'VPF phải có cái tâm'
Đặt nhiều kỳ vọng vào VPF, các chuyên gia, HLV Việt Nam cho rằng, để cải tổ bóng đá Việt Nam, đòi hỏi những người ngồi ghế chủ chốt của công ty này phải có cái tâm sáng.
> VPF và nỗi lo 'bình mới rượu cũ'
|
Ông Phạm Ngọc Viễn nhận được nhiều sự ủng hộ cho vị trí Giám đốc điều hành VPF. |
8h30 sáng nay, VPF mới tiến hành Đại hội Cổ đông chính thức. Nhưng nhân sự chủ chốt của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp dường như đã được tình trước. Theo đó các ông Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn, Trần Quốc Tuấn, Dương Vũ Lâm sẽ giữ những vị trí chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành, Trưởng ban trọng tài… Để hoàn thiện bộ máy, VPF mời nguyên Chủ tịch VFF khóa IV, Trần Duy Ly trở lại giữ ghế Trưởng BTC giải.
Tuy nhiên, danh sách nhân sự kể trên đã vấp phải ý kiến phản đối. Ông Phạm Ngọc Viễn từng bị cho là người có lỗi chính trong vụ VFF phải bỏ ra số tiền 200.000 USD bồi thường cho HLV người Pháp Letard vì phá hợp đồng không đúng cách. Ông Trần Duy Ly là người chịu trách nhiệm trong thất bại của tuyển Việt Nam ở Tiger Cup 2004 (tổ chức tại Mỹ Đình nhưng thầy trò HLV Tavares không qua nổi vòng bảng). Những cái tên cũ được nhắm cho những vị trí chủ chốt khiến dư luận nghi ngờ VPF rồi sẽ là câu chuyện “bình mới, rượu cũ”, không hoàn thành sứ mệnh đem đến độ sạch sẽ, chuyên nghiệp và hấp dẫn cho V-League.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, nhiều chuyên gia lại không đặt nặng vấn đề "bình mới rượu cũ" mà cho rằng "cái tâm" mới là điều quan trọng nhất để đội ngũ nhân sự VPF hoàn thành nhiệm vụ và kỳ vọng mà người hâm mộ cả nước đặt lên vai họ.
“Không có sự đồng thuận để tìm ra sự thống nhất cho các vị trí quan trọng của VPF. Đó là hậu quả của việc sử dụng con người không đúng cách suốt một thời gian dài của bóng đá Việt Nam. Tôi có theo dõi các thông tin về việc anh Ly hay anh Viễn không nhận được nhiều sự ủng hộ khi được mời tham gia VPF bởi những sai sót khi điều hành, quản lý VFF trước đây. Thử đặt giả thiết, anh Trần Quốc Tuấn bây giờ mắc sai sót rồi tạm rút lui rồi vài năm nữa quay trở lại. Nếu thế chúng ta sẽ đi vào con đường cũ với những con người cũ. Tôi cho rằng vấn đề nhân sự của VPF phải được cân nhắc kỹ lưỡng", chuyên gia Lê Thế Thọ phát biểu .
"VPF là mô hình mới, lần đầu tiên xuất hiện ở bóng đá Việt Nam. Thách thức vì thế không hề nhỏ. Tôi cho rằng các cá nhân được mời tham gia VPF dù có nhận lần hay không, có làm hay không cũng đều phải xuất phát từ chữ tâm. Bởi chỉ có thế mới tổ chức được một giải đấu sạch, đẹp”. ôngThọ nói.
Chia sẻ với ông Thọ, HLV Nguyễn Thành Vinh của CLB Hà Nội ACB nhấn mạnh VPF phải xác định việc xây dựng các giải đấu Việt Nam sạch, mạnh làm tôn chỉ trước khi quan tâm đến chuyện lỗ, lãi. “Ai ngồi vào VPF không quan trọng. Vấn đề là phải quán triệt tinh thần đổi mới triệt để, xóa sạch những tiêu cực, trì trệ. VPF mới thành lập, vì thế không tránh khỏi những bỡ ngỡ, đó là điều có thể dự báo trước. Nhưng không vì thế mà bàn lùi bởi đây là thời cơ tốt để bóng đá Việt Nam thay đổi toàn diện theo hướng tích cực”. Ông Vinh nói.
Ý kiến của ông Thọ, ông Vinh nhận được sự đồng thuận của hầu hết các HLV, Giám đốc điều hành các CLB tại V-League. Theo bộ phận này, vấn đề nhân sự của VPF không quá quan trọng nếu những người lãnh đạo công ty này có tâm sáng, giữ vững tôn chỉ làm cho V-League sạch, đẹp và hấp dẫn.
“VPF khi hoàn thiện chắc chắn sẽ ưu việt hơn VFF. Hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, các CLB trực tiếp là cổ đông vì thế tất cả đều phải có trách nhiệm – đó là thứ rất quý giá. Sự ra đời của VPF sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ cho bóng đá Việt Nam”. Giám đốc công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Thanh phát biểu.
Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội thì cho rằng, chỉ cần những vị đứng đầu VPF thực sự có tài, có tâm và vì cái chung, VPF sẽ đem đến một cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam.
“Ninh Bình hoàn toàn ủng hộ chủ trương và sự ra đời của VPF. Với mô hình mới, các CLB đang có thời cơ lớn để quyết định tương lai. Nếu trước đây chúng tôi chỉ biết tiếp nhận các thông báo một cách thụ động, thì nay đã có thể lên tiếng tham gia. Về nhân sự, chưa Đại hội cổ đông vì thế chưa thể nói ai sẽ là những người lãnh dạo VPF. Mà ngay cả khi ngồi lên ghế lãnh đạo rồi, nếu làm không tốt vẫn có thể bị bãi nhiệm”. Ông Phạm Văn Lệ, Giám đốc điều hành CLB Ninh Bình cho biết trước thềm Đại hội cổ đông VPF.
Đại hội cổ đông VPF do Phó Chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng chủ trì. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Phạm Anh Tuấn được Bộ VH-TT-DL giao việc giám sát và theo dõi. Dự kiến Hội đồng quản trị VPF có 9 thành viên. Ba trong số đó được VFF giới thiệu là các ông Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn và Trần Quốc Tuấn. 14 CLB hạng Nhất có 4 đại diện và 10 CLB hạng Nhất cử một đại diện. Hội đồng quản trị có một chân giành cho một nhân vật có uy tín. Sau khi thành lập, Hội đồng quản trị VPF sẽ chỉ định Tổng giám đốc và các vị trí chủ chốt ở cấp điều hành dựa trên sự đồng thuận của các cổ đông.
Khoa Nguyễn