Thứ Sáu, 09/12/2011, 10:11 [GMT+7]
.
.

Ghi điểm trong mắt mẹ chồng khó tính nhờ củ gừng dân dã

(Phunutoday) - Ngày nào cũng như ngày nào, tối đến là Hiền phải dọn dẹp nhà cửa đến khuya mới được nghỉ. Nào là rửa bát, đánh xoong nồi, dọn dẹp nhà bếp, rồi tranh thủ lau nhà, đánh rửa cốc chén, đủ thứ việc không tên. Có lần, cô lên phòng thì Dũng đã lăn ra ngủ say từ bao giờ. Đôi lúc mệt mỏi, lại bị chê đủ điều, nhưng Hiền vẫn không kêu than lấy nửa lời. Đơn giản vì từ trước đến nay, khi cô chưa về làm dâu, mẹ Dũng vẫn một tay làm tất cả các công việc ấy.

Buổi ra mắt mẹ chồng tương lai không giống ai  

Hiền và Dũng là bạn học cùng từ thời đại học. Hiền dịu dàng, nết na, lại chăm chỉ và học giỏi nên được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Dũng là một trong số đó. Dũng không xuất sắc trong lớp, cũng không đẹp trai, tài tử, nhưng bù lại, ở anh, Hiền cảm thấy một sự vững chãi và tin cậy tuyệt đối. Mọi người đều nói, họ là một cặp rất đẹp đôi. Nhưng khi họ quyết định đi đến hôn nhân thì lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ mẹ Dũng.

Bà Ngân vốn là người phụ nữ sắc sảo, chu toàn. Mọi việc trong gia đình, bà đều một mình ra tay lo liệu, chính vì thế, bà rất cần một cô con dâu đảm đang, tháo vát. Hơn nữa, nhà Dũng vốn là một gia đình nề nếp ở thủ đô, trong khi anh lại là con cả nên việc kén dâu của bà Ngân lại càng kỹ càng hơn hết. Bà Ngân chê Hiền là con nhà nông dân, lại là người miền biển thì sẽ không có được sự đảm đang, khéo léo và tinh tế được. Do vậy, bà kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này. Nhưng, trước sự kiên quyết của Dũng, cuối cùng, bà đành phải gật đầu miễn cưỡng, đồng ý cho Dũng đưa Hiền về “duyệt”.

Ngày đầu tiên ra mắt mẹ chồng tương lai, Hiền đã bị thử thách không biết bao nhiêu “cửa ải”. Đầu tiên là bữa cơm đầu tiên do... chính tay bà Ngân nấu. Hơi ngược đời, nhưng vì bà Ngân không muốn cho Hiền được tự tay thể hiện ngay mà bà muốn, bà là người tự tay nấu, giống như một bức thông điệp ngầm gửi cho Hiền: “Cô hãy chăm chú xem và học tập tôi đi nhé, vì tôi biết, cô chưa đủ khả năng đâu”. Thế là, suốt buổi sáng hôm ấy, thay vì ngồi nói chuyện về gia đình, thay vì hỏi han về công việc, bà Ngân đã biến Hiền thành một cô gái học việc thật sự.

Bà vừa làm, vừa giảng giải nào nguyên liệu, nào cách sơ chế, nào các loại gia vị, nào cách nấu rồi cách trình bày... toàn những yêu cầu cao, toàn những cách cầu kỳ cả. Vừa làm, bà vừa nói: “Nhà bác trước nay đều chuẩn bị kỹ càng như thế này cả. Bữa ăn cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc mệt nhọc nên phải đảm bảo”. Bà còn nói: “Cứ phải chu đáo, không thể chém to kho mặn được đâu cháu ạ!”. Cũng may, Hiền vốn sáng dạ và khéo léo nên cô thành thật “học tập” một cách chăm chỉ và nghiêm túc, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thêm.

Cô nhẹ nhàng lắng nghe, rồi lăng xăng làm phụ bếp nhiệt tình giúp bà. Được cái, bà Ngân cũng rất nhiệt tình chỉ dạy, nên buổi “thọ giáo” đầu tiên đó cũng tạm thời êm đẹp. Nhưng chưa hết, đến cuối buổi, khi Hiền rửa bát và dọn dẹp, bà còn để ý kỹ xem cô gái trẻ rửa bát có sạch không, có úp bát, đĩa vào đúng vị trí không, và đặc biệt là có cắm đũa đầu đũa lộn xộn không. Bởi theo bà, việc cắm đũa vào ống, đầu ăn hướng lên trên rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện tính vệ sinh mà còn là thể hiện cô gái đó có sống theo đúng tôn ti trật tự hay không, có ngăn nắp thật sự hay không.

Cho đến khi Hiền dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp, cọ rửa phòng bếp sáng bóng lên, mọi thứ đâu vào đấy rồi thì bà Ngân mới tạm thời gật đầu. Khi Dũng đưa Hiền về rồi, bà phán vỏn vẹn câu: “Tạm được” dành cho Hiền trước mặt cả nhà.
 

