'Xấu hổ với việc kiểm lâm áp tải xe gỗ lậu'
Khẳng định "rất xót xa và xấu hổ" khi kiểm lâm ở Nghệ An áp tải xe gỗ lậu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn thừa nhận có đường dây cấu kết giữa kiểm lâm, lâm tặc và chính quyền để phá rừng.
> Hạt trưởng kiểm lâm bị bắt vì buôn lậu gỗ/ Lật xe chở gỗ, 10 người tử nạn
Trao đổi với báo chí ngày 13/12, Phó tổng cục trưởng Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết, kiểm lâm "áp tải" gỗ lậu như ở Nghệ An không phải lần đầu tiên xảy ra, song đây là vụ nghiêm trọng, được tổ chức rất quy củ và xe chở gỗ lậu gây tai nạn làm chết 10 người. Tổng cục đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm Nghệ An phải xử lý kiên quyết.
Ông Tuấn cho rằng, vụ việc này khiến người dân mất niềm tin và hình ảnh về người kiểm lâm cũng xấu đi. "Kiểm lâm tham gia vào vận chuyển gỗ lậu thể hiện sự sâu mọt quá mức. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng, là người làm công tác kiểm lâm tôi thấy xót xa và xấu hổ", ông Tuấn nói.
|
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn. Ảnh: N.H. |
Phó tổng cục trưởng Lâm nghiệp cũng thừa nhận, có những đường dây cấu kết giữa kiểm lâm, lâm tặc và chính quyền địa phương để phá rừng trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận cán bộ địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chấn chỉnh lại tình trạng này.
"Chúng tôi biết, ở một số địa phương có tồn tại những đường dây như vậy, nhưng cấp trung ương cũng không thể làm hết được mọi việc mà chủ yếu là chỉ đạo và làm điểm. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để chính quyền cơ sở và lực lượng địa phương phải vào cuộc", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng, bình quân mỗi năm Việt Nam mất gần 32.000 ha rừng. Trong đó, chiếm đến 92% nguyên nhân là công tác quản lý yếu kém (như chuyển đổi rừng trồng cây cao su, cafe; cho khai thác...). Chặt phá rừng trái phép chỉ chiếm khoảng 7%.
Tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong các nguyên nhân làm giảm diện tích rừng, nhưng tình hình phá rừng ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về tài nguyên, tạo bức xúc trong xã hội và kỷ cương trong quản lý nhà nước. Những điểm nóng hiện tập trung ở Bắc Kạn, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ...
|
5 cán bộ kiểm lâm đã bị bắt giữ liên quan tới vụ lật xe chở gỗ làm 10 người chết ở Nghệ An. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Bên cạnh tình trạng phá rừng là việc vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Ông Dũng nhận định, việc mua bán, vận chuyển được các "đầu nậu" tổ chức chặt chẽ, sử dụng nhiều thủ đoạn trong khâu vận chuyển. Tháng 11 vừa qua, vụ vận chuyển 15 toa gỗ trắc, gỗ hương công khai bằng đường sắt từ Tây Nguyên ra Bắc Ninh đã bị bắt giữ tại ga Gia Lâm (Hà Nội).
Liên quan tới vụ xe gỗ lậu bị lật làm 10 người chết, sáng 13/12, công an tỉnh Nghệ An đã bắt khẩn cấp ông Trịnh Thanh Long (Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống kiêm Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) để điều tra nghi vấn là chủ giấu mặt của xe gỗ lậu bị lật. Ngoài ông Long, 4 cán bộ kiểm lâm cũng đã bị bắt giữ.
Trước đó 4h sáng 7/12, khi đi qua đỉnh núi Pù Huột, xã Bình Chuẩn (Con Cuông, Nghệ An), xe tải chở đầy gỗ đã bị lật trong mưa. Toàn bộ gỗ trên xe đổ xuống đè chết 7 người ngồi sau thùng xe. 3 người khác chết trên đường đi cấp cứu.
Nguyễn Hưng
Chỉ xấu hổ thôi sao?
Với nhận thức của một quan chức khi có nhân viên mình làm sai thì việc chỉ xấu hổ là đúng nhưng chưa đủ.... cần phải có biện pháp và chế tài nghiêm khắc hơn từ cấp lãnh đạo cao cấp hơn... có lẽ cách chức ...
( trần dần )