Tản văn cuối tuần: Bụi đường nháo nhác
18-12-2011 | 09:01(Nguoiduatin.vn) - Bạn chiêm bao thấy mình nằm chết trên một con đường. Thật ra cũng có thể coi là ngủ, vì điệu bộ khá giống nhau: nằm thanh thản im lìm. Bạn chọn chết vì nó có lý hơn (chỉ thấy người điên mới nằm giữa đường mà ngủ). Và vì duy lý nên bạn không cho là điềm báo, tỉnh dậy chỉ nghĩ, té ra ta sợ đường sá đến nỗi bị ám cả trong mơ.
Một khảo sát gần đây cho thấy thời gian người ta ngủ trên giường bằng với thời gian đi trên đường, bạn nghĩ họ mô tả phần nào đời bạn. Cuộc sống gì mà cứ mở con mắt ra là dắt xe rời khỏi nhà, rồi cứ chạy nháo nhác. Có trăm việc phải chạy: đưa đón con, tới chợ, tới quán cà phê bù khú với bạn bè, tới cơ quan, đi công tác, về quê…
Một bữa ngó đồng hồ công - tơ - mét phát hiện ra mình đi mỗi ngày ngót năm mươi cây số. Phải chi đường trường thoáng đãng thì còn vẩn vơ ngó lau sậy, phải ngoạn mục như con đường chênh vênh ngoắt ngoéo bên miệng vực, như đường xuyên rừng bướm bay như vãi, hay như con đường chạy thẳng tắp bên dưới tán cao su mùa lá rụng… thì hay quá. Nhưng cung đường ngày ngày bạn phải len lỏi ngược xuôi chỉ loanh quanh trong thành phố với những đoạn bị đào xới, những ngã tư nghẽn cứng xe, những quãng chìm trong nước… Khói khỏi phải nói, bụi khỏi phải tả, ồn ã khỏi phải than.
Ảnh minh họa
Thành ra đi đường là một việc mệt nhọc và cơ cực. Tỉnh táo lắm giỏi giang lắm mới né khỏi nước miếng của người đi trước, mới không xảy ra va quẹt, không cán phải xác chuột hay một đống cơm cặn nát, không bị kẹt cứng giữa đám đông, hay sụp vào một ổ trâu… Về tới cổng nhà mới dám thở hắt ra tin mình còn sống. Một mình mạo hiểm đã sợ, nhưng mỗi ngày bạn vẫn phải chở trẻ con theo. Che chắn bề nào cũng thấy rủi. Sợ cả cái cùi bắp, vỏ dưa hấu mà người ta vô tư rải trên mặt đường, bởi bánh xe tránh được thì bạn cũng vấp vào câu hỏi của trẻ con, sao người lớn không tốt như lời mẹ dạy… Đôi buổi đón con tới trước nhà rồi mới sực nhớ suốt quãng đường về mình không nói câu nào với thằng nhỏ, trời đất ! Chung một xe mà đi như những thực thể cô đơn.
Ba năm trước đi Sài Gòn chơi, gọi chị bạn cà phê chị từ chối gọn, "chị đã lỡ về nhà rồi em ơi…", nghe giận lắm, không ngờ giờ mình đã trở thành bản sao, nghĩ tới chuyện lộn ra đường nghe ngán ngược, như chị Kiều bị cụ Du cho gặp lại anh Trọng, sau những trầm luân(*).
Có lẽ một phần do mình già, chớ hồi trẻ khoái xách xe ra đường tí tớn. Hồi trẻ đường phố là hơi thở, lầm lỗi gì mà nghe má dọa cấm không cho đi đâu thì sợ lắm, thà chịu bị đánh chục roi còn hơn. Nhưng những con đường xưa không còn nữa, những con đường nhỏ nằm mơ màng dưới bóng cây. Nhà thấp. Hàng quán thưa. Cỏ liếm láp bên lề. Chuông xe đạp leng keng vừa đủ để vui tai. Bụi đất đỏ cuộn là đà sau chiếc dép mòn bén lẹm của người gánh ve chai. Buổi tan trường trên đường lô xô áo dài, nón lá.
Giờ thành phố cũng còn một vài con đường còn sót chút đỉnh thơ mộng cũ, đôi khi bạn cũng vòng qua đó dù không có công chuyện gì. Thằng bạn nhỏ hết hồn khi nghe mẹ nó cao hứng hát ử ừ ư, chứ ngày thường ra đường mặt mẹ quạu đeo sẵn sàng sừng sộ…
Ngán ngẩm nào ám khói vô bộ não đến cả chiêm bao cũng thấy nằm buồn xo giữa đường. Nhưng có vài lần giấc mơ ấy lặp lại. Lúc đó bạn buộc phải nằm một chỗ trong nhà gần hai tháng trời, ban đêm khi mọi người ngủ hết nghe tiếng xe máy chạy qua nhà để lại một vệt âm thanh dài và ấm, bỗng dưng bạn như nhìn thấy góc đường có bà già thường ngồi bán xôi vò, thấy một chú mặt mũi bậm trợn hồng hộc đuổi theo và kêu cô ơi quên gạt cái chống chân kìa và ở chỗ chốt đèn đỏ có anh cảnh sát giao thông đang thổi bong bóng giùm cho tụi trẻ con…
Chiêm bao đó bạn giải mã bằng chữ nhớ. Xa mới nhớ, lẽ thường…
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư