Gặp vợ bạn là “kiều nữ” bán bia năm nào
(Phunutoday) - Người xưa có câu “Lấy cave về làm vợ chứ không ai lấy vợ về làm cave”. Tuy nhiên, trên thực tế có mấy ai khi lấy cave về làm vợ lại chắc rằng cô vợ ấy sẽ bỏ được cái tính, cái nết của nghề cave mà bấy lâu đã ăn sâu vào máu thịt. “Ngựa quen đường cũ” là câu mà người xưa thường nói, cũng là duyên cớ làm cho anh chồng phải vào tù bởi cái tính “tươi mát” của cô vợ.
Gây án vì “vợ hôn bạn”
Vào ngày 27.8.2010, tại gia đình bà Phạm Thị Lệ (ở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) có tổ chức đám giỗ cúng cơm cho chồng. Đám giỗ được tổ chức khá đơn sơ, gia chủ không mời khách mà chỉ có anh chị em, con cháu trong gia đình đến dự.
Vốn là con gái lớn trong gia đình lại có chồng (ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cách nhà mẹ ruột chỉ gần 20km nên trong lễ giỗ, chị Phạm Thị Ngọc Bích (sinh năm 1984) cùng chồng là anh Trần Văn Nhân (sinh năm 1983) cùng đứa con chưa tròn ba tháng tuổi về rất sớm để chuẩn bị cúng cơm cha. Vả lại, trong lễ giỗ này, chị Bích cũng có mời vài người bạn được xem là “thân tình”. Đó là hai vị khách tên Phan Tấn Phát và Lê Bình (cư ngụ tại thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh).
Khoảng 11 giờ, gia đình cúng cơm xong, cả nhà vào nhập tiệc. Nhân cùng ba người nữa uống gần hết một lít rượu đế vẫn không thấy khách của vợ đến. Chị Bích cũng nghĩ rằng hai anh chàng chiến hữu cũng là “mối quen” bấy lâu của mình chắc không đến.
Ai ngờ kim đồng đồng chỉ 12 giờ thì Phát và Bình không quản ngại đường xá xa xôi, ôm hai thùng bia 333 đến dự. Thấy hai anh đến, Bích mừng rỡ nhưng cũng không quên buông lời trách móc. Hai vị khách thân quen đáp rằng: “Đã lâu ngày không gặp nên người đẹp gọi báo tin, làm sao dám không đến”. Bích ra đón khách và ôm hôn vào má anh Phát một cái được xem là “đón khách theo kiểu Tây”.
Lúc vào nhà, Phát và Bình được mời vào ngồi cùng bàn với Nhân. Khách mang bia đến, lúc này cả bàn cũng chuyển sang uống bia, không uống rượu đế. Vào bàn tiệc, Bích giới thiệu anh em họ hàng và chồng cho hai vị khách quý biết. Tiệc rượu theo đó cũng rôm rả hơn. Có chút men bia rượu vào, trước tấm lòng của bạn cũ, Bích bày tỏ sự cảm kích nên đứng dậy nói: “Hôm nay có anh Phát và anh Bình từ xa đến dự ngày giỗ của cha, gia đình không có gì đền đáp, thôi thì Bích hôn anh Phát một cái để làm kỷ niệm”.
Vừa nói dứt lời, Bích liền hôn vào má anh Phát thêm một cái. Lúc này, anh Nhân chồng Bích ngồi cùng bàn nhìn thấy nhưng chẳng nói gì. Mặc dù Nhân đã bừng cơn ghen, nhưng kịp dằn lại được để cho vui cửa vui nhà bên vợ.
Để đáp lại tấm lòng “hết mình” của gia chủ, Phát và Bình nhậu “không say không về”. Khi hết bia, Phát mua thêm két bia khác về nhậu tiếp. Lúc này, trong bàn chỉ còn có Nhân, Phát, Bình và Bích ngồi nhậu. Uống tiếp được vài chai bia thì Phát đi “xả hơi”, còn Bình ra ngoài nghe điện thoại riêng, Nhân cũng đi vào nhà lấy thêm nước đá và mồi ra nhậu tiếp. Thấy Phát và Bình đi lâu chưa vào, Bích ra ngoài mời “hai chiến hữu” vào nhậu tiếp.
