Thứ Hai, 12/12/2011, 13:23 [GMT+7]
.
.

Ca sĩ Tân Nhàn và những được - mất từ tuổi thơ dữ dội (1)

(Phunutoday) - Trong sản phẩm mới ra mắt của mình có tên “Giọt thời gian”, Tân Nhàn đã đặt riêng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết ca khúc “Quê mẹ” như một sự lưu giữ lại tuổi thơ của mình. Để có được ca khúc này, cô phải có nhiều cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và anh đã phải thốt lên “tuổi thơ của em đẹp nhưng cũng dữ dội như một bản Sonat”….
    

Sống gấp, sống vội để bù đắp lại ngày thơ vất vả

Trong ca khúc “Quê mẹ” ấy có câu: “Ta lưng trâu về nghe lời mẹ gọi/ Đơn sơ mái tranh nghèo cò thương con dại lặn lội phương xa/vách núi gió ùa về đêm co ro ngồi nghe mưa đông lạnh thương ai mong ai/phận đời nào chênh vênh cơ cực nhiều lam lũ gió sương/nơi quê xưa nghèo lắm đêm năm canh mòn mỏi/ngày tha hương xứ người từng đêm vẫn nhớ thương…”

Tất cả những hình ảnh đó đều thực sự là hình ảnh của Tân Nhàn với những nhớ thương quê nhà và thời thơ ấu của mình. Tân Nhàn ngày hôm nay thường bị đồn đại là có đại gia “chống lưng” nên cô mới có thể ra được những sản phẩm được đầu tư rất khổng lồ về mặt tiền bạc. Album “Giọt thời gian” của Tân Nhàn nghe đâu là mức độ tiền tính bằng “tỷ”, Tân Nhàn và ê kíp đã phải “dọc ngang” nhiều địa phương để tìm những cảnh quay phù hợp.

Với vùng Tây Bắc bảng lảng mây như sương khói, những cánh rừng, cầu treo đầy thi vị đã làm nền cho bài hát thêm hấp dẫn. Hoặc như ngày hội Lim đầy màu sắc dân gian của vùng Kinh Bắc được tái hiện qua “Tìm em trong chiều hội Lim”. Một cố đô Huế mộng mị trong “Đàn tranh mạ”, hay những cánh đồng lúa mênh mang cánh cò trong ca khúc “Quê mẹ”… Tất cả đã tạo nên bức tranh bằng hình ảnh, bằng âm nhạc hòa quyện, quyến rũ và tạo cho người xem cảm giác dễ chịu, thanh bình và ngập tràn cảm xúc.

Tân Nhàn tính nhẩm rằng với thời buổi đĩa lậu như bây giờ, nếu cô bán túc tắc thì chừng khoảng 15 năm nữa sẽ “hoàn vốn” cho album. Tất nhiên, thời này chẳng ai nghĩ chuyện làm đĩa để có lãi cả. Tân Nhàn đầu tư khổng lồ vào album chỉ để mong tạo được một dấu ấn đặc biệt mà cô ấp ủ lâu nay.

Album chứa rất nhiều cảm xúc của cô về cuộc sống của mình, Tân Nhàn như muốn nói ra rằng cô đã tìm thấy sự lắng đọng trong cuộc sống, trong cõi lòng… “Đại gia” đồn đại “chống lưng” cho cô chính là… cô, bởi đó là những tích cóp suốt những năm tháng làm việc điên cuồng để bù đắp cho tuổi thơ khó nhọc, vất vả của mình. Với cường độ của một người sáng mở mắt ra là nghĩ đến việc chạy show, đi diễn kiếm tiền thì số tiền kiếm được đó đâu phải là quá khó khăn!

