Thứ Sáu, 09/12/2011
10:50 | 09/12/2011

'Tăng phí trước bạ ôtô không thể giảm ùn tắc'

> Hạ tầng quá tải, giải pháp nửa vời

"Từ bài học đăng ký xe máy, có thể suy ra các giải pháp tăng phí ôtô chỉ là trước mắt, tôi không nghĩ biện pháp này đem lại hiệu quả cao trong việc giảm ùn tắc giao thông"-Ông Vũ Cao Minh, đại biểu HĐND Hà Nội nói.

Ôtô con đăng ký mới có thể phải chịu 20% phí trước bạ. Ảnh: Hoàng Hà
Ôtô con đăng ký mới có thể phải chịu 20% phí trước bạ. Ảnh: Hoàng Hà.
 

- UBND thành phố đã đề xuất nâng phí trước bạ ôtô con từ 12 lên 20%. Ông nhìn nhận thế nào về mối liên hệ giữa tăng phí và giảm ùn tắc giao thông?

- Hà Nội từng quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, song do nhu cầu thực tế, người dân vẫn mượn tên, bán xuất đăng ký, thậm chí mang ra tỉnh ngoài đăng ký rồi lưu hành tại Hà Nội. Từ bài học này có thể suy ra các giải pháp tăng phí ôtô chỉ là trước mắt, tôi không nghĩ biện pháp này đem lại hiệu quả cao.

Chống ùn tắc biện pháp thiết yếu vẫn là kỷ cương trong giao thông đô thị, bên cạnh đó là mở rộng nâng cấp hạ tầng và phương tiện công cộng, mở rộng bến bãi giao thông tĩnh. Nếu chỉ tăng phí, lệ phí chưa thể mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn phải làm để giải quyết tình thế trước mắt tại thời điểm hiện nay.

- Ông đánh giá thế nào về các mức phí trước bạ và phí trông giữ xe được đề xuất?

- Mức phí trước bạ đối với ôtô là hợp lý, song phải cân nhắc đối với mức phí trông giữ xe đạp, xe máy vì đại bộ phận đời sống người dân còn thấp. Nếu người dân phải chi phí quá cao thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống, trong khi lạm phát hiện nay khá cao. Với mức phí trông xe đạp, xe máy tôi cho rằng phải bàn thận trọng hơn.

Ông Vũ Cao Minh, đại biểu HĐND Hà Nội
Ông Vũ Cao Minh, đại biểu HĐND Hà Nội.
 

- Nhiều đại biểu cho rằng tăng phí trước bạ để giảm ôtô cá nhân, từ đó giảm ùn tắc, ông nghĩ sao trước ý kiến này?

- Hiện nay vì giá ôtô quá cao nên những người có nhu cầu mua xe phải cân nhắc. Chưa hẳn do tăng phí mà số lượng ôtô mới sẽ giảm mà khi có nhu cầu cần thì người ta sẽ vẫn mua và chấp nhận quy định của nhà nước. Như vậy, tăng phí không hẳn đó là tác động tích cực, quyết định đến việc giảm hẳn đến số lượng xe, mà chỉ tác động một phần thôi. Chủ yếu hiện nay do xe giá nhập khẩu quá cao nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân cân nhắc mua phương tiện này.

- Ùn tắc hiện nay còn do lòng đường nhiều nơi vẫn được trưng dụng để đỗ xe. Theo ông, thời gian tới cần quản lý việc này như thế nào?

- Chúng ta không nên cực đoan cấm đỗ xe ở lòng đường. Trong điều kiện hiện nay giao thông tĩnh còn khó khăn, bến bãi đỗ chưa có thì chúng ta cần tận dụng những địa điểm không ảnh hưởng nhiều đến giao thông đô thị để cho phép đỗ xe. Song không nên cho phép đại trà, tràn lan, như dưới gần cầu Thanh Trì, một số điểm gây mất mỹ quan đô thị thì phải kiểm tra, xóa bỏ.

Khi thành phố chưa có nhiều bãi đỗ xe tĩnh thì vẫn cần cấp phép, phải căn cứ đặc điểm từng vị trí. Đây vẫn là các biện pháp trước mắt còn lâu dài phải có các bãi đỗ xe tĩnh theo quy hoạch của thành phố.

UBND Hà Nội đề xuất, lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi lần đầu là 20% (hiện nay là 12%), lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi là 12%. Phí cấp biển ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải là 20 triệu đồng (hiện nay là 2 triệu đồng).

Phí trông giữ xe máy từ 3.000 đến 5.000 đồng/lượt. Trông giữ ôtô trong nội thành từ 30.000 đến 40.000 đồng/lượt 120 phút.


Theo Đoàn Loan
VnExpress

 
 
'; ABDZone[1] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);