Thứ năm, 15/12/2011, 10:42 GMT+7

Nhân bản vô tính để có thêm 'cụ Rùa'?

Khi chưa tìm được cá thể rùa nào làm phối ngẫu để bảo tồn giống Rùa hồ Gươm, thì nhân bản vô tính có thể là một lựa chọn, các nhà khoa học gợi ý.
> Khó tìm hậu duệ cho Rùa hồ Gươm

Rùa hồ Gươm nổi ngày 11/12. Ảnh: Vũ Long.
Rùa hồ Gươm nổi ngày 11/12. Ảnh: Vũ Long.

Tiến sĩ Lê Đình Lương, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Việt Nam, cho rằng nhân bản là phương án tối ưu hiện nay.

"Trong trường hợp Rùa hồ Gươm chưa tìm thấy cá thể nào cùng giống loài, về lý thuyết phương pháp nhân bản vô tính là hoàn hảo".

Nhân bản vô tính là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh. Phương pháp này lần đầu được công bố trên thế giới với sự ra đời của chú cừu Dolly năm 1997. Bằng phương pháp này, các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Nếu nhân bản vô tính con cái thì thế hệ sau sẽ cho con cái, và ngược lại.

Nhân bản vô tính đòi hỏi chi phí lớn và phải được thực hiện trong môi trường đảm bảo, ông Lương nhấn mạnh. Vì thế phương án này nếu thực hiện, "cần có sự hợp tác quốc tế mới có cơ may thành công", ông nói.

Việc lưu giữ gene của Rùa hồ Gươm là điều rất cần thiết bởi sau này có thể sử dụng các gene có tính trội tốt như gene tạo tuổi thọ cao. Ông Lương cho rằng dù nhân bản Rùa hay không, các gene tốt cũng sẽ có thể được sử dụng cho các mục đích nuôi cấy sau này.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nói: "Nên lưu giữ gene của cụ Rùa, khi có điều kiện thì nhân bản vô tính".

Theo đánh giá của ông Cảnh, Rùa hồ Gươm đã "hơn trăm tuổi", nên khó có thể thực hiện biện pháp sinh sản hữu tính thông thường ở động vật.

Tuy nhiên, ý kiến về nhân bản vô tính vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học khác. Giáo sư Hà Đình Đức, người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu Rùa hồ Gươm, cho rằng không nên nhân bản bởi việc đó kéo theo những hệ quả xấu về sau.

"Nhân bản vô tính là điều không nên làm, và làm cũng vô ích", ông Đức tuyên bố.

"Để nhân bản, phải chọc vào nhân tế bào. Nhân tế bào là thành lũy di truyền, chọc vào đó khiến con vật sinh ra mất khả năng miễn dịch, rất dễ nhiễm những bệnh khó lường".

Ông Đức thêm rằng trên thế giới chưa từng có nghiên cứu nào về nhân bản rùa, vì thế "không nên mang cụ Rùa ra làm thí nghiệm". "Con cừu Dolly đã chết. Chúng ta nhân bản cụ Rùa Hồ Gươm có thể sẽ tạo ra cá thế giống y như cụ thật, nhưng nó sẽ khó có tuổi thọ cao".

Một số nhà khoa học khác cho rằng, nhân bản vô tính tạo ra bản khác với cụ Rùa, sẽ ảnh hưởng tới tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, nhân bản vô tính có thể bị sai lệch, gây ra đột biến, khả năng sinh trưởng sẽ rất chậm.

Tiến sĩ Lê Đình Lương, dù đánh giá rằng nhân bản cũng là một lựa chọn, cảnh báo rằng với một nguyên bản già hơn 100 tuổi như Rùa, thì thế hệ F1 được tạo ra có thể vô sinh.

