Ca sĩ Tuấn Ngọc: Có người thấy tôi hát... rất chán
GiadinhNet - Có người thấy tôi hát hay nhưng cũng có người thấy tôi hát rất buồn ngủ, rất chán.
Sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ và các anh chị em đều làm nghệ thuật, nhưng lối sống của ca sĩ Tuấn Ngọc lại như một... nhà giáo. Điềm đạm và chuẩn mực trong lối sống chính là điều làm nên sự yêu mến bền lâu mà khán giả dành cho danh ca Tuấn Ngọc. Bởi như anh quan niệm, trở thành người có nhân cách trong gia đình quan trọng hơn trở thành một tài năng.
Có người thấy tôi hát rất... buồn ngủ
Tuấn Ngọc muốn hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” Sáng 20/12, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã gặp gỡ và trân trọng mời danh ca Tuấn Ngọc tham gia thu âm cho nhạc phẩm "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" trong album “Bình yên đất trời” sắp phát hành trong năm 2012. Trước lời đề nghị của nhạc sĩ Trương Quý Hải, danh ca Tuấn Ngọc cho biết “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là một nhạc phẩm rất hay. Ca sĩ Tuấn Ngọc cũng mong muốn sẽ được thể hiện ca khúc này vào một dịp nào đó và sẵn sàng tham gia vào album của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Tuy nhiên, ca sĩ cũng cho biết, hiện anh đang rất bận rộn với 3 đêm diễn của live show “Riêng một góc trời” được tổ chức vào đầu tháng 1/2012 tới đây nên chưa thể đưa ra thời gian cụ thể để thực hiện phần thu âm. T.L |
Có rất nhiều người coi anh là “tượng đài” trong âm nhạc ở dòng nhạc tình và phong cách của anh ảnh hưởng đến không ít ca sĩ trẻ hiện nay. Vậy có bao giờ anh nghĩ mình là “tượng đài” trong mắt họ?
- Tôi không hề nghĩ mình là tượng đài. Nếu mọi người nghĩ như thế thì tôi rất sung sướng nhưng ở tuổi này, tôi vẫn phải học hỏi mỗi ngày, mỗi giờ. Càng học thì tôi càng thấy mình không là gì cả.
Nói như thế có khiêm tốn không, vì với 50 năm đi hát (4 tuổi Tuấn Ngọc đã đi biểu diễn-PV), anh đã tạo nên một “trường phái Tuấn Ngọc” với nhiều ca sĩ thì việc anh tự tin về mình cũng là chính đáng…
- Tôi thấy mình may mắn được yêu mến thôi chứ không dám nghĩ mình có tài. Có người thấy tôi hát hay nhưng cũng có người thấy tôi hát rất buồn ngủ, rất chán. Nhưng tôi vẫn đi hát đến ngày hôm nay nghĩa là tôi vẫn còn có giá trị.
Anh nói mình may mắn, vậy theo anh, yếu tố may mắn chiếm bao nhiêu phần trăm trong sự thành công của người nghệ sĩ?
- Trước hết, mình làm gì thì phải thông rõ vấn đề đó. Có 3 vấn đề mà người nghệ sĩ cần phải biết: Có kiến thức về âm nhạc, luôn học hỏi và may mắn. May mắn theo tôi chiếm tới 30-40%. Như ông họa sĩ Van Gogh người Hà Lan, tranh của ông rất đắt nhưng thời ông còn sống thì tranh của ông không bán được, vì nó không hợp thời. Nên tôi thấy rằng, mình được yêu mến từ sớm thì đó là do may mắn rất nhiều...
Sẽ thành giảng viên khi không hát nữa
Ngoài chất giọng thiên phú, anh còn được đánh giá là một trong số ít những ca sĩ có kiến thức nhạc lý uyên thâm. Anh đã bao giờ nghĩ mình sẽ là giảng viên để đào tạo các giọng ca trẻ?
- Đó là điều tôi có nghĩ đến khi không còn đi hát nữa. Nói về việc đi hát thì thật lòng tôi không tự tin bằng việc đào tạo người trẻ để họ có cơ hội đến với nghề. Vì như người ta nói, “không thầy đố mày làm nên”, thành ra nếu không có thầy giỏi thì người nghệ sĩ sẽ thành công chậm hơn. Với kinh nghiệm tôi có, tôi mong là sẽ giúp những người trẻ đốt giai đoạn đến với nghề, mà tôi nghĩ là tôi giúp được.
Vậy bao giờ thì anh biến những suy nghĩ đó thành hiện thực?
