Chủ Nhật, 18/12/2011, 10:03 [GMT+7]
.
.

Chuyện ngoại tình tai tiếng của mẹ vợ ông vua lừng danh nhà Hán

(Phunutoday) - Chuyện những người phụ nữ quyền lực thời xưa sủng ái những người tình của mình là chuyện thường tình. Tuy nhiên, ít có ai như cô công chúa Quán Đào Lưu Phiêu. Bà mẹ vợ của Hán Vũ Đế không những đem lòng yêu chính cậu con nuôi khôi ngô tuấn tú mà còn công khai kết hôn, biến người tình nhỏ thành người chồng hợp pháp của mình…

1. Công chúa Quán Đào Lưu Phiêu là con gái cả của Hán Văn Đế và Đậu Hoàng hậu, chị em cùng mẹ với Hán Cảnh Đế. Vài tháng sau khi Hán Văn Đế Lưu Hằng lên ngôi, đã quyết định lập con trai cả của mình là Lưu Khải (tức Hán Cảnh Đế sau này) làm thái tử; Đậu Cơ - mẹ của Lưu Khải - làm Hoàng hậu; con gái cả Lưu Phiêu làm Trưởng công chúa. Thực ấp của Trưởng công chúa Lưu Phiêu là tại Quán Đào, nay thuộc huyện Quán Đào, thành phố Hàm Đàn tỉnh Hà Bắc, vì vậy mà Lưu Phiêu mới có tên gọi là Quán Đào Công chúa.

Tới năm Hán Văn Đế thứ 3, tức năm 177 trước Công nguyên, Hán Văn Đế gả Lưu Phiêu cho Đường Ấp hầu Trần Ngọ làm vợ. Trần Ngọ là cháu đích tôn của Trần Anh, một công thần của nhà Hán. Vào cuối thời nhà Tần, gia tộc Trần Anh là một danh gia vọng tộc ở huyện Đông Dương tỉnh An Huy. Trần Anh là một tiểu lại ở nha huyện. Khi đó thực ấp của Đường Ấp hầu chỉ có 600 hộ. Sau này, do Trần Ngọ, cháu đích tôn của Trần Anh làm tể tướng nước Sở nên thực ấp của Đường Ấp hầu mới tăng lên thành 1800 hộ.

Nói như vậy để thấy rằng, việc Hán Văn Đế Lưu Hằng gả Lưu Phiêu cho Trần Ngọ chứng tỏ cô công chúa này không thực sự được lòng vua cha. Bởi lẽ, một cô con gái khác của Hán Văn Đế được ông vua nhà Hán này gả cho Chu Bột, con trai ruột của Chu Thắng Chi, là một vạn hộ hầu cực kỳ có uy thế dưới thời Hán sơ.

Trần Ngọ và Lưu Phiêu có ba người con, hai trai và một gái. Con trai cả tên là Trần Tu, con trai thứ hai tên là Trần Kiều và cô con gái út tên là Trần A Kiều. Câu chuyện của Lưu Phiêu bắt nguồn từ chính chuyện hôn sự của cô con gái út A Kiều này.

Sau khi Văn Đế qua đời, truyền ngôi lại cho Hán Cảnh Đế. Đậu Hoàng hậu trở thành Đậu Thái hậu. Đậu Thái hậu có tất cả ba người con, hai trai và một gái. Ngoài Cảnh Đế và Lưu Phiêu còn một người con trai nhỏ là Lưu Vũ. Theo quy định của pháp luật nhà Hán lúc bấy giờ, sau khi Cảnh Đế lên ngôi, Lưu Vũ buộc phải về sống tại nơi mình được phong vương chứ không được lưu lại ở Trường An.

Đậu Thái hậu khi về già thì bị mù, con trai cả Cảnh Đế bận bịu với việc triều chính, con trai nhỏ thì được phong vương tại nước Lương, quá xa kinh thành. Thành ra, bên cạnh Đậu Thái hậu chỉ có một mình Lưu Phiêu.

