Kỳ công việc phục dựng tê giác tuyệt chủng ở Việt Nam

01/12/2011 14:07:08
- Các nhà khoa học của Viện sinh học Tây Nguyên đang tiến hành việc phục dựng lại bộ xương tê giác 1 sừng vừa tuyệt chủng. Các chuyên gia cho biết, để biến một con vật đã chết trở lại trạng thái nguyên mẫu như ban đầu khá phức tạp nhưng vẫn phải làm.

Tái tạo lại xương

Ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên cho biết, đây là lần đầu tiên, VQG bỏ tiền ra để nhờ các nhà khoa học của Viện Sinh thái Tây Nguyên phục dựng lại bộ xương của con tê giác 1 sừng vừa được công bố là đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Kinh phí của việc phục dựng là 140 triệu đồng.

Theo ThS Hà Thanh Tùng, Viện Sinh thái Tài nguyên, người trực tiếp tham gia thực hiện phục dựng lại bộ xương tê giác quý này, vì số xương thật của con tê giác này vẫn còn khá nhiều (chỉ thiếu chưa đến 10%) nên các nhà khoa học chỉ phục dựng lại một số xương bị thiếu hụt như vài cái răng, 5 đốt xương hông, 2 đốt xương cổ, 3 đốt xương sườn, móng và xương bánh chè...
 
Bộ xương của tê giác Java 1 sừng được tìm thấy ở VQG Cát Tiên vào tháng 4/2010. (ảnh: WWF)
Bộ xương của tê giác Java 1 sừng được tìm thấy ở VQG Cát Tiên vào tháng 4/2010. (Ảnh: WWF)

Tuy nhiên, việc phục dựng lại những "phần đã mất" cũng không dễ dàng. Đầu tiên nhóm chuyên gia phải đo đạc, tính toán để tìm ra kích cỡ thật của các "mẩu" còn thiếu sau đó mới lên phương án thực hiện. Có 2 cách để "làm lại" số xương đã mất (một là sử dụng sợi thủy tinh, hai là sử dụng vật liệu composite).

Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu quyết định chọn vật liệu composite. Hiện các nhà khoa học đang tiến hành đúc xương từ composite. Công đoạn này mất khá nhiều thời gian phải đảm bảo các mẩu xương phục dựng đúng như thật về cả màu sắc, kích cỡ, khối lượng... Sau khi hoàn thành xong việc đúc, nhóm chuyên gia bắt đầu tiền hành khớp nối với nhau. Dự kiến cuối tháng 12 này, sản phẩm xương tê giác 1 sừng mới được hoàn chỉnh và đưa vào trưng bày.

Khó cũng phải làm

TIN LIÊN QUAN
ThS Hà Thanh Tùng cho biết, đối với trường hợp tê giác 1 sừng này, chỉ thực hiện phục dựng lại nguyên bộ xương chứ không thể làm thành một con vật hoàn chỉnh, bởi khi tìm thấy thì con vật quý hiếm này chỉ còn là khung xương chứ không còn da. Trong khi đó, việc tái tạo lại da sao cho giống như da thật lại vô cùng tốn kém và phức tạp.

TS Phạm Văn Lực, giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, để  biến một con vật đã chết trở lại trạng thái nguyên mẫu như ban đầu trải qua hàng trăm công đoạn. Với các mẫu vật ở dạng đông lạnh, sau khi tiếp nhận, trước hết phải chụp hàng trăm kiểu ảnh để giữ lại hình dáng, màu sắc thật của con vật để sau đó so sánh. Bước tiếp theo là lột da. Da sau khi được thuộc phải giữ cho lông không bị rụng, da không có mùi hôi...

Sau đó sẽ phải tổ chức mô hình con thú như chế tác cốt bằng sắt, sau đó nhồi bông. Hiện người ta sử dụng phổ biến thạch cao để tái hiện được chính xác từng đường nét trên con thú. Sau đó, lắp da để tạo thành con vật trông như thật. Bộ phận nội tạng dư thừa được đốt tiêu hủy hoặc chôn sâu.

Khâu khó nhất là dựng khung và nhồi. Cái này đòi hỏi cả kỹ thuật, lẫn mỹ thuật. Những người làm kỹ thuật có thể chế tác lại thành một con vật hoàn chỉnh, nhưng để con vật "sống động như thật" biết biểu lộ cảm xúc thì phải có họa sĩ tạc tượng thật sự. Khó khăn trong quá trình bảo quản là việc lưu giữ và bảo quản những loài đã được tái hiện này cũng cần có điều kiện nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, dù khó khăn song trong nhiều trường hợp vẫn phải thực hiện để phục vụ nghiên cứu, tham quan và hơn hết là giáo dục ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật quý hiếm.
“Bộ xương tê giác 1 sừng sau khi phục dựng sẽ được đưa về VQG Cát Tiên và được đem ra trưng bày để nhắc nhở khách tham quan trong việc nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Tê giác một sừng (có tên khoa học là rhinoceros sondaicus annamiticus) được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công bố tuyệt chủng vào cuối tháng 10/2011”.
     
Ông Trần Văn Thành

Tô Lan
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.