Trên đường vào, Bích và Phát đi trước còn Bình thì đi sau, khi đi đến gốc dừa ngang hông nhà, Phát từ phía sau chồm tới ôm hôn vào má của Bích một cái để… đáp lại hai nụ hôn lúc nãy. Lúc này, Nhân từ nhà đi ra, thấy cảnh Phát hôn vợ mình nên máu ghen nổi lên.
Tức giận, Nhân liền kêu Phát vào nhà nói chuyện, Nhân hỏi Phát: “Ông có gì với vợ tôi mà hôn nhau hoài vậy?”. Phát trả lời: “Anh em không hà, có gì đâu”. Nhân bảo: “Không có gì, sao hôn vợ tôi?”. Lúc này, Bình nghe điện thoại xong trở vào bàn nhậu, khuyên can hai bên: “Là chỗ anh em bạn bè, không có gì đâu” nên Nhân bỏ qua và tiếp tục khui bia nhậu. Khi uống hết két bia Sài Gòn vừa mua, Phát và Bích đi sang quán cạnh bên mua thêm một két bia Sài Gòn về uống tiếp.
Trong lúc nhậu, Phát và Bình tiếp tục bỏ ra ngoài nghe điện thoại. Tức giận trước hành động quá trớn của Phát và vợ mình, Nhân bỏ vào nhà “méc” mẹ vợ. Dù được mẹ vợ khuyên can: “Để qua đám, mẹ sẽ rầy la Bích” nhưng máu ghen của Nhân vẫn tiếp tục nổi lên. Nhân liền xách cây mác tìm Phát hỏi chuyện.
Thấy có người đang đứng nghe điện thoại ngoài đường, Nhân liền vung dao chém một nhát vào lưng. Bị chém bất ngờ, Bình (thương tích không đáng kể) liền nhảy xuống sông thoát thân. Biết mình đã chém nhầm, Nhân liền cầm hung khí đi đến chỗ gốc dừa lúc nãy vợ và Phát ôm hôn nhau. Đến nơi, thấy Phát đang ngồi nghe điện thoại, Nhân liền vung mác chém vào người Phát một nhát. Phát đưa tay lên đỡ trúng vào lòng bàn tay trái làm chảy nhiều máu.
Thấy vậy, bà con xung quanh đến can ngăn Nhân và đưa Phát đi băng bó vết thương tại Bệnh viện đa khoa Vũng Liêm. Do vết thương sâu, đứt gân nên bệnh viện chuyển Phát lên Trung tâm Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh điều trị tiếp.
Sau khi xuất viện về nhà thì gia đình của Nhân có đến gặp Phát. Phát yêu cầu phía gia đình Nhân bồi thường 50.000.000 đồng rồi sẽ bãi nại nhưng do hoàn cảnh nghèo khó, Nhân bồi thường được 20.000.000 đồng, số còn lại Nhân hứa trả dần. Cũng từ đó, Phát phát đơn khởi kiện yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự Nhân.
Kết quả giám định của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long kết luận tỷ lệ thương tích của anh Phan Tấn Phát là 38%. Trong quá trình điều tra, Trần Văn Nhân cho rằng: “Tỷ lệ thương tật của Phát đã giám định là quá cao”. Nhân đã làm đơn yêu cầu giám định lại tại Phân viện khoa học hình sự của Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh. Yêu cầu này đã được đồng ý và kết quả giám định lần hai kết luận thương tích của Phan Tấn Phát: sẹo vết thương phần mềm làm đứt hầu hết cơ và tổn thương thần kinh, làm bàn tay mất cảm giác, mất vận động và mất phản xạ, tỷ lệ thương tật là 30%.
Với kết luận trên, bị can Trần Văn Nhân đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện khởi tố và Viện KSND huyện Vũng Liêm truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2, Điều 104, Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Riêng trường hợp của bị can Nhân phạm tội vào tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”.
Người chém “kẻ hôn vợ mình” ra tòa lãnh án
Vào một ngày cuối tháng 11.2011, Tòa án Nhân dân huyện Vũng Liêm đưa vụ án trên ra xét xử lưu động tại quê hương của Bích cũng là nơi xảy ra vụ án. Trước phiên tòa sơ thẩm có sự chứng kiến của hàng trăm bà con, bị cáo Trần Văn Nhân đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo cho rằng Phát có những hành động xúc phạm, ảnh hưởng đến tâm lý của Nhân trong lúc có rượu nên không kiềm chế được hành động của mình mà thực hiện hành vi phạm tội.