Quán Đào công chúa trên phim
Quán Đào công chúa trên phim


Quán Đào Công chúa là chị gái của Cảnh Đế, lại thường xuyên dâng mỹ nữ cho Cảnh Đế giải khuây nên Cảnh Đế đối xử rất tốt với người chị của mình. Lưu Phiêu ỷ vào Đậu Thái hậu và sự sủng ái của người em trai là Hoàng đế, tỏ ra rất ngạo mạn, đồng thời thoải mái ra vào hậu cung, tìm cách moi móc tiền của và quyền lợi cho gia đình họ Trần của mình.

Năm 153 trước Công nguyên, sau khi phế Hoàng hậu đầu tiên do không có con, Cảnh Đế đã lập Lưu Vinh, con một Thứ phi làm thái tử. Tuy nhiên, Cảnh Đế không phong cho mẹ ruột của Vinh là Lật Cơ làm Hoàng hậu. Lưu Phiêu vì muốn cô con gái út A Kiều của mình sau này có thể trở thành Hoàng hậu nên muốn đem gả Trần A Kiều cho Lưu Vinh. Những tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ, ai ngờ, Lật Cơ do căm tức việc Lưu Phiêu nhiều lần dâng mỹ nữ cho Cảnh Đế nên đã kiên quyết từ chối cuộc hôn nhân này.

Bị dội một gáo nước lạnh , Lưu Phiêu vô cùng căm giận Lật Cơ. Đường đường là một trưởng công chúa, chị gái ruột của Hoàng đế mà lại bị từ chối thì còn đâu là thể diện. Vì vậy, Lưu Phiêu quyết định tìm cách trả thù Lật Cơ để hả giận.

Lưu Phiêu quyết định làm thân với một sủng phi khác của Cảnh Đế là Vương phu nhân, đồng thời hứa gả con gái Trần A Kiều của mình cho con trai của Vương phu nhân là Giao Đông Vương Lưu Triệt khi đó mới 4 tuổi. Lưu Triệt từ nhỏ đã tỏ ra là người thông minh, lại sinh ra khi Cảnh Đế nằm mơ thấy mặt trời bay vào trong lòng, cho là điềm lành, vì vậy, Cảnh Đế rất mực sủng ái Lưu Triệt.

Từ năm Triệt 4 tuổi, Cảnh Đế đã lập Triệt làm vương. Nhận thấy tiềm năng của Lưu Triệt, trưởng công chúa Lưu Phiêu quyết định dồn toàn bộ canh bạc của mình vào đứa cháu trai thông minh này. Vì vậy, cô công chúa ranh ma đã tìm mọi cách để cầu thân với Vương phu nhân bằng được. Cuối cùng, lời hứa hôn giữa hai bên cũng đã được xác lập.

Để con gái của mình trở thành Hoàng hậu và cũng để báo thù Lật Cơ, công chúa Quán Đào thường xuyên nói xấu Lật Hoàng hậu và thái tử Lưu Vinh trước mặt Cảnh Đế, đồng thời lại nói Lưu Triệt tốt thế này, thông minh thế kia. Cùng lúc đó, Vương phu nhân ngấm ngầm thúc các đại thần dâng tấu để Cảnh Đế phong Hoàng hậu cho Lật Cơ nhằm chọc tức Cảnh Đế. Một lần tại triều đường, một đại thần dâng tấu nói: “Con nhờ mẹ mà được sang, mẹ lại nhờ con mà được phú quý. Mong hoàng thượng phong cho Lật Cơ, mẹ ruột của thái tử Lưu Vinh, làm Hoàng hậu”.

Nghe xong, Cảnh Đế vô cùng tức giận, cho rằng Lật Cơ xúi giục các đại thần thúc ép mình, vì vậy đã ra lệnh giết chết vị quan nọ rồi phế luôn ngôi vị thái tử của Lưu Vinh, đổi làm Lâm Giang Vương. Lật Cơ thì bị ra lệnh nhốt vào lãnh cung cho tới khi chết. Chẳng bao lâu sau đó, Cảnh Đế phong cho Vương phu nhân làm hoàng hậu, gọi là Vương Hoàng hậu, đồng thời lập Lưu Triệt làm thái tử thay thế cho Lưu Vinh.