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, ấn tượng của Tân Nhàn với thời thơ ấu của mình là cái gì đó cứ buồn buồn. Nhà Tân Nhàn ở sát vách núi, rất nghèo và hiu quạnh. Thời bao cấp đã qua, thành phố có điện rồi thì nơi Nhàn ở vẫn leo lét đèn dầu và xếp hàng đi mua gạo thịt. Tân Nhàn là cô bé nhà nghèo, đúng như lời câu hát mà Trần Mạnh Hùng đã sáng tác: “Đôi chân băng rừng qua bao chặng đường về/ Rung rinh đám hoa dại cỏ cây bên đường rộn ràng tiếng hát”, chính là Tân Nhàn đấy, ngày nào cũng băng đường rừng xa đi học và khi về lủi thủi vừa đi vừa… hái hoa rồi hát.

Tân Nhàn nhớ như in những năm tháng đó đến tận bây giờ. Hay cả hình ảnh khi Nhàn được giải Nhất Sao mai và có chút thành công trong công việc, cô đã ào về nhà và ôm chặt lấy mẹ vì sung sướng ở sân nhà… Sự vất vả, khó khăn của tuổi thơ đã giúp cho Tân Nhàn cảm nhận được sự quý giá của thành công như thế nào.

Ngày xưa, mẹ Tân Nhàn là công nhân nhà máy gạch. Mỗi khi mẹ đi làm thì cô bé Tân Nhàn bị nhốt trong nhà và tự ăn, tự uống, tự học bài, việc gì cũng… tự. Nhà Nhàn có một cái cửa sổ, đủ để cô bé nhỏ nhắn chui ra mỗi khi đi học và chui vào mỗi khi về. Khi Nhàn đi học về thường là mẹ đã đi làm rồi, nên Nhàn lại tự chui qua lỗ cửa đó vào nhà ăn cơm mẹ đã nấu sẵn rồi học bài. Cứ lủi thủi như thế, mẹ hay đi làm ca đêm, Nhàn ở nhà sợ ma lắm, nhưng nhiều đêm nhớ mẹ quá lại chạy tất tả đi đến nơi mẹ làm. Mẹ cặm cụi làm việc còn Nhàn ngồi thu lu ở đầu lán gạch đợi mẹ về…

Nhàn chẳng thể nào quên những ngày thơ giá rét, mọi người có đủ quần áo mặc còn cô không chỉ thiếu quần áo mà còn phải mặc quần… thủng đít. Có lần, Nhàn xấu hổ vô cùng khi được đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ ở tận Hà Nội nhưng cả nhà không có một bộ quần áo nào gọi là tươm tất để mặc, cuối cùng hàng xóm cho bé Nhàn mượn một bộ váy tím than. Đẹp lắm, với Nhàn bộ váy đó đẹp đến lạ kỳ mà cô chưa bao giờ dám mơ ước có được. Màu tím than ấy ám ảnh những giấc mơ của Tân Nhàn, cô luôn ao ước đến một ngày mình có thể có rất nhiều quần áo để mặc…

Những mong ước ấy dễ bị gọi là “tầm thường” nhưng lại là mơ ước đích đáng của một cô bé đã sống vất vả, khó nhọc. Nhìn lại chặng đường sống đã qua, nhiều khi Tân Nhàn thấy rùng mình vì không hiểu mãnh lực nào đã giúp cô làm được những việc ấy. Tiêu chí sống của cô là cứ tiến phăm phăm về phía trước, luôn luôn làm mọi việc không ngại ngần vất vả hay lười nhác. Hùng hục học hành rồi hùng hục đi kiếm tiền không mệt mỏi, Nhàn chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền, sống thật sung sướng.

Không có con đường nào khác là phải làm việc, tiến về phía trước, không được quay đầu lại. Chính điều đó cũng đã phần nào biến Tân Nhàn thành một phụ nữ giàu tham vọng. Hậu quả của nó là cô đạt được những thành công như mình mong muốn, nhưng lại làm cô đánh mất rất nhiều thứ đằng sau như những hồn nhiên tuổi trẻ, những vui chơi, nhất là sự lắng đọng để nhìn lại cuộc đời này thế nào.