Con dâu “nhà quê”

Hiền về làm dâu rồi nhưng bà Ngân vẫn chưa hết ác cảm với cô. Bà luôn mặc định Hiền là con gái nhà quê nên làm gì cũng không khéo, bà không ưng. Những bữa cơm Hiền nấu, bà luôn tìm đủ mọi lý do để bắt bẻ cô. Bà coi đó là món ăn đậm chất nhà quê, không sang trọng. Lúc đầu, Hiền cũng rất tủi thân, nhưng bên cô đặc biệt có Dũng, anh luôn động viên và chia sẻ với cô. Hơn nữa, Hiền vốn coi trọng gia đình, cô coi việc bếp núc là của mình. Cô nghĩ, hạnh phúc gia đình được vun đắp nhờ bếp luôn đỏ lửa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chính vì thế, cô không bao giờ giận mẹ chồng mà luôn cố gắng làm bà hài lòng.

Có lần, Hiền nấu canh cá, bà chê là cá rán kỹ quá, nấu canh chỉ cần rán sơ thôi, rồi dọc mùng chưa được bóp kỹ. Mỗi lần Hiền pha nước chấm, bà chê tỏi chưa nổi, như vậy là gia vị chưa đủ,... Thôi thì đủ cả, chưa lần nào, Hiền nấu món nào mà lại được bà ủng hộ, cho dù, Hiền đã nấu nó dưới sự “chỉ đạo” gắt gao của bà. Cũng may, bố chồng, Dũng và cậu em chồng ăn uống cũng dễ tính, chứ cả nhà cùng “kiểm nghiệm” như bà Ngân, chắc Hiền không... “tải” nổi.

Nấu ăn là vậy, nhưng bà Ngân còn đặc biệt phản đối Hiền trong việc dùng những mẹo nhỏ, sử dụng các loại gia vị như vị thuốc. Vốn sinh ra và lớn lên ở quê, gắn bó với thiên nhiên từ nhỏ, lại được gần bà ngoại và mẹ, những người thường sử dụng những bài thuốc dân gian chữa bệnh nên Hiền học được ít nhiều. Cô biết, cây thuốc mọc quanh ta, ở xung quanh ta, ta vẫn dùng nó thường ngày, chỉ có điều ta có biết sử dụng nó hay không thôi. Nhưng bà Ngân không nghĩ vậy, nếp sống phố phường khiến bà tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ, vào thuốc Tây.

Họng Dũng không được tốt lắm, thỉnh thoảng, cứ trời trở lạnh là anh lại viêm họng, mất giọng và ho khúc khắc. Mỗi lần thế, Hiền thường hấp mật ong và chanh cho Dũng uống, nhưng bà Ngân kịch liệt phản đối. Bà bảo, thuốc Tây đắt tiền còn chẳng ăn ai, nữa là những bài thuốc vớ vẩn, không có cơ sở khoa học như thế. Cứ như thế, những việc Hiền làm đều không được bà ghi nhận. Suy nghĩ Hiền là con gái nhà quê ăn sâu vào tâm thức bà. Mặc dù sự thật, Hiền là cô gái đảm đang, chịu khó và khéo léo nhưng bà Ngân không chịu thừa nhận điều đó.
 

Ghi điểm nhờ củ gừng dân dã

Một ngày cuối tuần, bố chồng Hiền có bạn đến chơi. Ông Lâm vốn là bạn của bố, quê tận Lào Cai. Lâu ngày không gặp bạn nên bố chồng Hiền - ông Huấn rất vui. Chủ nhật hôm ấy, ông dặn Hiền chuẩn bị nấu cơm mời khách. Tham khảo mẹ chồng về thực đơn, bà Ngân bảo, ông Lâm sống ở miền núi nên họ sẽ chỉ đãi ông toàn đồ biển. Ngay trong buổi sáng, Hiền chở bà Ngân đi chợ mua thức ăn. Bà Ngân tự tay chọn nào tôm, cá, mực, ngao và các loại rau, gia vị nấu món lẩu hải sản chua cay.

Hiền cầu kỳ chuẩn bị từ sơ chế nguyên liệu đến nước dùng, khi đã xong xuôi, cô cũng trang trí cầu kỳ không kém. Món lẩu hải sản hiện lên thật bắt mắt và thơm mùi thơm đặc trưng của nước dùng. Ông Lâm mới chỉ nhìn qua đã xuýt xoa khen ông Huấn, bà Ngân có cô con dâu khéo tay.

Bữa ăn thật đầm ấm. Trong tiết trời se lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên nhau, hơi nước từ nồi nước lẩu nghi ngút thơm. Hiền luôn tay nhúng tôm, cá, mực, rau, cho cả nhà. Bên hơi ấm từ nồi nước dùng, má Hiền ửng hồng lên rất dễ thương. Ông Lâm vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon khiến cả nhà cũng vui lây.

