Thứ Sáu, 02/12/2011 - 06:40

“Giới trẻ ngày nay tỏ tình... rất tệ”
(Dân trí) - Đó là nhận định của TSKH Ngữ văn Đoàn Hương tại hội thảo vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh thủ đô – thực trạng và giải pháp.

Hội thảo "Vi phạm pháp luật và đạo đức trong học sinh thủ đô – thực trạng và giải pháp" do Thành Đoàn HN tổ chức tại THPT Chu Văn An, HN có sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý, văn hóa; một số đ/c đại diện lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố, đại diện giáo viên, học sinh trường THPT Chu Văn An,…

Chia sẻ câu chuyện về tình cảm của lứa tuổi học trò, TS Đoàn Hương cho biết: “Yêu là gì, làm thế nào để tỏ tình khi yêu. Tôi thấy giới trẻ ngày nay tỏ tình rất chán, nói với nhau những câu dở tệ.

Chúng tôi đi xem ngôn ngữ của giới trẻ nói chuyện với nhau như thế nào. Tôi có vào một quán café. Chúng tôi gặp một cặp nam nữ học sinh lai nhau bằng xe đẹp tới. Trên vai các bạn còn đeo balo, mặc áo có phù hiệu trường. Các em nói rất to khiến những người bên cạnh cũng phải lắng nghe câu chuyện của các em. Nói to quá đã là vô văn hóa rồi. Các em nên chăm đọc sách hơn để học hỏi về văn hóa”.
 
TS Đoàn Hương

Và TS Đoàn Hương lý giải: “Các em có quyền yêu nhưng tại sao chưa nên yêu vì các em chưa biết yêu là gì. Tình phí khi yêu các em cũng chưa chủ động được, đến lúc ra về, cậu con trai trong câu chuyện tôi kể trên lúng túng không có tiền, bạn gái phải mở cặp lấy tiền trả.

Ngày hôm nay ở đây chưa có cô gái nào xứng đáng với các chàng trai và cũng chưa có chàng trai nào đủ xứng đáng với các cô gái. Các em chưa đủ chín chắn, suy nghĩ còn non nớt vậy thì nương tựa vào nhau như thế nào”.

Nhiều mặt xung quanh vấn đề đạo đức, lối sống và việc chấp hành pháp luật của các bạn học sinh thủ đô nói riêng, học sinh trung học cả nước nói chung cũng được các chuyên gia đưa ra phân tích.

“Xả rác ra môi trường, cướp hoa anh đào, ăn mặc lố lăng,… là một trong những biểu hiện thiếu ý thức của một bộ phận các bạn học sinh”, PGS.TS.Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia HN chia sẻ quan điểm.
 

PGS.TS Phạm Hồng Tung (ngồi hàng đầu bên phải)

Một điều nữa khiến các phụ huynh đau đầu hiện nay là làm thế nào để quản lý được việc truy cập mạng internet của các con để tránh xa các trang web bẩn. Ông Hồng Tung cho rằng phụ huynh nên phân tích để con tự nhận ra và biết đề kháng với những văn hóa phẩm xấu thay vì đặt lệnh khóa.

Và ông cũng kể về những ngày ông sống và học tập tại Đức nhiều năm trước đây. Khi đó những tranh ảnh “mát mẻ” đã được bán công khai ở siêu thị Đức nhưng tuyệt nhiên không có cảnh túm tụm lại xem và bàn tán.

Một SV Việt Nam mang về xem ở trong phòng ăn chung thì bị một sinh viên Đức ra nhắc nhở và nói không ai cấm xem nhưng nên xem trong phòng riêng của mình để tôn trọng những người khác. Như vậy mỗi người dân Đức đã nhận thức rất cao về văn hóa công cộng.

Về khía cạnh chấp hành pháp luật, công an thành phố Hà Nội cung cấp con số từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự (riêng năm 2011, phát hiện, xử lý 110 đối tượng).

Đặc biệt những năm gần đây tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm hơn. Một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã tham gia vào các băng, ổ, nhóm tội phạm phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ, hung hãn.

Tham luận về “Đổi mới công tác giáo dục đạo đức, nếp sống thanh lịch, văn minh trong các trường học thủ đô” của Phó trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Lê Văn Đào, có những biện pháp đơn giản và thiết thực.
 

Đ/c Lê Văn Đào

Theo ông Đào, thay bằng việc thầy cô chủ nhiệm thường dùng những từ chung chung để nhận xét về học sinh như: “Học khá, chăm ngoan, hoặc vô kỷ luật, hay nói leo” thì nên học tập cách làm của các trường học ở Canada.

Ở Canada (một năm học có 3 kỳ) cha mẹ học sinh nhận được một bản nhận xét (Hai trang khổ A4) với nội dung đánh giá trên các mặt: Kỹ năng làm việc độc lập, năng lực sáng tạo, mức độ hoàn thành các bài tập, năng lực sử dụng CNTT, khả năng hợp tác với những người xung quanh, khả năng giải quyết những xung đột cá nhân, mức độ tham gia các hoạt động tập thể của lớp, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng biết đặt mục tiêu để hoàn thiện tương lai.

Cách làm này có thể các giáo viên chủ nhiệm vất vả hơn một chút nhưng sẽ giúp thế hệ học sinh hiện đại sớm hoàn thiện các kỹ năng và nhân cách.

Phương Nhung