“100% mứt các loại ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh. Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận thực tế bất cập này tại TPHCM.
Hiểm họa hóa chất, phóng xạ
Sáng 17-12, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đi khảo sát tại một số điểm được cho là có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như chợ Kim Biên (quận 5), bếp ăn tập thể Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, nơi có khoảng 80.000 công nhân làm việc) và cơ sở chế biến kinh doanh thức ăn sẵn khu vực chợ An Đông (quận 5).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một cơ sở chế biến,
kinh doanh thực phẩm tại quận 5 - TPHCM sáng 17-12
Tại chợ Kim Biên, hoạt động kinh doanh, sang chiết hóa chất, phụ gia thực phẩm diễn ra ì xèo, các loại thùng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm đặt lộn xộn dưới nắng gắt.
Ông Nguyễn Gia Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế quận 5, cho biết tại chợ Kim Biên hiện có 94 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó, 74 hộ kinh doanh hương liệu phụ gia thực phẩm, còn lại là hóa chất công nghiệp và hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài. Theo quy định, hóa chất phải được bảo quản như thuốc (từ 18ºC - 20ºC), người kinh doanh phải am hiểu chuyên môn nhất định nhưng thực tế 100% hộ kinh doanh ở đây đều mù tịt, chưa kể kinh doanh không có giấy phép.
Theo ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó trưởng Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TPHCM, năm 2011, qua kiểm tra 32.585 cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, phát hiện 1.463 cơ sở sai phạm với số tiền phạt gần 5 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 181 cơ sở, tịch thu tiêu hủy gần 25 tấn thực phẩm các loại. Đáng lo ngại, đã phát hiện, tiêu hủy gần 1,5 tấn thực phẩm đóng hộp, bao gói (gia vị, nước xúp, mì, nước quả, trà…) nhiễm phóng xạ, quá hạn sử dụng.
Nhiều biến tướng
Hầu hết lãnh đạo nhiều sở, ngành thừa nhận việc kiểm soát, quản lý về ATVSTP hiện gặp khó khăn. Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, có nhiều biến tướng, đối phó khiến cơ quan quản lý “đau đầu”. Việc phối hợp liên ngành kiểm soát nguồn thịt động vật đưa vào TP đang dần thực hiện khá tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chất vấn: “Vậy tại sao hàng tấn thịt thối, chân gà thối vẫn lọt vào TP?”. Ông Thảo thừa nhận xuất hiện tình trạng sử dụng giấy kiểm dịch động vật giả mạo, ngụy trang cao cấp, sử dụng địa chỉ “ma”, chủ hàng “bỏ của chạy lấy người” khi bị phát hiện... “Đây là gánh nặng của TP, TP không phải là túi rác mà phải ôm hết các loại hàng thối tuồn về đây” - ông Thảo bức xúc.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP, cho rằng kiểm soát ATVSTP nguyên liệu thủy hải sản khá nhức đầu vì trong khi tất cả các ngành khác đều có giấy tờ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm thì bên thuỷ sản “không có mảnh giấy lận lưng”.
PGS-TS Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, cho biết 30% số vụ ngộ độc là không tìm ra nguyên nhân, còn các vụ đã xác định được thì 50% là do vi trùng và 50% do hóa chất. Ông cũng cho rằng chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định có sự chuyển dịch tác nhân gây ngộ độc thực phẩm trong những vụ ngộ độc thực phẩm hiện nay. Đây cũng là mối nguy cơ cho công tác giám sát quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận kêu gọi người dân tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời kiến nghị cấp Trung ương nhanh chóng “gỡ rối” cho TP trong việc triển khai Luật ATVSTP. Ông cũng cho rằng TP cần tăng thêm 60 biên chế cho lực lượng thanh tra, lập các đội phản ứng nhanh, xử lý ATVSTP tại các chợ đầu mối.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao công tác ATVSTP của TP cũng như thực hiện đề án chuỗi thực phẩm an toàn. Bà cũng cho rằng ngộ độc thực phẩm mãn tính mới là điều đáng sợ và đề nghị TP trong thời gian tới không để xảy ra. Bà cũng thừa nhận việc thực hiện Luật ATVSTP là quá chậm và hứa sẽ giải quyết những kiến nghị của TP. “Đổ tiền” để kiểm soát ATVSTP Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, đưa ra bảng kết quả xét nghiệm về thực phẩm khiến người đứng đầu cơ quan ngành y tế Việt Nam giật mình. Cụ thể, 27% nước tương, tương ớt nhiễm vi sinh; 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh; 40% bánh canh, bún nhiễm hóa chất; 50% tương các loại nhiễm vi sinh; 33% bột ớt, hạt dưa nhiễm Rhodamine B; 33% mì, phở, bánh canh các loại nhiễm hàn the; 37,5% chả các loại nhiễm hàn the; 100% mứt các loại nhiễm chất tẩy trắng công nghiệp; 70,4% xirô các loại nhiễm DEHP… “Bộ máy ATVSTP TP đang hằng ngày lo bữa ăn cho hơn 9 triệu con người. Đây là nhiệm vụ không phải nhỏ với chúng tôi” - ông Hòa phân trần. Trong thời gian tới, UBND TP dự trù chi gần 60 tỉ đồng triển khai thực hiện đề án “Xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn giai đoạn 2011-2015”. |