Thứ Tư, 14/12/2011, 12:58 [GMT+7]
.
.
Nguyên GĐBV ĐK Cần Thơ:

Mổ xẻ sự thật đằng sau việc tiện tay cắt 2 quả thận bệnh nhân

(Phunutoday) - Thời gian qua, dư luận liên tục “sốc” vì những vụ việc nghiêm trọng tại BVĐK Cần Thơ. Dư luận đặt vấn đề, có hay không sự tắc trách trong lãnh đạo điều hành, sự yếu kém chuyên môn của các bác sĩ BVĐK Tp. Cần Thơ? PV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc BVĐK Tp. Cần Thơ. 

Theo BS Hiếu, có ba nguyên nhân liên quan đến phản ứng trên, gồm: Giáo dục y đức người cán bộ y tế, quản lý con người, và quản lý khoa học kỹ thuật. Nếu người đứng đầu bệnh viện không nắm được hoặc buông lỏng thì sẽ xãy ra sự cố chuyên môn và hậu quả khó lường.

Trong trường hợp này, “xem người bệnh như người thân ruột thịt của mình” - lời dạy này rõ ràng đã bị buông lỏng: Về kỷ luật và kỹ thuật chuyên môn, có biểu hiện của sự yếu kém và trì trệ kéo dài.

Về công tác đánh giá và bố trí cán bộ, có điều gì đó cho tôi cảm giác không phù hợp.

 

Mô tả ảnh.
BS Nguyễn Hiếu Trung

Ngoài ra, việc thực hiện Quy chế chuyên môn, cái được xem là “Luật pháp” của ngành Y tế, tại bệnh viện này quả thực như vậy là không nghiêm.

Vì vậy, những sai phạm lớn, liên tiếp xảy ra, chưa ai dám chắc chắn sẽ dừng lại. Một số bệnh nhân bị tử vong, hoặc lãnh hậu quả suy giảm nặng nề về tinh thần hoặc thể chất. Điều này, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và dư luận xã hội bức xúc lên án, uy tín tập thể bệnh viện và mặt nào đó có thể nói là của ngành y tế Việt Nam bị giảm sút… Đây là cái đau xót, nhưng phải chấp nhận!

Ông đánh giá thế nào về trường hợp bác sĩ của bệnh viện nơi ông từng quản lý “tiện tay cắt cả 2 quả thận của bệnh nhân”, khiến dư luận cả nước phản ứng dữ dội trong mấy ngày qua?

BS Nguyễn Hiếu Trung: Sự việc báo chí đã đưa gần như rõ rồi. Bác sĩ BVĐK TP.Cần Thơ: Cắt hai quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú do biến chứng trong khi mổ. Rõ ràng, điều này thể hiện sự thiếu năng lực về chuyên môn; sai cả về quy chế chẩn đoán trước khi mổ, hội chẩn trong khi mổ và xử lý hậu quả sai sót sau khi mổ.

Tôi cho rằng với phương pháp khám lâm sàng, kết hợp các kỹ thuật cận lâm sàng mà bệnh viện sẵn có, đủ để chẩn đoán trước bệnh nhân “thận hình móng ngựa”. Và cho dù hội chẩn trước mổ có sai đi nữa, thì ngay trong giai đoạn mổ, khi xét thấy có bất thường, các bác sĩ phải dừng lại ngay để hội chẩn khẩn cấp trong khi mổ.

Nếu tình huống vượt quá năng lực chuyên môn và hiểu biết của êkip mổ, nhất thiết phải gọi điện thoại trao đổi, xin ý kiến hội chẩn từ xa với các chuyên gia đầu ngành để đưa ra hướng xử lý tốt nhất, an toàn nhất cho bệnh nhân. Ở đây, các phẫu thuật viên đã phớt lờ quy chế chuyên môn và vẫn mổ tiếp. Sau đó, khi đã gây ra tai biến chảy máu không ngừng, họ buộc phải cắt bỏ cả 2 quả thận để cứu bệnh nhân.

Vấn đề ở đây, ít ai đề cập tới, chính là việc hội chẩn và xử lý hậu phẫu. Sau khi mổ xong, phẫu thuật viên có giữ lại 2 quả thận – chụp ảnh và mời lãnh đạo hội đồng chuyên môn làm hội chẩn sau mổ không? Có tiến hành các xét nghiệm vi thể mẫu thận bị cắt hay không? Vì không tiến hành các bước ấy, làm sao xác định được thận nạn nhân bị dị tật “móng ngựa” hay hoàn toàn bình thường?

Mô tả ảnh.
Chị Hứa Cẩm Tú đã bị bác sỹ "tiện tay" cắt cả 2 quả thận

Là một bác sỹ có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về mức độ sai sót nói trên?

BS Nguyễn Hiếu Trung: Sai sót ở đây có tính chất hệ thống. Năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, ý thức tổ chức kỹ luật trong chuyên môn và tính cẩn trọng vốn có của phẫu thuật viên... đều quá yếu kém.

Một bệnh viện cho dù tập thể có làm tốt đến mấy, trang thiết bị hiện đại đến mấy, được cấp trên và ngành y quan tâm đầu tư hỗ trợ đến mấy… mà tồn tại những sai sót chết người kiểu đó thì quả thực, không thể không xảy ra sự cố và sai sót.