Sau khi Hán Cảnh Đế qua đời năm 141 trước Công nguyên, thái tử Lưu Triệt tức vị, trở thành Hán Vũ Đế. Con gái của công chúa Quán Đào, cũng là người vợ đã hứa hôn từ trước của Lưu Triệt - Trần A Kiều, được phong làm Hoàng hậu, sử gọi là Trần hậu. Tuy nhiên, câu chuyện về trưởng công chúa đa tình tai tiếng chưa phải kết thúc ở đây.

2. Sau khi Lưu Triệt lên ngôi, nhờ vừa là bác lại vừa là mẹ vợ của Hoàng đế nên trưởng công chúa Lưu Phiêu trở thành một người rất quyền lực. Lưu Phiêu được Lưu Triệt phong thành Đậu Thái chủ, tước vị tương đương với bà nội Đậu Thái hậu của mình.


Mọi mục đích đều đã đạt được, tuy nhiên, Lưu Phiêu lại là một người hợm hĩnh và quá tham lam. Từ khi Lưu Triệt trở thành Hoàng đế, Lưu Phiêu tìm mọi cách để sắp xếp hoặc nói bóng gió rằng nếu không nhờ có ta thì ngươi còn lâu mới được làm Hoàng đế. Và điều này khiến Vương thái hậu cùng với Lưu Triệu dần cảm thấy “tức mắt” với bà mẹ vợ lắm điều này.

Khi Lưu Triệt vừa lên ngôi, Đậu Thái hậu vẫn còn sống. Lưu Triệt và Vương Thái hậu biết rằng, muốn làm Hoàng đế trước mặt một bà già lẩm cẩm như Đậu Thái hậu thì trước mắt vẫn phải dựa vào công chúa Lưu Phiêu. Vì vậy, Lưu Triệt đành ngậm bồ hòn làm ngọt, tiếp tục đối đãi một cách hậu hĩnh với Lưu Phiêu và Trần Hoàng hậu. Tuy nhiên, sau khi Đậu Thái hậu qua đời, Lưu Phiêu không còn chỗ dựa và mẹ con Lưu Triệt cũng thoát khỏi sự uy hiếp đáng lo ngại nhất của họ.

Đối với đàn ông, điều khiến họ quan tâm nhất chính là được tôn trọng. Một chàng con rể sẽ không bao giờ chịu sống dưới cái bóng của người mẹ vợ của mình. Lưu Triệt cũng không ngoại lệ. Tới lúc Lưu Triệt và Vương Thái hậu không còn cần công chúa Lưu Phiêu nữa thì cũng là lúc hai bên nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn không đến từ cuộc sống giữa Lưu Triệt và Trần A Kiều mà lại đến từ mối quan hệ giữa Lưu Triệt và bà mẹ vợ của mình.

Mẹ của Lưu Phiêu - Đậu Thái hậu - rất tôn sùng đạo Lão

 Tuy nhiên, Hán Vũ Đế Lưu Triệt lại thấy cực kỳ phản cảm đối với quan niệm của tôn giáo này. Ông vua lừng danh này muốn tự mình làm nên việc gì đó thật vĩ đại, hy vọng có thể đưa triều đại của mình tới đỉnh cao của sự huy hoàng. Trong khi đó, Lưu Phiêu từ nhỏ đã bị ảnh hưởng của mẹ, học tập theo đạo Lão, vì vậy, bà ta cũng cảm thấy rất phản cảm với những người theo đạo Nho như Lưu Triệt.

 Sự khác biệt trong quan niệm này đã gây ra một cuộc bất đồng lớn trong mối quan hệ giữa hai bên. Trên thực tế, chính những tư tưởng của những người như Lưu Phiêu đã cản trở sự phát triển của vương triều nhà Hán. Lưu Phiêu là đại diện cuối cùng của hai vương triều Văn Đế và Cảnh Đế, những triều đại tôn sùng đạo Lão. Tuy nhiên, Lưu Phiêu lại không hiểu rằng một thời đại mới đã tới, và cái triều đại của bà ta đã lùi vào quá khứ từ lâu.

