thư cho một trường tiểu học.
Cuộc sống của một gia đình mới cưới vô cùng chật vật, nhưng bố mẹ không giúp vì giận chị không nghe lời. Chị vẫn hồn nhiên nghĩ: “Chỉ cần hai đứa có chí, lo gì không có tương lai”. Từ một tiểu thư, giờ chị phải làm việc như nông dân thứ thiệt. Nhưng bỡ ngỡ ấy qua dần theo từng ngày, và đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị. Hạnh phúc đã thực sự chạm vào gia đình nhỏ của chị khi sinh bé L. Ngoài công việc đồng áng, Dụng còn chạy đi làm thuê hoặc theo bạn đi buôn để phụ vợ.
Bi kịch mối tình tay ba
Mấy năm sau, bé C ra đời. Niềm vui chưa kịp dâng lên cũng là khi chị phát hiện chồng có người đàn bà khác. Anh bỏ mặc vợ con, lao vào mối tình vụng trộm. Cứ mỗi lần chị khuyên bảo, anh lại tỉ tê xin lỗi. Mối quan hệ của Dụng chỉ bị phát hiện khi người thân trong gia đình cô ấy lên tiếng. Ở xã Bình Bộ, ai cũng bảo, chưa có người đàn bà nào như chị, dù chồng quan hệ bất chính nhưng chưa một lần to tiếng.
Mỗi khi có ai nói về Dụng, chị lại xua tay: “Chỉ là tin đồn thôi, đừng làm các con nghĩ xấu về bố”. Chị từng hy vọng, với những việc mình làm, chồng sẽ suy nghĩ và sớm trở về với gia đình. Nhưng có ai ngờ, anh ấy và người đàn bà kia còn bàn nhau chuyển ra sống chung trong cái lán nhỏ cuối làng. Trong cái giờ phút quyết định ấy, bi kịch đã xảy ra.
Hôm ấy, đang chuẩn bị bữa trưa, chị Nguyễn Thị L bất chợt nghe tiếng thét thất thanh từ hàng xóm: “Cháy rồi, dập lửa đi”. Vội đặt mâm cơm xuống đất, chị L bảo cái C đi tìm bố thì có người gọi to “Dụng vừa giết bốn mạng người”. Cứ ngỡ mình nghe nhầm, hay ít ra thì ai đó nói không phải, chị nháo nhào lao ra cổng, bước chân vội vã vấp phải đá tóe máu. Lên đến đê, chị nghe loáng thoáng ai đó nói: “Dụng đã đâm chết vợ chồng Chính - Chi, cộng thêm mẹ con cô Thơm nữa”, không kịp nghe hết câu, chị ngã chúi về phía trước. Một nỗi đau không thể diễn tả nổi. Vụ việc sau đó đã được công an tỉnh Phú Thọ làm rõ.
Do mâu thuẫn cá nhân từ trước, khoảng 10h ngày 23/6, Nguyễn Công Dụng sang nhà anh Nguyễn Công Chính (45 tuổi) ở cùng khu, dùng dao nhọn cắt vào cổ anh Chính. Bị thương bất ngờ, anh Chính bỏ chạy và chết trên mặt đê gần nhà. Sau đó, Dụng tiếp tục đâm nhiều nhát vào người chị Hán Thị Chi (42 tuổi, là vợ anh Chính) làm chị Chi bị thương nặng và tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vào chiều cùng ngày.
Không dừng lại ở đó, Dụng chạy đến nhà chị Cao Thị Thơm (36 tuổi, ở cùng khu 10), đâm chết chị Thơm và con trai là cháu Ngô Văn Thịnh (14 tuổi). Rồi Dụng quay lại nhà anh Chính, đốt cháy ngôi nhà gỗ ba gian của gia đình anh Chính. Để có phương tiện chạy trốn, Dụng lên bờ đê mượn xe máy của một người dân trong khu chạy đến huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), để xe máy ở nhà người quen rồi lấy trộm xe đạp của người dân ven đường làm phương tiện tiếp tục chạy trốn đến nhà người quen khác ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến tối 24/6, Dụng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Công Dụng khai rằng, vốn có tình ý với nạn nhân Chi. Khi sang nhà tìm thì bắt gặp chồng cô ấy nên hai bên cãi nhau. Dụng lấy con dao đâm trọng thương anh Chính. Cô ấy lao ra ôm Dụng, trong một phút lỡ tay, hắn đã đâm vào mạch máu của người tình. Chưa hả cơn giận, Dụng quay sang châm lửa đốt cháy luôn cả căn nhà. Trong cái nắng chói chang của tháng 6 cộng với từng đợt gió thổi mạnh từ sông Lô, căn nhà nhỏ bỗng chốc bốc cháy nghi ngút. Dụng vô cảm quay đầu bỏ đi.
