Thứ Sáu, 23/12/2011 - 06:29

Đi tìm nguyên nhân của những vụ nữ sinh đánh nhau
(Dân trí) - Đánh gục bạn tại chỗ, lấy dao lam rạch áo bạn, đánh hội đồng… là những hành động mà nhiều nữ sinh đã thể hiện với bạn gây bức xúc dư luận trong năm 2011. Vậy nguyên nhân chính do đâu?

“Choáng” với nữ sinh

Không chỉ đánh nhau, các nữ sinh còn quay clip tung lên mạng, coi đó là thú tiêu khiển và thể hiện bản lĩnh của mình. Điển hình nhất là vụ "clip nữ sinh Thái Nguyên" thuộc học sinh trường Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Do hiềm khích cá nhân, ba cô gái cùng lúc lao vào đấm đá và tát một nữ sinh khác. Được cán bạn cổ vũ, ba cô gái càng đánh càng hăng, liên lục chửi bậy và dùng chân đạp thẳng vào ngực, vùng nhạy cảm của cô gái. Dưới những đòn đánh tàn bạo, nữ sinh đã ngất xỉu tại chỗ. Chưa dừng lại, 3 cô gái này vẫn tiếp tục đấm đá thẳng vào bụng khi cô không còn phản ứng gì.

Hình ảnh trong clip nữ sinh Thái Nguyên đánh nhau.

Vụ điển hình thứ 2, tại Bắc Ninh, cảnh 3 nữ sinh lớp 11 thuộc Trường THPT Phố Mới, huyện Quế Võ, hành xử một bạn gái khiến người xem không khỏi khiếp sợ là rạch áo bạn bằng dao lam. Ngoài việc đánh đấm nạn nhân, một nữ sinh lấy ra trong túi quần một con dao lam, liên tục cắt áo nạn nhân và lột sạch cả áo trong lẫn áo ngoài cùng với lời đe dọa “nằm yên cho chị làm việc không thì em rách đấy”. Thậm chí nữ sinh này còn giơ chiếc áo ngực của nạn nhân trước máy quay để khoe như lập được chiến tích.

Cũng hung hãn không kém, tại Bắc Giang, 2 nữ sinh thuộc Trường THPT Tứ Sơn, huyện Lục Nam, đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với một nữ sinh khác trong phòng trọ. Không chỉ vậy, một nữ sinh mặc áo trắng lao vào lột áo bạn mặc dù nạn nhân gào thét van xin, khóc lóc.
 
Còn tại Lạng Sơn, nhóm nữ sinh lớp 10, Trường THPT Việt Bắc vì mâu thuẫn cá nhân đã rủ bạn đánh hội đồng một bạn nữ sinh khác. Nạn nhân bị nhiều nữ sinh giật tóc, liên tục dùng chân đạp vào đầu và mặt. Sau trận đòn, 4 nữ sinh bắt người bị đánh quỳ xuống xin lỗi. Lúc đầu, nữ sinh bị đánh không xin lỗi nhưng sau một hồi bị đánh đạp dã man, nữ sinh này vừa khóc vừa ôm mặt quỳ. Mặc dù đã cất lời xin lỗi nhưng nữ sinh này vẫn tiếp tục bị đòn vào chân và tay như nắm tóc kéo lê trên đất, đạp chân vào mặt.
 
Đâu là nguyên nhân?

Trước tình trạng các vụ nữ sinh đánh nhau xảy ra, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức ban ngành đoàn thể, nhà tâm lý, nhà khoa học, giáo viên… đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhưng xem ra vẫn khó giải quyết.

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ học sinh đánh nhau, theo TS. Trịnh Hòa Bình, giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, bạo lực gia đình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của con cái. Trong một nghiên cứu cho thấy, chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con cái đúng mực và có văn hoá khi thấy con đánh nhau thì “khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn”. Trong khi đó, 41,7% cha mẹ sử dụng hình thức bạo lực (chửi mắng, đánh) để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. Chính điều này đã đẩy con cái mình trượt tiếp trên con đường bạo lực.

Bên cạnh đó, kinh tế thị trường và ảnh hưởng của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa có những tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến đời sống và các chức năng xã hội của gia đình. Tâm lý xã hội lứa tuổi cũng là một trong những yếu tố tác động đến hành vi lệch chuẩn của học sinh. Lứa tuổi học sinh cấp 3, đặc điểm tâm lý thích tự khẳng định "cái tôi trưởng thành" của bản thân, nhu cầu khẳng định của các em trong lứa tuổi này rất cao, lòng tự trọng và danh dự bản thân dễ bị tổn thương - TS Bình cho hay.
 
Cùng quan điểm trên, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội  khẳng định: “Gia đình là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, bởi môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của các em. Bên cạnh đó từ phía nhà trường, các biện pháp giáo dục pháp luật đạo đức chưa gắn và sát với các giải pháp quản lý các học sinh chưa ngoan. Thông thường, khi phát hiện học sinh vi phạm kỷ luật thì hình thức xử lý là đuổi học, mà hình thức này khi áp dụng lại vô tình tạo ra khoảng trống thiếu vắng sự quản lý, giáo dục nên dễ đưa học sinh vào con đường vi phạm pháp luật".
 
Đưa ra giải pháp tình trạng này, Đại tá Chung cho rằng: “Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng khác trong việc quản lý, giáo dục các em và phòng chống vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên. Đưa chương trình pháp luật vào giảng dậy trong các nhà trường từ bậc tiểu học và coi đây là một môn học chính với những nội dung cơ bản phù hợp với từng bậc học như: Nhận thức chúng và các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; những hành vi được coi là tội phạm; quy định của pháp luật về tội phạm, chính sách xử lý của nhà nước đối với những hành vi được coi là tội phạm… Từ đó định hướng cho bản thân những chuẩn mực phù hợp, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật".
 
Là nhà nghiên cứu xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình cho hay: “Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái trong mọi vấn đề nhất là đạo đức. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Nhà trường được xem là thiết chế giáo dục chính thống, có vai trò quan trong trong giáo dục học sinh về kiến thức cũng như đạo đức bên cạnh thiết chế gia đình”.
 
Là đại diện của Đoàn Thanh niên, ông Lê Đăng Tặng, UVBCH Thành đoàn, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho rằng: “Đối với lứa tuổi thanh niên, không chỉ nói suông mà nói phải đi đôi với việc làm mới tạo được niềm tin và tình cảm ở họ. Do đó, tổ chức Đoàn thanh niên cần tăng cường triển khai các hoạt động có ý nghĩa giáo dục đoàn viên, thanh niên như: thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh. Đoàn thanh niên nên chủ động đề xuất đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên để vừa thu hút tập hợp đoàn viên, thanh niên, vừa nâng cáo ý thức tự giác lao động của các bạn trẻ. Sau khi tổ chức các phong trào, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các đoàn viên, thanh niên có ý thức, đạo đức tốt, có hành động dũng cảm, trung thực. Đồng thời kịp thời nhắc nhở, phê bình hoặc kỷ luật đối với những đoàn viên, thanh niên vi phạm nội quy, quy định hoặc vi phạm pháp luật”.
 

Từ năm 2009 đến tháng 10 năm 2011, cả nước xảy ra 1.598 vụ học sinh (HS) đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Đã có 881 HS nhận hình thức kỷ luật khiển trách, 1.558 HS bị cảnh cáo, 735 HS buộc thôi học có thời hạn từ ba ngày đến một năm. Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ở HS nam mà xuất hiện ngày càng nhiều ở HS nữ. Đây là con số được đưa ra tại cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong HS nữ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 19/12/2011 tại Hà Nội.

 
Hồng Hạnh