Mâu thuẫn giữa hai bên dẫn tới một hệ quả tất yếu, Trần A Kiều ngồi ở ngôi Hoàng hậu chưa được bao lâu thì bị phế. Đây là một đòn đả kích mạnh mẽ đối với trưởng công chúa Lưu Phiêu. Một năm sau đó, Trần Ngọ - chồng của Lưu Phiêu - cũng qua đời. Cô công chúa họ Lưu lại nhận thêm một đòn đả kích nữa. Và đây chính là thời điểm diễn ra câu chuyện ngoại tình tai tiếng của bà mẹ vợ vị Hoàng đế lừng danh Hán triều.

3. Ngoài hai con trai và một con gái, công chúa Quán Đào còn có một người con nuôi tên là Đổng Yên. Gia đình họ Đổng vốn chuyên làm nghề chế tác châu báu. Tới năm hơn 10 tuổi, Đổng Yên theo mẹ ruột của mình lần lượt tìm tới các nhà quý tộc đại vương để bán các những đồ châu báu do nhà mình làm ra.

 Khi tới phủ của họ Trần, công chúa Quán Đào nhìn thấy Đổng Yên, rất thích mắt nên quyết định giữ Yên lại trong phủ của mình làm con nuôi. Sau khi Trần Ngọ chết, công chúa Quán Đào dần dần bị thất sủng, cuộc sống lúc này bắt đầu trở nên cô quạnh. Chính vì vậy, bao nhiêu bao tình cảm của một người phụ nữ tuổi xế chiều, Lưu Phiêu dồn cả vào đứa con nuôi kiêm người tình họ Đổng của mình.

Công chúa Lưu Phiêu vô cùng sủng ái người tình nhỏ tuổi của mình. Lưu Phiêu thậm chí còn lớn tiếng tuyên bố: “Chỉ cần Đổng Yên muốn, thì chỉ cần trong một ngày không vượt quá 100 cân vàng, 1 triệu quan tiền, một ngàn xếp lụa thì cứ theo ý cậu ta mà làm, không cần báo với ta”. Học được tính cách lươn lẹo của người mẹ nuôi, lại thêm vẻ ngoài tuấn tú, phong nhã, Đổng Yên rất giỏi trong chuyện gây dựng mối quan hệ. Các vương tôn quý tộc đều là bạn bè tốt của Yên. Vì vậy, cả thành Trường An mọi người đều gọi Yên là Đổng Quân với thái độ nịnh bợ, kính nể.

Viên Thúc, cháu trai của Viên Ang - một đại thần trong triều, thường ngày chơi rất thân với Đổng Yên. Thấy mối quan hệ giữa Yên và trưởng công chúa Lưu Phiêu quá thân mật, Viên Thúc cảnh báo Yên: “Cậu và trưởng công chúa tốt với nhau thì không sao. Tuy nhiên, cậu có nghĩ tới không? Giả như một ngày nào đó, Hoàng đế không ưa trưởng công chúa nữa thì sao? Khi đó, chắc chắn tai họa sẽ tìm tới cậu”.

Bản thân Đổng Yên cũng biết rằng, Vũ Đế không thích bà mẹ vợ kiêm bác gái của  mình. Nay, mình lại trở thành “bố vợ” của Hoàng đế thì liệu Hán Vũ Đế làm sao vui vẻ cho được. Nghĩ tới đã thấy sợ, Yên bèn hỏi Viên Thúc nên làm cách nào.

d
Hán Vũ Đế


Viên Thúc trong lòng đã dự liệu từ trước, vô cùng trấn tĩnh nói với Đổng Yên: “Hoàng đế mỗi năm đều phải tới An Lăng làm lễ tế. Tuy nhiên, xung quanh An Lăng lại không có hành cung nào. Vì vậy, mỗi khi Hoàng đế đến đó làm lễ tế đều không được nghỉ ngơi thoải mái. Trong khi đó, trưởng công chúa Quán Đào lại có một khu nhà ở ngay gần An Lăng.

Nếu như cậu có thể thuyết phục công chúa Quán Đào tặng lại khu vườn này cho Hoàng thượng thì tất Hoàng thượng sẽ có ấn tượng tốt với cậu. Thà tặng trước cho Hoàng đế mà được lòng còn hơn. Bởi vì một khi nào đó có nhã hứng, Hoàng đế ra lệnh đòi khu vườn đó, công chúa cũng đâu dám từ chối”.