Theo tôi, về góc độ y học, đây có thể được coi là một sự việc rất nghiêm trọng, một scandal có một không hai trong lịch sử ngành y Việt Nam.

Vấn đề là các vị lãnh đạo ở bệnh viện này, lãnh đạo ngành y tế và các cấp thành phố… nhìn nhận và xử lý vụ việc này như thế nào thôi.
 
Nhưng chỉ ít ngày sau khi xảy ra “scandal của giới y học” nói trên, một bệnh nhân khác tiếp tục phản ánh bị đút ống (chạy thận nhân tạo) nhầm vào quả thận khỏe, khiến xuất huyết nghiêm trọng… Vậy có thể tiếp tục gọi đó là sơ suất hay sự cố trong chuyên môn của cá nhân BS Nguyên và êkip Khoa Ngoại tiết niệu của bệnh viện này?

BS Nguyễn Hiếu Trung: Cái này phải đề cập đến khâu quản lý con người. Lãnh đạo bệnh viện phải nắm được cán bộ của mình, phát huy, tạo mọi điều kiện cho cán bộ hoạt động; giao việc phù hợp với năng lực; đồng thời phải biết dừng lại, khắc phục những điểm yếu của họ.

Trong lúc phẫu thuật viên bị khủng hoảng tinh thần, thì tốt nhất phải dừng việc lại tránh gây thêm sức ép tâm lý cho phẫu thuật viên, cũng là tạo sự an toàn, an tâm cho bệnh nhân.

Trong kỹ thuật giải phẫu, không thể tránh khỏi sai sót. Tàu ngầm nguyên tử hiện đại bậc nhất của nhân loại vẫn có sự cố đó thôi! Nhưng trong ngành y, nơi sinh ra để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người – mang tính nhân văn cao – thì không thể chấp nhận những thiếu sót có tính hệ thống, thiếu sót gây hậu quả nặng nề lên tinh thần và thể chất bệnh nhân như vậy. Người thầy thuốc có đủ tâm đủ đức thì tự phải biết điều này.

Trở lại với công luận thời gian qua. Dư luận đang hết sức bức xúc vì cách hành xử mập mờ, bao che và né tránh trách nhiệm của những người cao nhất tại bệnh viện này sau những sự cố nói trên. Cá nhân ông từng là một Giám đốc tại đây, ông đánh giá như thế nào về việc này?

BS Nguyễn Hiếu Trung: Giám đốc Bệnh viện là người hiểu rõ hơn ai hết những ưu khuyết của đơn vị mình, phải nghiêm túc nhìn nhận sai sót để khắc phục, đặc biệt đang lúc dư luận bức xúc với những thiếu sót có liên quan đến tính mạng bệnh nhân. Đồng thời, cũng phải thông tin đầy đủ và chân thành đến báo chí và công luận. 

Tôi chưa đồng tình với thái độ “tránh né và có lời lẽ khó nghe" mà báo chí đã có đưa tin của những người lãnh đạo nơi đây. Là bác sĩ, sao lại có thể rụt rè, tránh né trước nỗi đau của con người và bức xúc của hàng triệu người dân như vậy?

Nếu đề xuất với các cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố và ngành Y tế về chấn chỉnh, lấy lại uy tín và niềm tin của người dân về bệnh viện này. Ông sẽ đề xuất gì?

BS Nguyễn Hiếu Trung: Tôi nghĩ phải củng cố BVĐK TP Cần Thơ toàn diện thôi.

Trước hết, xem xét năng lực người đứng đầu vì đầu tàu mạnh, đúng chuẩn thì mới đảm đương được con tàu đang chòng chành, rối rắm như hiện nay. Phải ưu tiên giáo dục y đức người cán bộ y tế, tránh chạy theo tận thu tiền khám chữa bệnh dịch vụ mà xem thường trách nhiệm xã hội của ngành Y.

Về quản lý con người, đặc biệt là các chuyên khoa cần đặt đúng chỗ các cán bộ có năng lực và phẩm chất. Sai sót và thiếu năng lực thì phải điều chuyển, đào tạo lại hoặc nếu cần thì tuyệt đối không bố trí.

Quản lý khoa học kỹ thuật, cần chuẩn hóa lại. Tôi thấy đầu tư mua sắm thì nhiều, nhưng hiệu quả lại không cao. Chỉ có các máy móc làm dịch vụ, thu tiền cận lâm sàng thì khai thác triệt để. Còn các thiết bị khác thì có số mua tiền tỷ xong xếp xó; hệ thống công nghệ thông tin sai sót, không hiệu quả…

Bộ phận bác sĩ – cán bộ quán lý thì giàu lên nhanh chóng vì tiền thu dịch vụ, còn đa phần CB-CNVC lại giảm thu nhập ngoài lương. Nên đánh giá toàn diện công tác tài chính Bệnh viện, quan tâm đời sống anh chị em.

Nói chung, theo tôi những sai sót nói trên mang tính chất chủ quan nhiều hơn. Nếu làm được như vậy, tập thể bệnh viện sẽ mau chóng lấy lại tinh thần, công tác chuyên môn đi vào căn cơ hơn… Chất lượng khám chữa bệnh nâng cao và chuẩn hơn thì bệnh nhân sẽ lại tin tưởng và yêu mến thôi!

Xin cảm ơn ông!

  • Quốc Huy (Thực hiện)
;
.
.