Cho đến giờ này nhìn lại cuộc đời mình, Tân Nhàn hiểu, tiền không phải là tất cả, tiền không thay thế được tất cả những gì đang chảy trôi trong cuộc sống này mà người ta cần dừng lại nhìn nhận và suy ngẫm. Cô đã nghĩ rằng, chỉ cần không quá khổ thôi, bởi khi quá khổ sẽ không nghĩ ra được cái gì nữa. Khi quá nghèo người ta chỉ lo làm sao có thể tồn tại với cơm áo gạo tiền.

Bất chợt, Tân Nhàn có những thay đổi trong suy nghĩ, rằng chỉ cần kiếm đủ tiền để tái đầu tư cho sản phẩm của mình theo con đường mình mong mỏi, phục vụ công việc của mình, còn lại không cần quá tham lam để kiếm tiền, phải biết dừng lại và suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời này.
    
Chợt “tỉnh dậy” với những chiêm nghiệm của nhà Phật
    
Từ ngày nhỏ, mẹ mải miết đi làm, hơn nữa mẹ lại là phụ nữ thuần nông, không dành nhiều thời gian cho Tân Nhàn. Cô bé Tân Nhàn tự túc cuộc sống từ khi còn nhỏ với những tham vọng, những hoài bão. Nhưng, cũng có lẽ nhờ đó mới có được một Tân Nhàn làm được nhiều việc như ngày hôm nay. Mẹ nhìn thấy Tân Nhàn làm nhiều quá, đôi khi xót xa, bảo rằng sao con làm nhiều thế? Làm ít thôi… Nhưng đâu phải cứ muốn dừng lại là dừng được đâu.

Đến giờ này, Tân Nhàn mới dám nói đầy đủ về mình cùng sự lắng đọng, chậm lại. Thời gian với cô không ào ào, hối hả nữa mà bình thản hơn, nhẹ nhàng hơn. Trước đây, Nhàn cứ đi làm phăng phăng, ít khi để ý đến xung quanh như thế nào, không kịp có thời gian quan sát trên gương mặt người đối diện đang sầu não hay hạnh phúc, nhìn những số phận bất hạnh cũng thương đấy nhưng không kịp suy nghĩ thấu đáo để có thể làm gì đó vì họ…

Cuộc đời có những nhân duyên, Tân Nhàn cũng có những nhân duyên như thế với nhà Phật. Những triết lý được - mất của nhà Phật đã làm cô dừng lại và suy nghĩ về cuộc sống xung quanh, cho mình thời gian để cảm nhận tình yêu thương với những người bên cạnh mình, nhìn rõ hơn những số phận bất hạnh và thương cảm tận đáy lòng.

Ngay cả khi đi diễn, Tân Nhàn cũng đã bắt đầu có những thói quen quan sát xung quanh xem cuộc sống đang diễn ra như thế nào, xem những biểu cảm trên gương mặt của mọi người ra sao… Đó là sự chậm chạp để quan sát cuộc sống và rút ra kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Giờ, Tân Nhàn cũng không còn quá miệt mài với những show diễn nữa, biết chọn lọc hơn chương trình mình tham gia.

“Biết nói thế nào nhỉ? Tôi đã nhận ra được nhiều giá trị của cuộc sống khác, tôi hiểu được khi mình sống vội thì cuộc sống vô nghĩa như thế nào! Nhà Phật nói mỗi người sinh ra đều có lý do, được sinh ra làm người đã là cả một sự cố gắng lớn của kiếp trước rồi, vậy thì tại sao mình lại làm uổng những cố gắng của kiếp trước?!”- Tân Nhàn tâm tình.
 

(Kỳ 1: Ca sĩ Tân Nhàn và những được - mất từ tuổi thơ dữ dội )

  • Miên Thảo
;
.
.