- Tôi chưa có thời giờ để làm việc đó, nhưng tôi nghĩ tương lai, nếu có nghỉ hát thì đó là điều tôi muốn làm nhất.
Bên cạnh những người yêu mến anh thì giới chuyên môn cũng có nhận xét rằng, giọng hát và dòng nhạc của anh chỉ hợp với phòng trà. Nếu hát ở không gian rộng lớn hơn thì không hợp. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Ý bạn muốn so sánh việc tôi hát ở Nhà hát Lớn vào tháng 1 tới đúng không? Tôi đã hát ở Nhà hát Lớn một lần, chung với Quang Dũng, Bảo Yến... rồi. Hát ở sân vận động thì giọng của tôi sẽ bị loãng, còn thực sự một phòng 500-600 khán giả thì với tôi không quá lo lắng.
Nhân việc anh vừa nhắc đến Quang Dũng, tôi có một liên hệ đến anh, vì dòng nhạc của anh và Quang Dũng khá giống nhau. Năm ngoái, Quang Dũng từng khốn đốn vì một bài báo cho rằng, anh chỉ là kẻ ăn sẵn, chuyên nhặt nhạnh những ca khúc nổi tiếng rồi mang ra làm đĩa, đi hát ở khắp nơi chứ không hề có đóng góp gì mới cho âm nhạc. Anh có nghĩ ca sĩ chuyên hát nhạc tình là một thuận lợi và an toàn, dễ được yêu mến vì bản thân bài hát đó vốn dĩ đã quá hay rồi?
- Bạn thử để ý xem, những ca sĩ đã thành danh của ngoại quốc họ cũng hát những bài hát yêu thích và suốt đời họ chỉ hát những ca khúc đó thôi, vì đó là hướng đi của họ. Nếu mình chọn hướng đi mới thì sẽ giống như trở thành người có hai nhân cách vậy, mà tôi thì không thích mình làm như thế. Đối với tôi, một nghệ sĩ là người phải có hướng đi rõ ràng. Chẳng hạn như văn sĩ đang viết chuyện tình mà lại hướng sang viết truyện gián điệp thì sẽ không phải sở trường. Không phải là tôi không hát được những dòng nhạc khác nhưng tôi nghĩ, một người nghệ sĩ thì nên định hình cho mình một phong cách. Nhạc mới tôi cũng hát nhiều chứ, “Không còn mùa thu” của nhạc sĩ Việt Anh chẳng hạn. Với tôi đó là bài rất hay vì khi hát, tôi quan trọng đến ca từ lắm. Còn với thể loại nhạc dù đang thịnh hành nhưng nếu không cho tôi cảm xúc thì tôi sẽ không thể hát được.
Thường thì với một nghệ sĩ, nếu cuộc sống của họ có nhiều biến cố thì nó như một chất xúc tác để họ hát hay hơn, chín hơn về nghề. Nhưng với anh thì không phải như vậy. Cuộc sống của anh rất chuẩn mực hay là nó cũng có những biến cố mà công chúng chưa được biết?
- Thực sự cuộc đời ai cũng có vui buồn sướng khổ và tôi cũng không tránh được điều đó. Đó là chưa kể mình sống nhiều, thấy nhiều thân phận xung quanh mình thì sẽ cảm thông, giống như là chính mình vậy. Chưa kể mình càng học hỏi thì cách diễn tả của mình cũng thay đổi nhiều lắm, không giống như khi mình còn trẻ. Khi hát thì mình phải sống với bài hát, vì bản thân ca từ của ca khúc hay cũng đã cho mình một cảm xúc đặc biệt rồi.
|
Ngoài chất giọng thiên phú, Tuấn Ngọc được đánh giá ca sĩ có kiến thức nhạc lý uyên thâm. ảnh: PV |
|
Tuấn Ngọc và vợ - ca sĩ Thái Thảo. Ảnh: TL |
Cái tài không quan trọng bằng nhân cách
Người được yêu mến như anh hẳn là sẽ có rất nhiều fan nữ. Thường thì họ có nói với anh rằng họ yêu mến ở anh điều gì không, ngoài giọng hát?
- Khi khán giả yêu mến mình thì họ hay tưởng tượng mình đẹp hơn con người thật của mình. Ví dụ bây giờ Thanh Hà khen tôi hát hay thì điều đó cũng không giúp tôi hát tốt hơn hay dở đi. Tôi nghĩ về mình thế nào mới quan trọng. Sự yêu mến của khán giả không làm cho tôi ngãng đi vì điều đó nó xảy ra trên khắp thế giới.