Còn người bị hại Phan Tấn Phát chối quanh, cho rằng bị Bích - vợ của Nhân - hôn và không có đáp lại. Tuy nhiên, theo hồ sơ điều tra và các nhân chứng tại tòa đều xác định Phát cũng là người có lỗi trong chuyện này… Còn Bích trước tòa cũng đã thừa nhận: “Tôi hôn anh Phát trước, sau đó anh Phát mới ôm và hôn tôi nên tôi hôn đáp lễ lại”.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm: “Bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Bị cáo biết rõ gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật, biết rõ con dao là vật nguy hiểm, nếu dùng chém vào người sẽ gây thương tích nhưng bị cáo vẫn thản nhiên thực hiện để mặc cho hậu quả xảy ra. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, để lại hậu quả cố tật suốt đời cho người bị hại. Do đó có đủ căn cứ để kết luận bị cáo phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”.
Tuy nhiên, chính người bị hại cũng có lỗi. Nếu bị hại không có hành động ôm hôn vợ bị cáo thì sẽ không có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bị hại cho rằng không có ôm hôn vợ bị cáo là không phù hợp với lời khai của người làm chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Bị cáo sau khi gây thương tích cho bị hại đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả. Sau khi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo, bị cáo là lao động chính trong gia đình nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Bị cáo không có tình tiết định khung tăng nặng”. Với nhận định trên, Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân huyện Vũng Liêm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nhân 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Chỉ vì vợ trước đây là tiếp viên quán bia
Phiên tòa kết thúc, chúng tôi không khỏi thắc mắc về lý do vì sao có mặt chồng mà chị Bích lại hôn anh Phát đến ba lần và tại sao Phát và Bình được xem là khách quý của Bích. Bởi lẽ, trước đây vào độ tuổi trăng tròn, Bích là tiếp viên “tươi mát” của quán bia ôm Tứ Hải ở thị trấn Càng Long. Còn Phát là vị khách thường lui tới quán, được Bích phục vụ tận tình hay còn gọi là “mối quen”, Phát cũng chính là vị “thần tài” của Bích.
Nhưng sau một thời gian, Bích vắng bóng, Phát cũng chẳng biết Bích đi đâu, về đâu. Mãi đến một ngày gần cuối tháng 8/2010, Phát nhận được điện thoại của Bích mời đến nhà dự lễ giỗ của cha. Phát vẫn nghĩ Bích vẫn còn “tươi mát” như trước kia vì khi bước vào nhà, Phát đã được Bích đón tiếp nồng nhiệt theo kiểu Tây bằng một nụ hôn. Nhưng khi lên bàn nhậu, Phát mới biết Bích đã có chủ. Nhưng do ngà ngà say, “hai người” nhớ chuyện trước đây “ăn quen” nên Bích và Phát mới hôn nhau trước mặt chồng của Bích.
Còn về phần Bích, sau khi làm tiếp viên bán quán bia được một thời gian thì cũng gặp được một anh chàng yêu thương Bích thật lòng, đó là Trần Văn Nhân. Nhân xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha Nhân trước đây là lãnh đạo của một cơ quan pháp luật ở huyện Càng Long. Anh em Nhân là cán bộ nhà nước, riêng Nhân chỉ học đến lớp 10 thì nghỉ.
Sau đó, Nhân đôi lúc lại la cà ở các quán nhậu có “em út”. Đến khi gia đình phát hiện Nhân thường lui tới quán bia và đem lòng yêu thương cô gái tiếp viên, mọi người can ngăn nhưng Nhân vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cưới cho bằng được cô gái. Cuối cùng “áo mặc cũng qua khỏi đầu”, kết quả minh chứng cho tình yêu đó là cả hai có với nhau một đứa con chung. Tuy nhiên, khi đứa con chưa tròn ba tháng tuổi thì mẹ của bé đã “ngựa quen đường cũ” khi gặp “khách quen” nên đã đưa chồng vào vòng lao lý.
Phúc Tân