Đổng Yên nghe vậy mừng lắm, đem lời của Viên Thúc nói lại với Quán Đào công chúa. Công chúa Quán Đào không chần chừ, y theo lời của Đổng Yên mà làm, tặng lại khu vườn riêng của nhà họ Trần cho con rể. Lưu Triệt nhận được món quà bất ngờ này thì vui lắm, khen ngợi mẹ vợ hết lời.

Từ khi cô con gái bị thất sủng, Quán Đào công chúa chưa bao giờ thấy chàng con rể của mình vui vẻ với mình như vậy nên rất lấy làm mừng. Sau đó, Quán Đào công chúa còn ra lệnh cho Đổng Yên mang một trăm cân vàng tới tặng cho Viên Thúc để cảm ơn vì mưu kế hay ho mà y đã bày cho mình.

 Tuy nhiên, sau sự kiện lần đó, công chúa Quán Đào nghĩ rằng đã có thể yên tâm về Vũ Đế, không phải lo nghĩ gì nữa. Do bị bệnh, công chúa ít khi ra ngoài mà ở lỳ trong nhà với người tình nhỏ của mình. Trong khi đó, Hán Vũ Đế nhận quà của Quán Đào, tự nhiên cũng cảm thấy không thể lạnh nhạt với bà mẹ vợ của mình, vì vậy mới tự thân tới phủ họ Trần để thăm.

Khi Vũ Đế tới thăm, thấy tâm trạng của Vũ Đế thoải mái, công chúa Quán Đào đã không kiêng dè, đề nghị với Vũ Đế rằng, mình muốn Đổng Yên làm chồng chính thức. Chồng chết xuất giá đã là chuyện khó nói, đằng này lại muốn xuất giá với chính đứa con nuôi của mình, thế nhưng Quán Đào công chúa vẫn ngang nhiên nói ngay trước mặt Vũ Đế.

Trước đó, Tần Tuyên Thái hậu, Lã hậu đều là những người đàn bà quyền lực, làm nghiêng ngả triều chính và có rất nhiều nam sủng. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ dám nghĩ tới việc cho những người tình nhỏ này của mình một thân phận hợp pháp. Trong khi đó, Quán Đào công chúa thì dường như không ngại ngần điều gì. Điều này cho thấy, công chúa Quán Đào đối với người tình nhỏ Đổng Yên của mình không chỉ là tình dục mà thực sự Quán Đào dành tình cảm cho Đổng Yên.

Khi nghe lời đề nghị của công chúa Quán Đào, nghĩ rằng bản thân mình có phần có lỗi với mẹ con Quán Đào, lại thấy Đổng Yên cũng là một kẻ có tài, vì vậy, Hán Vũ Đế đã đồng ý lời thỉnh cầu của công chúa Quán Đào, để bà mẹ vợ của mình tái giá với cậu con nuôi. Bắt đầu từ đó, Đổng Yên trở thành ông chủ trong phủ của công chúa Quán Đào và bệnh của công chúa cũng bắt đầu hết dần.

Sau khi trở thành “bố vợ” đời thứ hai, Đổng Yên và Hán Vũ Đế cũng trở thành một đôi bạn thân, đương nhiên là thân thiết trong lĩnh vực ăn chơi. Hán Vũ Đế thấy Đổng Yên không chỉ biết đủ trò chơi mà trò nào cũng giỏi cả. Từ cầm, kỳ, thi, họa cho tới đấu gà, cưỡi ngựa, trò nào Đổng Yên cũng tỏ ra xuất sắc. Hán Vũ Đế có được Đổng Yên về làm bạn thì vui lắm, suốt ngày theo Đổng Yên tham gia các trò chơi thâu đêm suốt sáng.

Đúng lúc này thì xuất hiện nhân vật nổi danh trong lịch sử, chấm dứt toàn bộ công cuộc ăn chơi của Hoàng đế Hán triều. Người này chính là Đông Phương Sóc. Một lần, Hán Vũ Đế thiết yến mời vợ chồng Quán Đào công chúa và Đổng Yên tới tham dự. Khi Đổng Yên được triệu kiến, chuẩn bị bước vào bàn tiệc thì Đông Phương Sóc chặn lại. Hán Vũ Đế nghe chuyện liền bước ra xem. Thấy Hoàng đế, Đông Phương Sóc vội vứt bỏ vũ khí đang cầm trong tay và nói: “Đổng Yên phạm ba tội chết, làm sao có đủ tư cách để bước vào điện dự tiệc”.