Ai cũng nghĩ anh ta sợ quá chạy trốn nhưng lúc ấy, Dụng lại chạy sang đâm chết hai mẹ con chị Thơm, vốn có xích mích từ trước. Bốn mạng người chết trong một cơn tức giận, để lại nỗi đau cho cả một ngôi làng vốn xưa nay yên bình bên dòng sông. Lời khai của hắn chẳng biết đúng hay sai nhưng dân làng cứ đồn thổi mãi suốt thời gian dài sau đó.
Sợ bị trả thù, chị Nguyễn Thị L chờ mấy hôm rồi mới dám dắt các con sang nhà nạn nhân, quỳ gối trước vong linh người đã chết để mong cầu một sự tha thứ dù tội ác ấy chị không gây ra. Đó là những lời xin lỗi chân thành nhưng đầy nước mắt mà cả đời này chị không bao giờ quên.
Đắng cay người ở lại
Chị Nguyễn Thị L xa xăm, cuộc sống của ba mẹ con chị là chuỗi những ngày dài cay đắng. L, con trai lớn đang học dở đại học cũng phải bỏ ngang. Thời gian ấy, hình ảnh bố xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng là một nỗi ám ảnh khôn cùng đối với con. Còn C, cô con gái bé bỏng cũng không đủ can đảm để đối diện với sự ghẻ lạnh của các bạn. Con bé trốn trong góc nhà khiến chị phải năn nỉ đến cạn nước mắt mới chịu đến trường. Nhưng mặc cảm về người bố tội lỗi khiến cho con bé lúc nào cũng ngồi riêng trong một xó lớp, phần vì xấu hổ với tội ác của bố, phần vì sợ bị trả thù.
Đắng cay hơn, sau khi chồng giết người, hàng xóm đã lên án mẹ con chị Nguyễn Thị L. Gia đình các nạn nhân còn đòi lấy mạng tất cả những người thân trong gia đình để đền bù tội ác.
Dẫu biết rằng, giết người thì phải đền mạng nhưng khi nghe tòa tuyên án tử hình đối với Nguyễn Công Dụng, mẹ con chị vẫn thấy đau đớn vô cùng. Trong phiên tòa xử sơ thẩm, Dụng lạnh lùng nhìn những người dự khán. Nhưng khi thấy vợ bước vào, mắt anh rớm lệ. Nguyễn Công Dụng nói: “Tội của anh không ai cứu được đâu. Em cố gắng dạy con nên người và hãy tha thứ cho anh”.
Trong giây phút gặp gỡ ít ỏi ấy, chị kịp nói với chồng: “Những gì đã qua hãy cho qua đi, với em và các con, anh luôn là người chồng, người cha tốt nhất”. Trong thẳm sâu lòng mình, chị vẫn luôn nghĩ rằng anh ấy với những ký ức đẹp đẽ. Giống như vạt sắn dây ngoài kia, luôn là khoảng lặng để mẹ con chị nhớ về anh.
Chị Nguyễn Thị L bất chợt ngước mắt vui vui, hôm rồi, L khoe đã có bạn gái. Chị bảo: “Con có kể chuyện nhà mình cho cô ấy nghe không? Cô ấy có đủ can đảm làm dâu nhà mình không?”, L bảo rằng: “Bạn ấy biết rất rõ và nói, ai làm người đó chịu”. Nghe con nói vậy, chị vui lắm. Chuyện tương lai chưa nói trước được điều gì nhưng đó sẽ là một hướng đi mới, để cậu con trai của chị có thể mỉm cười với cuộc đời. Sau khi chồng nhận án tử, chị cũng không có thời gian để đi thăm nom.
Mỗi khi có dịp gặp các chú điều tra, chị vẫn hỏi thăm về tình hình sức khỏe và gửi lời nhắn con trai sắp lấy vợ. Mây mù rồi sẽ tan, ngoài kia, dòng sông Lô êm đềm chảy về xuôi. Cuộc sống của mẹ con chị trong ngôi nhà nhỏ đã yên bình trở lại, dẫu rằng, vĩnh viễn anh ấy đã không trở về nữa.
- Thúy Nhi
;
.