Vấn đề bảo tồn nòi giống Rùa hồ Gươm lại được đặt ra mới đây, sau khi Rùa nổi lên liên tiếp với tần suất trung bình ba ngày một lần. Loài rùa này được cho là hiếm, chỉ còn một hoặc một vài cá thể và cần được bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Rùa cũng là một trong các biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Hương Thu

5 giờ 27 phút trước

Cơ hội cho y học VN thể hiện

Một ý tưởng tuyệt vời vậy tái sao lại phản đối chứ. Hà Nội có hồ Gươm và cụ Rùa nhưng thử hỏi trên thế giới có mấy ai biết cụ Rùa hồ Gươm không? Việc nhân bản cụ Rùa vừa giảm nguy cơ tuyệt chủng giống rùa vừa quảng bá được hình ảnh cụ Rùa hồ Gươm ra bạn bè thế giới, vừa là cơ hội cho ngành y học VN thử tài năng của mình trong lĩnh vực nhân bản vô tính. Thử hỏi nếu cụ Rùa chết thì đến lúc đó có còn cụ rùa linh thiêng nửa không, có còn thứ để đặt niềm tin nửa không. Dù rùa nhân bản có vô sinh thì cũng đáng để thử một lần.

( Huỳnh Trà )

4 giờ 28 phút trước

Đừng nhân bản !

Các bác hãy nghĩ về tâm linh người Việt, về ý nghĩa lịch sử rồi hãy phán ạ. Miếu xây lại, ₫ền trùng tu, cải tạo.....nhìn đã mất phần nào vẻ linh thiêng, những dấu ấn thời gian và lịch sử,....nhưng đành phải tu tạo nếu không nó sập. Nay lại ý tưởng nhân bản vô tính thế các bác muốn nhân dân phải tôn thờ sản phẩm của khoa học cận ₫ại à? Như là nhiều người thần tượng iphone nhỉ? Money ít thôi ạ. Bỏ ý tưởng dự án , tiền ích dân ích nước.

( TYA )

3 giờ 50 phút trước

Cần xem lại

Đây là con ba ba sống lâu năm chứ không phải là con rùa . Các nhà khoa học nên xem lại tốn giấy mực nhiều quá . Không đi đến đâu, loài vật chứ đâu phải là con người mà gọi là cụ . Bảo tồn loài vật là tốt nhưng đừng quan trọng hơn con người ,

( Trần Minh Châu )

3 giờ 39 phút trước

Không nên nghĩ đến chuyện viễn vông

Các hướng suy nghĩ trên là rất đáng trân trọng nhưng đều không thực tế. Đâu phải dễ dàng nhân bản một cá thể mà không có cá thể khác mang hộ một thời gian (cả PTN nước ngoài). Từ trong phòng TN chưa thể tạo ra một cá thể từ một số tế bào ban đầu. Nhân bản cừu hay bò đều phải có một cá thể cái cùng loài mang thai hộ. Vả lại Tê giác Nam Cát Tiên hay Rùa Hồ Gươm nếu thực sự chỉ có 1 cá thể thì nhất định phải đến ngày chết, đó là quy luật nên dù muốn bảo vệ mấy thì cũng phải đến ngày. Nếu bây giờ tìm được những cá thể khác cùng loài thả về Hồ Gươm thì mới là thực sự có ý nghĩa. Chúng ta chưa điều tra hết nguồn gốc của Rùa Hồ Gươm thì chưa nên vội kết luận là chỉ còn 1 cá thể duy nhất.

( hoang son )

2 giờ 33 phút trước

Hy vọng!

Hôm trước xem chương trình về tìm kiếm loài thủy quái trên sông giáp danh giữa Ấn độ và Băngladet. Người ta câu được một con rùa rất to (ước khoảng 50-60 kg) nhìn rất giống cụ rùa Hà Nội. Tôi hy vọng nó cùng giống với rùa Hồ Gươm.

( Nguyễn Tiến Duy )

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
Tin hot
 
Chuyện lạ
 
 
Lien he quang cao