Lưu Triệt lấy làm lạ, mới hỏi: “Là những tội gì, nói ta nghe thử?”. Đông Phương Sóc đáp: “Đổng Yên tư thông với công chúa, đó là một tội. Đồi phong bại tục, chưa kết hôn mà sống cùng nhau, đây là tội thứ hai. Hoàng thượng đang ở thời gian trẻ trung, đang là lúc dồn sức cho việc xây dựng quốc gia, xã tắc, Đổng Yên không những không giúp lại còn kéo hoàng thượng vào những trò chơi vô bổ. Hành vi này là nguồn gốc cho sự diệt vong quốc gia. Đổng Yên chính là thủ phạm gây ra cái họa ấy. Đó là tội thứ ba”.

Hán Vũ Đế trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ta đã bày tiệc xong xuôi, nay ăn xong bữa tiệc này rồi sau này mới nói được không”. Tuy nhiên, Đông Phương Sóc quyết không nhượng bộ, nói: “Chính điện là nơi tiên đế xử lý việc nước, những người không đủ tư cách không thể bước vào. Huống hồ từ trước tới nay, rất nhiều người nhờ vào sự nịnh bợ và dâm loạn mà có quyền lực, rồi cuối cùng soán đoạt cả ngôi vua. Những ví dụ từ thời xa xưa nào có ít đâu”.

Hán Vũ Đế nghe tới đây thì chỉ biết gật đầu, cho là phải. Ngay sau đó, Hán Vũ Đế ra lệnh đổi địa điểm tổ chức bữa tiệc sang một nơi khác và buộc Đổng Yên phải đến dự tiệc từ phía cổng sau, lối đi dành cho những người hầu hoặc những người tầng lớp thấp. Còn Đông Phương Sóc thì nhận được 30 cân vàng tiền thưởng của Hán Vũ Đế.

Sau sự việc xảy ra với Đông Phương Sóc lần đó, Đổng Yên không còn được Vũ Đế sủng ái như trước nữa. Trong sự buồn bã, lo lắng, Đổng Yên bị bệnh và qua đời khi mới 30 tuổi. Vài năm sau đó, vào năm 116 trước Công nguyên, người tình của Đổng Yên - công chúa Quán Đào - cũng mắc bệnh rồi qua đời. Sau khi chết, Quán Đào công chúa căn dặn con cháu không chôn mình cùng với người chồng trước mà chôn cùng nơi với Đổng Yên.

Cuộc đời Quán Đào công chúa chỉ yêu có hai người, một là cô con gái Trần A Kiều, hai là người tình nhỏ Đổng Yên. Quán Đào đã dùng hết tài trí và sự nỗ lực của  mình cho hai người này. Đáng tiếc, kết cục cuối cùng lại vô cùng bi thảm. Đổng Yên thì chết khi còn rất trẻ, chưa kịp có công danh sự nghiệp. Trần A Kiều sau một vài năm làm hoàng hậu, bị Vũ Đế phế bỏ, nhốt vào lãnh cung.

 Trong khi dồn hết sức lực cho Trần A Kiều và Đổng Yên, Quán Đào công chúa đã không có thời gian giáo dục hai cậu con trai lớn của mình. Trần Tu sau khi tập ấm tước hầu của cha, dâm loạn vô độ. Cậu con trai thứ hai vì cướp đoạt tài sản của cha để lại, dẫn đến cảnh anh em đấu đá, chém giết lẫn nhau.

Sau khi Quán Đào công chúa chết không bao lâu, Vũ Đế nổi giận với những chuyện đồi bại mà hai anh em họ Trần làm, quyết định ra lệnh tra xét. Trần Tu sợ tội nên tự sát. Cuối cùng, Vũ Đế ra lệnh tước bỏ mọi tước hiệu và lãnh địa của nhà họ Trần.

Phong Nguyệt

;
.
.