Câu chuyện về ngày xưa của hai ông thật vui, thật rôm rả. Nhưng bất ngờ, chỉ sau khoảng 10 phút, ông Lâm bỗng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, người nôn nao khó chịu. Vì lịch sự nên ông cố ngồi thêm, cố không biểu hiện gì, dù trong người đã rất khó chịu. Nhưng cũng chỉ cố được một chút, người ông vã mồ hôi, ngồi không vững. Cả nhà Hiền cuống lên khi ông Lâm mặt tái xanh, nói ngắt quãng: “Tôi... tôi... xin lỗi” rồi ngã ra ngất xỉu.

Bà Ngân không giữ được bình tĩnh, chỉ biết luôn mồm: “Trời ơi! Trời ơi” rồi cuống quýt lên, chẳng biết làm gì hơn. Ông Huấn và Dũng vội vàng đưa ông Lâm vào phòng nằm và gọi cấp cứu. Trong lúc ấy, Hiền bình tĩnh lạ kỳ. Cô xuống bếp, chỉ ít phút sau, cô mang lên một cốc nước và giục Dũng đỡ ông Lâm lên rồi nhẹ nhàng bón từng thìa nhỏ cho ông. Gương mặt ông Lâm méo xệch, những nếp nhăn xô vào nhau, miệng mím chặt, phải khó khăn lắm, Hiền mới bón được cho ông vài thìa nước.

Nhà ở trong ngõ, có gọi cấp cứu cũng phải đợi, vì thế, cả nhà nín thở chăm chú quan sát từng biểu hiện của ông Lâm. Hiền kiên nhẫn bón cho ông Lâm từng thìa nước, vừa bảo Dũng và cậu em chồng xoa chân tay cho ông. Được một lúc, ông Lâm khe khẽ mở mắt, cả nhà mừng rơn, ông khó nhọc uống nốt chỗ nước còn lại trong cốc rồi nằm xuống. Chừng 15 phút sau, da mặt ông Lâm đã bớt xanh hơn, ông không thở một cách khó nhọc nữa mà thở đều hơn, mạch cũng đã đập bình thường trở lại.

Cả nhà định đưa ông đến bệnh viện nhưng ông cương quyết gạt đi, ông bảo, ông đã cảm thấy khỏe hơn nhiều, chỉ cần nằm một lúc là ông sẽ hồi phục. Khi đã thấy ông Lâm khá hơn, cả nhà thở phào nhẹ nhõm ra ngoài phòng khách ngồi.

Mọi người thắc mắc, không biết Hiền đã dùng bài “thuốc tiên” gì mà hiệu nghiệm thế, đặc biệt là bà Ngân. Bà không ngờ, cô con dâu mà bà vẫn cho là “nhà quê” này lại có thể bình tĩnh xử lý tình huống như vậy. Đáp lại, Hiền chỉ cười: “Con cho bác ấy uống nước gừng và lá tía tô”. Khi ai cũng ngạc nhiên, Hiền giải thích thêm: “Bác Lâm bị dị ứng hải sản, đây là một loại dị ứng hiếm gặp nhưng cũng khá nguy hiểm. Có những trường hợp nặng, không loại trừ khả năng dẫn đến tử vong.

Bài thuốc của con rất đơn giản: Lấy khoảng 20 gam gừng tươi, 50 gam tía tô giã nát, vắt lấy nước uống, phần còn lại, con cho thêm ít đậu xanh vào nấu cháo, khoảng 2 giờ sau, cho bác ấy ăn cháo nữa là bình phục mẹ ạ!”. Bà Ngân hết sức ngạc nhiên, bà không ngờ củ gừng dân dã mà bà vẫn dùng làm gia vị ấy lại có khả năng tốt như thế. Bà cũng không ngờ, bài thuốc dân gian đơn giản ấy lại hiệu nghiệm đến vậy. Thế mà lâu nay, bà vẫn phản đối Hiền dùng những bài thuốc dân gian này. Dù không nói ra, nhưng trong lòng, bà Ngân thầm phục cô con dâu.

Khi tỉnh dậy, ăn bát cháo Hiền nấu và thấy khỏe khoắn trở lại, ông Lâm hết lời khen nhà ông Huấn, bà Ngân có cô con dâu giỏi giang, khéo léo. Câu chuyện bây giờ trở thành một kỷ niệm với cả nhà.

Sau chuyện ấy, bà Ngân cũng thôi không nhìn Hiền với con mắt khắt khe nữa, bà nhận ra, bấy lâu nay mình cứ mải mê nhìn vào nguồn gốc, nhìn con dâu bằng con mắt đầy ác cảm của mình mà quên mất những gì con dâu đã làm được. Bà tự nhủ: con dâu mình dân dã, đơn giản đấy mà ấm nóng và tình cảm, sâu sắc biết bao nhiêu!
    
 

  • PV
;
.
.