Cụ thể, tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú có chiều dài hơn 6km, các làn đường được chia tách bằng dải phân cách mềm có mũi tên hướng dẫn tại các vị trí sau các điểm giao cắt các tuyến phố để cưỡng bức dòng phương tiện đi đúng quy định; đầu dải phân cách được đặt cột biển.
Hướng từ Cầu Mới (Ngã Tư Sở) đến Cầu Trắng (Hà Đông) 2 làn trái dành cho ô tô, xe khách dưới 24 chỗ; phần còn lại bên phải tuyến dành cho xe buýt, taxi, xe tải, xe khách lớn hơn 24 chỗ; làn đường trong cùng (đường xe buýt hiện nay) dành cho xe máy, xe thô sơ.
Người Hà Nội đi lại lộn xộn trên phố Bà Triệu trong ngày đầu tiên phân làn
Đối với chiều Cầu Trắng về Cầu Mới được chia làm 2 đoạn khác nhau. Đoạn Cầu Trắng đến Triều Khúc phân làm 2 làn tránh dành cho ô tô, phần còn lại bên phải tuyến dành cho mô tô, xe máy, xe đạp, xe buýt. Đoạn từ Triều Khúc - Cầu Mới 2 làn trái dành cho ô tô, xe khách dưới 24 chỗ; phần còn lại bên phải tuyến dành cho xe buýt, taxi, xe khách lớn hơn 24 chỗ; làn đường trong dành cho xe máy, xe thô sơ.
Tại các vị trí nút giao có đèn tín hiệu, khi đèn đỏ, xe máy, xe thô sơ được rẽ phải từ các đường ngang ra đường Nguyễn Trãi - Trần Phú; ô tô không được phép rẽ phải để tránh xung đột với các phương tiện đi thẳng tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú. Ngoài ra, Sở GTVT còn cấm ô tô đỗ dưới lòng đường và dừng đón trả khách gây cản trở giao thông.
Sau khi dỡ bỏ các lô cốt, rào chắn thi công đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh sẽ tổ chức phân làn tuyến đường này. Theo tờ trình của Sở GTVT tổng kinh phí tổ chức tách dòng phương tiện tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú dài hơn 6km hết gần 3,8 tỷ đồng.
Tuyến đường Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư cũng được Sở GTVT trình thành phố phương án tách dòng phương tiện trong thời gian tới. Tuyến đường này dài hơn 5.000m, với 11 nút giao thông, trong đó 7 nút có đèn tín hiệu.
Phương án tổ chức giao thông sẽ dành 2 làn trái cho ô tô; phần còn lại bên phải tuyến đường dành cho xe máy, xe đạp, xe buýt. Tại các vị trí nút giao thông có đèn tín hiệu, khi dừng đèn đỏ xe máy, xe thô sơ được phép rẽ phải từ các đường ngang ra đường Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư; ô tô không được phép rẽ phải để tránh xung đột với các phương tiện đi thẳng trên tuyến đường. Sở GTVT còn cấm ô tô đỗ dưới lòng đường và dừng đón trả khách gây cản trở giao thông.
Kinh phí để tách dòng phương tiện tuyến Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư, Sở GTVT cho biết, hết gần 3,6 tỷ đồng.
Đợt này tuyến Hoàng Quốc Việt dài hơn 2,5km, cũng được Sở GTVT trình thành phố phương án tách dòng phương tiện. Kinh phí thực hiện tuyến đường này hết gần 1,2 tỷ đồng.
Phương án cụ thể tổ chức giao thông trên đường Hoàng Quốc Việt sẽ dành 1 làn trái cho ô tô, phần còn lại bên phải tuyến đành cho xe máy, xe đạp và xe thông sơ. Tại các vị trí nút giao thông có đèn tín hiệu xe máy, xe thô sơ được phép rẽ phải từ đường ngang ra đường Hoàng Quốc Việt; ô tô không được phép rẽ để tránh xung đột với các phương tiện đi thẳng trên đường Hoàng Quốc Việt. Sở GTVT cũng cấm ô tô đỗ dưới lòng đường và dừng đón trả khách gây cản trở giao thông.
Cả 3 tuyến đường trên đều chia làm 2 giai đoạn thực hiện phân làn. Giai đoạn 1, lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ tổ chức chốt hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển phương tiện đi đúng quy định. Giai đoạn 2, Công an Thành phố tổ chức tuần tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm.
Bắt đầu từ ngày 20/9, Hà Nội đã lần lượt phân làn 5 tuyến phố: Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng. Đến nay, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chen lấn lộn xộn trên các tuyến phố này.
Quang Phong