Lão nông “ươm mầm” bóng đá nữ
(Dân Việt) - Khi tuyển nữ VN làm mưa làm gió tại các kỳ SEA Games, thì ở vùng quê Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín, Hà Nội), lão nông Dương Khắc Kiểm vẫn miệt mài, thầm lặng đi tìm “ngọc thô” cho bóng đá nữ nước nhà như một niềm vui…
Với nhiều tuyển thủ bóng đá nữ từ thế hệ vô địch SEA Games 2003 đến những điểm sáng vô địch SEA Games 2009 như thủ môn Thu Trang, Khánh Ly, trung vệ Nguyễn Thị Nga, tiền đạo Nguyễn Thị Thành, và trẻ nhất là tiền đạo Phạm Hải Yến (19 tuổi, HCĐ Giải Vô địch Đông Nam Á 2011), thì ông Kiểm chính là người thầy đầu tiên, chắp cánh ước mơ cho họ thoát khỏi lũy tre làng.
Đi dọc Quốc lộ 1A tới ga Tía, vào làng Nghiêm Xá hỏi ai cũng biết nhà ông Kiểm. Nhưng nếu muốn gặp người thương binh từng vào sinh ra tử trong gần chục năm trời làm lính vận tải tham gia kháng chiến chống Mỹ, giờ đã 66 tuổi mà niềm đam mê thể thao vẫn cuộn chảy mãnh liệt, thì cứ ra thẳng sân bóng làng là gặp.
“Từ 14 giờ 30 đến 17 giờ hàng ngày, tôi đều mang bóng ra sân chờ các cháu đi học về vào tập. Gần 20 năm trước, khi tôi bắt đầu xây dựng 2 đội bóng Tuổi Trẻ và Thanh Xuân để tham gia vào hội làng nhân dịp đình làng được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia có khó khăn về kinh phí thật, dân lúc đó nghèo lắm, phải động viên, thuyết phục từng nhà mới miễn cưỡng gật đầu cho con gái đi đá bóng, nhưng xem ra còn dễ làm hơn ngày nay.
Lịch học của các cháu bây giờ kín mít, rảnh một chút lại phải lo việc nhà nên có những buổi tập chỉ có khoảng 10/30 cháu tham gia. Chỉ vào những ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc hôm thi đấu (đội bóng hiện tại mang tên CLB Bóng đá nữ Tuổi Trẻ) có sự giúp đỡ của nhà trường thì mới đông đủ” - ông Kiểm tâm sự.
Hỏi ông niềm tin nào để ông tiếp tục theo đuổi một công việc nhọc nhằn, thầm lặng, và mong manh dễ vỡ đến vậy, ông trầm giọng: “Tôi tìm thấy hạnh phúc, cảm giác làm được một điều gì đó cho bóng đá nước nhà. Bản thân các cháu cũng rất đam mê, nhiều cháu có hoàn cảnh rất đặc biệt và coi đó như cơ hội duy nhất để đổi đời. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng duy trì sức khỏe, còn sức thì còn chiến đấu”.
|
Ông Kiểm lên lớp với các học trò nhỏ. |
Trường hợp cô thủ môn tội nghiệp Nguyễn Thu Phương được ông Kiểm đặc biệt lưu tâm. Bố mẹ Phương đã chia tay, hai mẹ con về bên ngoại ở trong một… túp lều dựng tạm. Nhưng ngay từ những bước đi đầu tiên, Phương đã khẳng định được khả năng như một sự tiếp nối 2 “đàn chị” Thu Trang, Khánh Ly trong khung gỗ. Năm ngoái, Phương đã được gọi vào đội U16 nữ quốc gia dự vòng loại thứ 2 Giải U16 châu Á 2011 tại Thái Lan.
Chia sẻ, cảm thông với các học trò, ông Kiểm không quan tâm đến cái khoản chế độ 1 triệu đồng/tháng từ Sở VHTTDL Hà Nội cộng với 150.000 đồng/tháng cho vị trí Phó ban TDTT xã của mình, mà cố gắng đi xin chế độ cho các trò. Đội bóng hiện nay của ông đã được cấp 15 suất chế độ, mỗi suất 150.000 đồng/tháng. Số tiền ít ỏi nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt với những gia đình thuần nông quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn chẳng đủ ăn.
Ông buồn buồn khi nghĩ tới kỳ SEA Games 2011 không có bóng đá nữ, trong khi đội tuyển U23 VN lại đá đấm chẳng ra gì: “Giá như bóng đá nữ được quan tâm bằng 1/10 bóng đá nam thì tốt biết bao…”!
Nhìn lại gần 20 năm đi tìm “ngọc thô” cho bóng đá nữ nước nhà, ông Kiểm bảo giây phút hạnh phúc nhất là khi thấy những cô bé ngày nào thành đạt, đoạt HCV SEA Games, về nhà mua cho gia đình được chiếc xe máy đi lại cho đỡ vất vả. Lớp lớp thế hệ cầu thủ nữ mỗi khi có dịp đều gọi điện hỏi thăm, đi thi đấu nước ngoài về, ai cũng nhớ tặng thầy những kỷ niệm nhỏ tỏ lòng biết ơn.
“Hiếm có ai tận tâm và nhiệt thành như thầy Kiểm. Trong những thời khắc khó khăn nhất, hình ảnh của người thầy đầu tiên với những bài học cả trên sân cỏ và đạo làm người đã giúp chúng tôi vượt khó để trưởng thành trong sự nghiệp” - cựu trung vệ, Đội trưởng Đội tuyển nữ VN Nguyễn Thị Nga nói.
Trước giờ chia tay, ông Kiểm mơ màng nói nghe đâu đầu năm tới, huyện sẽ thành lập Trung tâm TDTT xã. Khi đó sẽ có các phòng, ban đàng hoàng, tuyển thêm người trẻ cùng làm việc…
Chính Minh