Bộ Nông nghiệp ra văn bản cấm nuôi đỉa

02/12/2011 11:23:16

- Ngày 1/12, tại cuộc họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức, ông Nguyễn Huy Điền - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trong 1, 2 ngày tới, Bộ sẽ ban hành văn bản về việc cấm nuôi đỉa và ốc bươu vàng.

TIN LIÊN QUAN

Báo Thanh niên dẫn lời ông Điền cho biết, Bộ cũng yêu cầu thanh tra các sở NN-PTNT và chi cục thủy sản các địa phương tuyên truyền, vận động cho người dân biết về tác hại của việc nuôi đỉa và ốc bươu vàng trên đồng ruộng; tổ chức kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn người dân nuôi các sinh vật này.

Trong thời gian qua, người dân ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), Tây Ninh, và các tỉnh phía Bắc đang "đánh vật" với tình trạng đỉa sinh sôi nảy nở, xâm chiếm ao hồ, đồng ruộng.

Trước đó, tại các địa phương trên rộ lên tình trạng người dân đua nhau đổ ra đồng bắt đỉa, gom về bán cho đầu nậu. Mỗi ký đỉa bán với giá 80-150 ngàn đồng.  Một số người dân cho biết, số đỉa trên sẽ bán sang Trung Quốc để làm thuốc. Thấy lợi, nhiều hộ dân ở Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao hồ để mang bán. Tuy nhiên, sau đó, các đầu nậu bỏ đi rất nhanh, để lại những cánh đồng đầy đỉa. Kể từ đó, hàng ngàn con đỉa sinh sôi, thoát ra khỏi khu vực này, xâm chiếm ao hồ đồng ruộng xung quanh.


Ảnh: Tiền phong
Ảnh: Tiền phong


Trước phản ánh của báo chí, trả lời trên VTV1, chánh văn phòng huyện Hóc Môn cho rằng đỉa là chuyện bình thường vì nơi đây là ao hồ, đất nông nghiệp.

Ngày 23/11, chính quyền xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn đã cho phát cỏ, rắc vôi vựa đỉa ấp Chánh 1 nhưng theo người dân nơi đây, việc xử lý quá chậm, rắc vôi không xử hết vì cá không chết, đỉa càng khó chết hơn.

TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viên Nuôi trồng Thủy sản cho biết, đỉa là một loài ký sinh giả. Khi nuôi nhiều quá nó sẽ hút máu các động vật thủy sinh dưới nước, ảnh hưởng tới sức khỏe cho các động vật thủy sinh. Ngoài ra, đỉa là một vật chủ trung gian gây bệnh tiêm mao trùng, một bệnh khá nguy hiểm cho động vật và con người. Đỉa sống rất dai, có thể nằm yên trong bùn, trứng của nó vừa là hữu tính và vô tính nên lượng sản sinh rất lớn.

Đầy đủ dinh dưỡng thì đỉa sẽ sinh sản, tuy nhiên khi đói quá nó cũng tự sinh sản để bảo tồn. Tốc độ sinh sản và phát triển của đỉa rất nhanh. Nếu đỉa phát triển tự nhiên thì không sao, nhưng nếu nuôi nhiều và không kiểm soát được nó sẽ phát triển ồ ạt và tấn công tất cả các loại động vật khác thủy sinh dưới nước.

Về biện pháp tiêu diệt đỉa, TS Tề cho biết, một là người dân phải bắt trực tiếp hoặc phải dùng hóa chất. Tuy nhiên dùng hóa chất đưa xuống môi trường thủy sinh sẽ ảnh hưởng đến các loài động vật khác dưới nước. Vậy nên, cách tốt nhất là bắt đỉa sau đó đào hố chôn, rồi rắc vôi sống lên.

Phạm Lý (Tổng hợp)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.