Nghĩa là bây giờ nếu tôi khen anh rằng, ở tuổi này mà anh vẫn rất phong độ, vẫn rất đẹp trai thì anh sẽ nghi ngờ?
- Thì tôi sẽ soi vào gương để xem lời khen đó có đúng không?
Lúc nào anh cũng cẩn thận như thế sao?
- Không, nhưng mình phải biết mình ở đâu chứ, cái đó rất quan trọng. Châm ngôn sống của tôi chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Nếu mình không biết mình ở đâu thì cuộc đời sẽ có nhiều lầm lỗi lắm.
Nhiều người nói rằng, nếu có những lợi thế như anh thì họ sẽ tận dụng, điều đầu tiên là không tội gì mà không… đa tình. Trong khi đó thì anh nói rằng, tôi đa cảm chứ không đa tình. Hay là anh không biết mình có những lợi thế được nhiều phụ nữ yêu mến?
- Bởi vì tôi là người có gia đình rồi. Tôi quan niệm, mình là người có gia đình rồi thì phải sống đúng với vai trò đó. Với tôi người có tư cách quan trọng hơn nhiều. Đi hát, được khán giả yêu mến đó là may mắn cho tôi, nhưng nếu ai khen tôi là người có tư cách thì tôi thấy thích hơn là khen có tài. Vì thế, tôi không bao giờ dám lợi dụng sự yêu mến đó. Ngay cả khi tôi chưa có gia đình hoặc không có gia đình tôi cũng không làm như vậy.
Như vậy bây giờ cứ khen anh là người có tư cách thì chắn sẽ lấy được cảm tình của anh?
- Cũng không phải đâu, vì không dễ gì để được là người có tư cách.
Nói như cách của anh thì không đa tình là một may mắn vì nếu thế, chắc gì anh đã giữ được gia đình mình yên ấm như ngày hôm nay?
- Cuộc đời cho mình cái quyền được làm những điều theo hoàn cảnh của mình. Khi người ta còn trẻ, người ta có quyền đa tình. Nhưng khi mình đã có gia đình thì không có quyền đa tình nữa. Tôi chỉ đa tình trong âm nhạc. Vì bạn hỏi nên tôi cũng để ý, ở các nước Á châu như Việt Nam, hình như người đàn ông có quyền đa tình còn người phụ nữ mà làm như thế thì sẽ bị soi xét. Điều đó là không công bằng với người phụ nữ.
|
Nếu ai khen tôi là người có tư cách thì tôi thấy thích hơn là khen có tài. Ảnh: PV |
Tôi cũng có nhiều bê bối lắm
Vậy đa tình là xấu?
- Với người có gia đình rồi thì như thế với tôi là xấu. Nhưng mà tôi không dám chỉ trích ai vì không ai hoàn hảo cả, vì tôi cũng có những tính xấu mà chỉ mình tôi biết thôi (cười).
Nói đến gia đình, tôi thấy tội cho người phụ nữ lắm, chưa kể tôi có ba cô con gái nên càng thấy thương phụ nữ nhiều hơn. Nếu tôi là người đa tình, vợ tôi cũng đa tình thì sẽ như thế nào? Từ xưa tôi sống theo tiêu chuẩn của tôi chứ không sống cho xã hội nên tôi không lo sợ người khác sẽ nghĩ gì về mình.
Anh có những tiêu chuẩn gì vậy?
- Là trách nhiệm, là bổn phận của người chồng, người cha. Mà điều đó không dễ đối với tôi.
Lâu nay anh vẫn luôn được đánh giá là người chuẩn mực trong lối sống, vậy thì tại sao anh lại cho là khó?
- Không có đâu, tôi là một người nghệ sĩ nên cũng có nhiều bê bối lắm. Ví dụ, bê bối về giờ giấc chẳng hạn. Mà để làm tròn bổn phận và trách nhiệm thì sống cho gia đình đã hết thời gian rồi, lại còn phải chia cho âm nhạc thì lấy đâu thời gian để mà đa tình?
+ Xin cảm ơn ca sĩ Tuấn Ngọc về cuộc trò chuyện!
Ca sĩ Tuấn Ngọc sinh năm 1948, tên thật là Lữ Anh Tuấn. Anh được xem là một trong những giọng ca nam xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam. Sau 1975, Tuấn Ngọc định cư tại Nam Califonia và nổi tiếng bởi các tình khúc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng... và tạo thành một “trường phái Tuấn Ngọc” cho nhiều ca sĩ trẻ như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú... |
Thanh Hà
(thực hiện)